Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:21 GMT+7

Nâng cao sức chiến đấu của chi bộ thôn, bản khu vực biên giới: Nhiệm vụ thường xuyên, không ngừng nghỉ (bài 3)

Biên phòng - Trong câu chuyện, Bí thư Chi bộ bản Minh Châu cũng chia sẻ, cùng với thời gian chăm lo việc chung của bản, những đảng viên như ông chỉ dựa vào việc làm nương rẫy, chăn nuôi để chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Bài 3: Cần có chính sách đối với đảng viên ở khu vực biên giới

Có rất nhiều đảng viên ở những chi bộ trên khu vực biên giới xa xôi phía Tây Nghệ An luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ, tận tâm góp sức chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Họ trở thành “cầu nối” tin cậy gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bằng kinh nghiệm, trách nhiệm, sự trăn trở, họ thẳng thắn đề xuất nhiều ý kiến cho công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng chi bộ thôn, bản biên giới vững mạnh.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã và Đồn Biên phòng Tri Lễ, ông Cụt Văn Thu (ngồi giữa) đã sử dụng thành thạo máy vi tính. Ảnh: Viết Lam

Không ngừng học tập để phục vụ nhân dân

Những ngày đầu tháng 9/2024, trên địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong có mưa kéo dài, ông Cụt Văn Thu, Bí thư Chi bộ bản Minh Châu không thể lên nương rẫy. Trong căn nhà sàn, ông mở máy tính xách tay soạn dự thảo nghị quyết chuẩn bị cho cuộc họp chi bộ định kỳ hằng tháng. Mắt nhìn vào những nội dung đã được chuẩn bị vạch sẵn trên cuốn sổ ghi chép, đôi bàn tay của người đảng viên dân tộc Khơ Mú gõ đều lên bàn phím. Quan sát mới thấy hệ thống văn bản phục vụ cho công tác sinh hoạt chi bộ, hướng dẫn triển khai các chính sách của đảng ủy xã đến với nhân dân được ông Thu lưu trữ theo tháng, quý, năm rất rõ ràng trên máy tính.

Qua câu chuyện được biết, ông Thu sinh năm 1980, ở bản làng có cả đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Kinh định cư đan xen nhau từ bao đời. Hơn 20 năm về trước, trong điều kiện cuộc sống của nhân dân biên giới còn nhiều khó khăn, thanh niên Cụt Văn Thu là người đầu tiên của bản làng ra thị trấn ở trọ theo học hết bậc phổ thông trung học.

“Do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép học lên cao đẳng, đại học, tôi lại quay về bản phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Quá trình đó, tôi tìm sách báo, tài liệu đọc, học cách chăn nuôi trâu, bò làm sao không bị bệnh, trồng cây cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế tốt. Khi làm thành công cái gì, tôi hướng dẫn cho bà con cùng làm theo. Tuổi trẻ cho đến giờ, tôi đều không ngại tham gia việc chung của bản” - ông Thu cho biết.

Thời điểm đó, Đảng ủy xã Tri Lễ nhận thấy ông Thu “nhiều chữ” nhất bản, được nhân dân tin tưởng nên đã cử cán bộ trực tiếp bồi dưỡng, kết nạp ông vào hàng ngũ của Đảng. Trên cương vị của một đảng viên, ông Thu thêm trách nhiệm với công việc “vác tù và hàng tổng”, cùng nhân dân bản làng vươn lên xóa đói giảm nghèo. Gần 20 năm qua, ông được chi bộ, nhân dân liên tục tín nhiệm bầu làm bí thư, rồi trưởng bản.

“Được chi bộ, nhân dân tín nhiệm, mình cố gắng học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, công tác lãnh đạo của đảng ủy xã, công tác sinh hoạt chi bộ có nhiều đổi mới về hình thức, văn bản. Đầu năm, tôi đã bán một con bò để lấy tiền mua máy tính xách tay và nhờ anh em đảng viên là cán bộ xã, Đồn Biên phòng Tri Lễ hướng dẫn, rồi tự học, giờ đã thành thạo, từ việc hoàn thiện văn bản sinh hoạt chi bộ đến các báo cáo theo đúng quy chuẩn. Xã Tri Lễ có 16 chi bộ thôn, bản, phần lớn các đồng chí bí thư, trưởng bản đều tự trang bị và sử dụng máy tính rất thành thạo. Công tác chỉ đạo của đảng ủy xã, một số công việc của bản, mọi người đều có thể trao đổi với nhau qua nền tảng của mạng xã hội” - ông Thu khẳng định.

Trong câu chuyện, Bí thư Chi bộ bản Minh Châu cũng chia sẻ, cùng với thời gian chăm lo việc chung của bản, những đảng viên như ông chỉ dựa vào việc làm nương rẫy, chăn nuôi để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Đã 5 năm qua, ông và nhiều đảng viên là cán bộ thôn, bản đã bàn bạc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Trên địa bàn có tôi và 9 đồng chí đảng viên khác được chi bộ, nhân dân bầu làm bí thư, trưởng bản liên tục suốt 15-20 năm rồi. Nếu như được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản thì tốt quá. Trong trường hợp không còn đảm nhiệm việc của bản nữa, chúng tôi sẽ tìm nguồn khác để đóng tiếp bảo hiểm cho đủ thời gian quy định” - ông Thu khẳng định.

Cần chính sách riêng

Nhờ những chủ trương, cách làm sáng tạo khác nhau, tổ chức chi bộ tại thôn, bản các địa phương biên giới phía Tây Nghệ An đang đáp ứng được nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, có một thực tế, công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên tại các địa phương đang gặp rất nhiều thách thức. Nguyên nhân chính là do thiếu công ăn việc làm ổn định, buộc người lao động, nhất là lao động trẻ phải rời quê hương đi làm ăn xa dẫn đến thiếu nguồn để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. Theo thống kê của chính quyền địa phương, đến tháng 8/2024, huyện Tương Dương có trên 10 nghìn người, huyện Kỳ Sơn trên 16 nghìn người và huyện Quế Phong khoảng 7 nghìn người (chủ yếu là thanh niên) rời quê tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố khác.

Cán bộ UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn và Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An hỗ trợ dê giống để đoàn viên trên địa bàn phát triển kinh tế. Ảnh: Viết Lam

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết: “Trên địa bàn có 5 chi bộ thôn, bản với 125 đồng chí đảng viên, trong đó có 47 đảng viên xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để đi làm ăn xa. Từ năm 2020 đến nay, địa phương cũng đã chọn lựa được 31 thanh niên ưu tú tham gia các lớp cảm tình Đảng nhưng vẫn chưa thể kết nạp trở thành đảng viên, vì họ đã rời quê đi làm ăn xa. Vừa qua, Đảng ủy xã Tam Hợp có tổ chức gặp mặt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng trên nhưng cũng chỉ được 12 đồng chí tham gia. Qua trao đổi với các địa phương bạn, chúng tôi nhận thấy đây là tình trạng chung ở nhiều nơi. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào chúng ta giải quyết được vấn đề hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tại chỗ thì công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng chi bộ thôn, bản sẽ vững chắc hơn”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có rất nhiều chủ trương, chính sách giúp nhân dân ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, tập trung hỗ trợ về nhà ở, con, cây giống cho các hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực biên giới có sinh kế bền vững. Trong khi đó, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, cán bộ đoàn thể do có phụ cấp hằng tháng, thường sẽ không nằm trong diện được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng ở địa bàn rộng, hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhiệm vụ của cán bộ thôn, bản rất nặng nề, phụ cấp cho đội ngũ đảng viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản rất khó đáp ứng được cuộc sống. Ngoài nhiệm vụ chung với bản làng, đội ngũ đảng viên, cán bộ thôn, bản cũng phải bám nương rẫy để chăm lo cuộc sống gia đình. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thu nhập bấp bênh, nhiều đảng viên buộc phải từ bỏ việc chung của bản, xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để đến các tỉnh, thành phố khác tìm việc làm ổn định hơn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, để công tác xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở thôn, bản ở khu vực biên giới được bền vững thì cần có những chính sách đặc thù. Cụ thể như cùng với phụ cấp hằng tháng, cần hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, giúp đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản yên tâm cống hiến. Trong trường hợp họ không còn đảm nhiệm cán bộ thôn, bản có thể tự túc kinh tế để đóng nối bảo hiểm cho đến khi đủ thời gian được nhận lương hưu. Một điểm nữa, cùng với chủ trương chung hỗ trợ đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thiết nghĩ nên có chính sách riêng để đảng viên ở khu vực biên giới phát triển kinh tế gia đình. Có nguồn vốn, sinh kế, đảng viên có cơ sở để bám trụ lại địa phương, tiên phong vươn lên thoát nghèo làm giàu, hỗ trợ bà con cùng nâng cao cuộc sống”.

Viết Lam - Thuỳ An

Bình luận

ZALO