Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 09:25 GMT+7

Nâng tầm xuất khẩu lao động

Biên phòng - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 30 nhóm ngành nghề. Mỗi năm, người lao động (NLĐ) gửi về 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối, là một nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh: minh họa

Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Chủ trương đó được cụ thể hóa bằng Nghị định 370-HĐBT, ngày 9/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Từ đó đến nay, hàng triệu lượt NLĐ Việt Nam đã đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để làm việc, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới.

Những năm qua, với trên 140.000 lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm (năm 2023 là 146.156 lao động), NLĐ Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nước ngoài tại các thị trường đã ký bản ghi nhớ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hungary, Romania, Ba Lan, Saudi Arabia, Đức... Điển hình như tại Nhật Bản hiện có khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc; Hàn Quốc (hơn 36.000 NLĐ); Đài Loan, Trung Quốc (260.000 NLĐ)...

Các nghiệp đoàn, doanh nghiệp tại các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều đánh giá lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ, siêng năng, cần cù, thích nghi nhanh, năng lực cũng ưu tú và nổi trội hơn NLĐ các quốc gia khác. NLĐ Việt Nam cũng rất an tâm khi ra nước ngoài làm việc, có thu nhập cao và ổn định (600- 1.500 USD/tháng đối với lao động có tay nghề và 400 - 600 USD/tháng với lao động phổ thông), điều kiện làm việc được bảo đảm, góp phần cải thiện cuộc sống và xây dựng sự nghiệp.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, những thành quả về hoạt động xuất khẩu lao động là nhờ Việt Nam biết nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các chương trình hợp tác lao động với các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam. Các chương trình này không chỉ giải quyết việc làm cho NLĐ mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Bởi, 80% NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đang được đào tạo, rèn luyện trong môi trường lao động chất lượng cao thuộc các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, điện tử, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản...

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo ra nước ngoài làm việc chiếm phần lớn nên những công việc mà NLĐ Việt Nam làm chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập chưa tương xứng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng lao động tại nhiều địa phương chưa chặt chẽ, chi phí NLĐ phải bỏ ra để tham gia xuất khẩu lao động còn khá cao, khiến một bộ phận NLĐ thiếu ý thức tổ chức kỷ luật dẫn đến vi phạm quy định trong hợp đồng lao động và pháp luật nước sở tại.

Đáng lo ngại là phần lớn NLĐ ra nước ngoài làm việc chỉ lo kiếm tiền, mà bỏ qua cơ hội học tập, nâng cao trình độ tại nước sở tại để phát triển sự nghiệp lâu dài. Thế nên, nhiều lao động khi trở về nước không đóng góp được nhiều cho nguồn lực lao động trong nước

Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động xuất khẩu lao động cần định hướng lên tầm cao mới, không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng. Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo đi làm việc tại nước ngoài trong các ngành nghề chuyên môn cao để họ có cơ hội được chuyển giao, tiếp cận với những công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Những lao động này sau khi về nước sẽ trở thành nguồn lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO