Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 12:04 GMT+7

Nét đẹp tình đoàn kết trên biên giới Nam Tây Nguyên

Biên phòng - Thấu hiểu, sẻ chia, nắm chặt tay nhau hướng đến mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển - đó là quan điểm, chủ trương công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Với BĐBP Đắk Nông, công tác đối ngoại biên phòng (BP) luôn là một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng, được triển khai thường xuyên ở mọi cấp độ, từ trao đổi thông tin, phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, đến giúp đỡ hỗ trợ nhau trong cuộc sống, cùng nhau đối diện với những mối hiểm họa an ninh truyền thống và phi truyền thống... Tất cả đều được lực lượng chức năng hai bên biên giới thực hiện nhất quán với phương châm “làm việc theo nguyên tắc, ứng xử bằng tấm lòng”.

Đoàn lực lượng vũ trang tỉnh Mondulkiri (Campuchia) thăm Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong "mái nhà" biên giới

"Sắp đến dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh đất nước Chùa tháp (9/11/1953-9/11/2023) và 45 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2024), chúng ta hãy nhìn về quá khứ để thấy tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia được thế hệ cha anh đi trước dày công xây dựng. Mối tình thủy chung, son sắt ấy đã đi qua bao nốt thăng trầm, mà đỉnh cao là ngày 7/1/1979, khi những cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu quốc Campuchia tiến vào Thủ đô Phnôm Pênh, xóa sổ một trong những chế độ tàn bạo, khát máu nhất lịch sử loài người - tập đoàn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary.

Nói đến Khmer đỏ thì ngay trên đoạn biên giới tỉnh Đắk Nông vẫn còn lưu dấu những tội ác không thể dung thứ. Hơn 45 năm trước, các đồn BP thuộc tỉnh Đắk Nông hừng hực lửa chiến đấu, kiên cường đánh trả rất nhiều đợt tấn công lấn chiếm của Khmer đỏ. Nhiều đồn BP bất ngờ bị đội quân khát máu siết chặt vòng vây, đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn và hơi thở cuối cùng. Mất mát, đau thương mà bè lũ Pol Pot gây ra trên tuyến biên giới Tây Nam là vô cùng to lớn, nhưng vẫn còn nhỏ bé so với ký ức kinh hoàng mà người dân Campuchia phải gánh chịu sau gần 4 năm cai trị của Khmer đỏ với hơn 3 triệu người bị tàn sát hết sức dã man.

Nỗi đau đó đã đánh thức lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, để từ đây dựng nên tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam bách chiến bách thắng, một biểu tượng vĩnh cửu của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Bức màn đen tối nhất lịch sự dân tộc Campuchia đã được vén lên, thay vào đó là khoảng trời bình yên đến bất tận. Kể từ đây, người dân Việt Nam - Campuchia nói chung, cư dân dọc biên giới Tây Nam nói riêng được sống trong hòa bình, nắm chặt tay nhau dựng xây cuộc sống mới".

Sau phút giây ôn lại “khúc tráng ca” mùa Xuân chiến thắng năm 1979, Trung tá Sòm Rứt Noy, Đồn trưởng Đồn Công an cửa khẩu Nam Lia (Mondulkiri, Campuchia) và Thượng tá Ngô Bá Quyền, Đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu Thuận An (BĐBP Đắk Nông, Việt Nam) cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan đến biên giới. Đồn trưởng Sòm Rứt Noy cho biết: “Bất kỳ thời điểm nào, nhất là khi tối lửa tắt đèn, chúng tôi cũng luôn bên nhau. Mối quan hệ gắn bó giữa các lực lượng chức năng hai bên không chỉ giúp giải quyết công việc, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn kết nối, thắt chặt tình cảm của người dân hai bên biên giới, mang niềm vui đến với mọi nhà...”.

Xuyên suốt câu chuyện của Trung tá, Đồn trưởng Sòm Rứt Noy là dấu ấn sâu đậm của BĐBP Đắk Nông, với những hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhiên vật liệu phục vụ sinh hoạt, công tác, nhất là những giá trị nhân văn trong chuỗi ngày dài phòng chống đại dịch Covid-19, cùng như Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” dành cho học sinh nghèo ở ngoại biên. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa được người lính BP Việt Nam chắt chiu từ tăng gia sản xuất và đồng lương ít ỏi của mình để dành tặng cho nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn.

Thượng tá Ngô Bá Quyền chia sẻ: “Theo biên bản đã được ký kết, chúng tôi luân phiên gặp gỡ hội đàm định kỳ mỗi tháng một lần, bên cạnh đó là hoạt động tuần tra song phương. Tuy nhiên, việc thông tin liên lạc, phối hợp giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau thì bất kể lúc nào, hai bên cũng đều sẵn sàng. Chúng tôi luôn đồng hành bên nhau, hết lòng vì biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển...”.

Giữa cơn đại dịch biết bao ân tình

Có một sự thật hiển nhiên trong mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, đó là càng đối diện với thách thức càng trở nên bền chặt hơn. Từ những trận đọ súng trên biên giới Tây Nam đến cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1979 tiến vào Thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, thách thức đến từ những luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ của các thế lực thù địch là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, với những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mà đặc biệt là những chủ nhân đích thực của đất nước Chùa tháp thì đó là cuộc chiến bắt buộc để hồi sinh một dân tộc đang đứng trước bờ vực diệt chủng. Kể từ ngày ấy cho đến hôm nay, tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia luôn được chăm lo vun đắp, ngày càng trở nên bền chặt hơn.

Đồn BP cửa khẩu Thuận An (BĐBP Đắk Nông) và Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri (Campuchia) tổ chức tuần tra song phương. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong môi trường hòa bình, ổn định, chính quyền và nhân dân dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia nói chung, đoạn biên giới giữa tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri nói riêng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, kết nghĩa, đỡ đầu để cùng nhau phát triển. Mặc dù vậy, biên giới vẫn còn đó những mối hiểm họa cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi hai bên phải luôn “kề vai sát cánh” cùng nhau vượt qua. Và như một lẽ thường tình, vào những lúc khó khăn nhất, bạn và ta vẫn đồng hành bên nhau.

Chỉ tính riêng quãng thời gian gần 3 năm căng mình chống đại dịch Covid-19, sự giúp đỡ, hỗ trợ mà hai bên dành cho nhau là không thể đong đếm. Đoạn biên giới tỉnh Đắk Nông lúc này trở thành “trung tâm đối ngoại” của vùng Nam Tây Nguyên với những hoạt động hỗ trợ về cơ sở vật chất, dịch vụ y tế dành cho tỉnh Mondulkiri và các địa phương lân cận bên nước bạn Campuchia. Chưa có số liệu cụ thể về giá trị của những chuyến hàng mang nặng nghĩa tình anh em, nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ, góp phần giúp bạn vượt qua khó khăn trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, những người lính BP nơi vùng cực Nam Tây Nguyên cũng có cách làm rất cụ thể và thiết thực, kịp thời giúp đỡ hỗ trợ nhân dân và các đồng nghiệp bên kia biên giới. Tùy vào khả năng của từng đơn vị và sự kêu gọi đóng góp từ tuyến sau, các đồn BP đều đặn tổ chức những “cuộc gặp hẹp” với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia để trao tay cho bạn những món quà nhân ái.

Chia sẻ về hoạt động này, Thiếu tá Kung Đăm, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri (Campuchia) cho chúng tôi biết: “Không chỉ giúp đỡ lực lượng bảo vệ biên giới, thông qua chúng tôi, BĐBP Đắk Nông còn thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân Campuchia. Giữa cơn đại dịch, những bao gạo, những vỉ thuốc, túi khẩu trang y tế, dung dịch sát khẩu, hay chỉ là con cá khô, chai nước mắm trao tay nhau trên đường biên giới là nét đẹp của tình đoàn kết Campuchia - Việt Nam đời đời bền vững”.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO