Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 05:44 GMT+7

Nâng tầm giá trị nông sản ở vùng biên giới Tây Giang

Biên phòng - Tây Giang là huyện miền núi biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Quảng Nam. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào rừng. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương, nhiều hộ nông dân đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), qua đó, nâng cao giá trị nông sản vùng biên giới và tạo ra thu nhập cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định, đồng bào Cơ Tu đã phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh: Tiêu Dao

Chị Coor Thị Nghệ (33 tuổi, thôn Ating, xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) là điển hình cho mô hình khởi nghiệp từ phát triển nông sản địa phương. Từ năm 2015, chị Nghệ đã thu mua nông sản của bà con vùng biên giới Gari và các vùng lân cận, sau đó mang xuống đồng bằng bán lại cho các cơ sở chế biến, cung cấp cho các chợ và người tiêu dùng. Nhận thấy tiềm năng từ nông sản sạch của đồng bào dân tộc Cơ Tu khi không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, cùng với đó là cách trồng tự nhiên với chất lượng tốt và thị trường đang ưa chuộng các loại nông sản sạch, năm 2021, chị Nghệ xin phép thành lập HTX và được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch ra đời từ đó.

Chương trình khởi nghiệp, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới giúp các thành viên trong HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch có thu nhập ổn định. Người dân đã có tư duy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, biết mở rộng diện tích giống cây trồng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch do chị Nghệ khởi xướng thành lập đã thu hút được 21 chị em thôn Ating và lân cận cùng tham gia. Bà con duy trì cách trồng truyền thống lâu nay để đảm bảo rau củ luôn sạch, nghĩa là không phân bón, thuốc trừ sâu. HTX đã đón nhiều đoàn cán bộ, các doanh nghiệp chuyên thực phẩm sạch lên thăm và tìm hiểu cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch của bà con. Thời gian đầu, HTX tham gia nhiều hội chợ, ban đầu chủ yếu là quảng bá sản phẩm, thu không đủ tiền chi phí nhưng nhằm mục đích giới thiệu các mặt hàng cùng văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ Tu ở vùng biên.

Thông thường, HTX thu mua và phân phối khoảng 40-50 mặt hàng nông lâm đặc sản vùng cao. Trong đó, tiêu rừng tươi giá 80.000 đồng/kg, tiêu rừng khô giá 200.000 đồng/kg, ớt xiêm giá 80.000 đồng/kg, dứa mật, dưa rẫy đồng giá 20.000 đồng/kg, các loại đậu giá 35.000 đồng/kg, ruột riềng giá 100.000 đồng/kg... "Khi thời tiết không có nắng, chúng tôi dùng máy sấy (đầu tư 300 triệu đồng) sấy khô các loại nông sản như: Măng rừng, táo mèo, chuối rừng, ớt, thịt bò, thịt heo... nên chất lượng sản phẩm tốt hơn" - chị Nghệ chia sẻ.

Với những sản phẩm và giá bán ổn định như vậy, các thành viên trong HTX cũng có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng đã dần quen với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, biết mở rộng diện tích giống cây trồng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. HTX cũng đã vay ngân hàng 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy nông sản, trồng 2ha cam bản địa, 1ha táo mèo, 1ha bưởi da xanh. Ngoài ra, HTX còn mở một quầy hàng bán nông sản, thổ cẩm vùng cao tại thành phố Đà Nẵng. Đó là những mặt hàng của bà con dân tộc Cơ Tu, thực phẩm đặc sắc như thịt trâu gác bếp, thịt heo xông khói, bắp nếp, dứa mật...

HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Ảnh: Tiêu Dao

Ông Hồ Đắc Vinh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang cho biết, chị Coor Thị Nghệ đang đi đúng hướng vì vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa đánh trúng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường. Chị Nghệ còn kết nối với một số HTX, doanh nghiệp ở Đà Nẵng để đưa rau, củ vùng cao xuống phố. Huyện đang nghiên cứu để hỗ trợ cho HTX về nhãn hàng, quảng bá sản phẩm. Đây là mô hình HTX tiêu thụ nông sản vùng cao của đồng bào Cơ Tu miền núi huyện Tây Giang, mở ra hướng đi mới cho đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam có cơ hội tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Được biết, sắp tới đây, HTX sẽ trồng thêm dứa mật, mía, chuối - những mặt hàng được người dân miền xuôi ưa chuộng. Bà con từ đây đã có sinh kế, có thu nhập, có động lực để lao động. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch luôn hưởng ứng và thường xuyên tham gia các phiên chợ hàng Việt, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình khởi nghiệp, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới diễn ra tại nhiều cấp khác nhau tại Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Đến nay, sau gần 2 năm vận hành, HTX vẫn đang từng bước hoàn thiện các quy trình để mang đến các loại sản phẩm sạch, an toàn, góp phần phát triển kinh tế cho người dân miền núi. Theo kế hoạch, năm 2023, HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch tiếp tục có mặt tại các hội chợ, triển lãm ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đó sẽ là cơ hội quý giá để chị Nghệ và HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch có thêm cơ hội tiếp xúc với thị trường rộng lớn nhằm đưa hàng hóa, nông sản sạch của đồng bào miền núi đến với miền xuôi và người tiêu dùng gần xa.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO