Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:26 GMT+7

Nâng cao ý thức văn hóa giao thông

Biên phòng - Trung bình một ngày có trên dưới 30 người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) và khoảng 10.000 người ra đi vĩnh viễn vì TNGT một năm là tổn thất quá lớn đối với Việt Nam. Đồng thời, phản ánh trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Ảnh: minh họa

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TNGT là vấn đề toàn cầu. Mỗi năm TNGT cướp đi sinh mạng của khoảng 1,5 triệu người, trên 50 triệu người mang thương tật suốt đời.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong những năm qua, TNGT từng bước được kiềm chế, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra vẫn rất lớn, hậu quả là những mất mát không gì bù đắp được. Trong 9 tháng cả nước xảy ra 17.481 vụ TNGT, làm chết 8.115 người, bị thương 13.385.

Tuy nhiên, việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Số vụ TNGT giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn...

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nguyên nhân tình trạng này có phần do cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện vi phạm... nhưng còn phải kể đến ý thức chấp hành luật, các quy định về giao thông của người dân. Ngoài ra, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, chưa trở thành nét đẹp khi tham gia giao thông.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao công tác kiểm tra, giám sát... thì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông là giải pháp bền vững.

Theo các chuyên gia, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an ninh con người, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Từ thực tế phần lớn nguyên nhân gây TNGT đều do lỗi con người. Do đó, việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ có tính chất quy phạm. Điều này có ý nghĩa về văn hóa giao thông, phải được thay đổi, tăng cường để người dân có hành vi đúng mực khi tham gia giao thông.

Vấn đề không chỉ là nghiêm cấm, xử phạt thật nghiêm, mà còn là công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Từ đó, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của công dân trong việc học tập, quán triệt, hiểu biết Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của người dân. Đồng thời xem xét đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy cho các bậc mầm non, tiểu học, nhằm giúp trẻ em sớm hình thành ý thức và chấp hành tốt quy định về trật tự an toàn giao thông.

Thiết nghĩ, để kiềm chế và kéo giảm TNGT, các cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng, hình thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, trang bị cho người dân kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn. Đồng thời, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.

Trước mắt, người dân cần nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; những điều cần biết trong các luật mới ban hành như Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, các quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, quy định không giao xe cho người chưa đủ điều kiện, quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO