Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 12:37 GMT+7

Nét đẹp văn hóa của người Châu Ro qua lễ hội Cúng nhang rừng

Biên phòng - Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 900 hộ đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống, tập trung tại các xã: Bàu Chinh, Đá Bạc, Sơn Bình, Suối Nghệ, Nghĩa Thành, Kim Long và thị trấn Ngãi Giao, với 4.454 nhân khẩu, chiếm 2,99% tổng số dân toàn huyện. Đồng bào Châu Ro có những phong tục, lễ hội riêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, lễ hội mừng lúa mới và lễ cúng Thần rừng là hai lễ hội mang nét đẹp văn hóa của người Châu Ro lớn nhất năm.

Nghi thức lễ cúng Thần rừng diễn ra tại cánh đồng Cà Mum Cây Gia. Ảnh: Thúy Hạnh

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Châu Ro địa phương, UBND xã Sơn Bình đã tổ chức Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Châu Ro tại cánh đồng Cà Mum Cây Gia (ấp Sơn Thành, xã Sơn Bình), với nhiều nội dung ý nghĩa. Đặc biệt là lễ hội Cúng nhang rừng (Ôp Yang Vri), với ý nghĩa tạ ơn Thần rừng đã cho một mùa bội thu và cầu mong mưa thuận, gió hòa để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của phần hội đã thu hút đông đảo bà con Châu Ro ở ấp Sơn Thành tham gia.

Lễ cúng Thần rừng là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Châu Ro, cần được duy trì, bảo tồn, chung tay, góp sức của toàn xã hội. Qua đó, truyền dạy cho thế hệ trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo cha ông, để không bị mai một qua thời gian.

Ông Trần Đại Diện, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Châu Ro cho biết: “Theo truyền thống, ngày lễ Ôp Yang Vri sẽ kết hợp tổ chức nhiều hoạt động. Đó là các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, nhảy sạp, nhảy bao bố, bắn nỏ, đạp bóng..., tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Đồng thời, ngày lễ Ôp Yang Vri cũng gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ liên quan đến nét đẹp của đồng bào dân tộc Châu Ro. Đây là việc làm thiết thực, giúp duy trì nét đẹp văn hóa của người Châu Ro bản địa trên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và ấp Sơn Thành, xã Sơn Bình nói riêng. Qua lễ hội Ôp Yang Vri, giáo dục những nét đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào cho thế hệ trẻ người dân tộc Châu Ro và người dân xã Sơn Bình về những nét đẹp văn hóa mà lâu nay chưa có dịp để phát huy và duy trì được”.

Để lễ cúng Ôp Yang Vri được chu đáo, người dân Châu Ro sẽ lập ra Ban Tổ chức hành lễ do già làng chủ trì và các thành viên, gồm những người có kinh nghiệm, uy tín, vai vế trong làng, dòng họ. Nhiệm vụ của Ban Tổ chức là phân công, vận động bà con trong làng, trong dòng họ đóng góp công sức, tiền bạc, thóc gạo, gia súc..., đồng thời, chọn địa điểm tổ chức, phân công, phân việc cụ thể cho từng cá nhân và chịu trách nhiệm tổ chức nghi lễ.

Theo truyền thống, đồng bào Châu Ro tổ chức lễ cúng vào tháng Giêng âm lịch, là lễ cúng đầu tiên trong năm để bắt đầu cho mùa vụ mới. Đây là nghi thức “Mở cửa rừng” để dọn phát rẫy cũng như tìm kiếm, khai thác các nguồn lương thực, thực phẩm từ rừng, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Ngoài ý nghĩa tạ ơn Thần rừng đã giúp bà con trong năm vừa qua, Lễ cúng nhang rừng còn mong muốn Thần rừng giúp đỡ cho bà con trong làng không bị dịch bệnh, không bị thú dữ tấn công, phá phách hoa mùa, lương thực, xóm làng. Lễ Ôp Yang Vri được thực hiện ở ngoài trời, dưới gốc cây cổ thụ được già làng chọn làm nơi linh thiêng để thực hiện nghi lễ. Vật phẩm được dâng lên cho Thần rừng do bà con trong làng tự nguyện đóng góp. Đặc biệt, các vật dâng tế như: lợn, dê ban đầu phải để nguyên, sau khi giết xong, cạo lông, mổ ruột rồi đặt lên bàn tế thần, sau đó mới xẻ thịt để chế biến thức ăn.

Giống như lễ cúng Thần lúa, lễ cúng Thần rừng cũng do thầy cúng làm chủ lễ. Thầy cúng là người làm cầu nối giữa con người với thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng Thần rừng trước kia thường kéo dài trong nhiều ngày đêm. Hiện nay, người dân đã thay đổi nhận thức, nên chỉ tổ chức một đến hai ngày, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghi thức, dâng lễ vật lên thần linh.

Ngoài lễ vật dâng cúng của cả làng, những gia đình kinh tế khá có thể đưa đến những mâm cúng riêng. Khi làm lễ xong, người có mâm cúng riêng thường chia làm đôi, một nửa góp chung vào cuộc vui của cộng đồng, nửa còn lại đem về gia đình để cùng hưởng, với quan niệm “lộc của thần”. Chị Lý Thị Đầm, một trong 10 hộ của ấp mang lễ vật ra cúng tại cánh đồng Cà Mum Cây Gia cho biết: “Bản thân tôi và gia đình đã chuẩn bị kỹ lưỡng mâm cúng, mục đích là để tạ ơn thần linh gìn giữ, bảo vệ các thành viên và cho mùa màng bội thu”. Cuối buổi lễ, người ta kết một chiếc thuyền bằng bẹ chuối, trên đó đặt các thức cúng, do hai con rùa kéo để đưa tiễn thần linh.

Người dân Châu Ro giã bánh chuẩn bị cho lễ cúng thần linh. Ảnh: Thúy Hạnh

Lễ cúng Thần rừng thể hiện sự gắn bó giữa đồng bào Châu Ro với thiên nhiên núi rừng, nơi họ sinh sống. Họ mơ ước có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh. Cầu cho mưa thuận, gió hòa, xua đuổi tà ma ác quỷ, dịch bệnh. Cũng nhờ có ngày này, bà con được tề tựu đông đủ, gắn kết. Sau lễ cúng, người dân trong làng cùng nhau ăn uống, ca hát kết hợp vui chơi. Đây cũng là dịp để làng tuyên truyền cho bà con phòng chống các tệ nạn xã hội, chống lại các âm mưu của các thế lực thù địch gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đây là một trong những lễ hội quan trọng đối với đồng bào dân tộc Châu Ro với sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng. Lễ cúng Thần rừng cũng là dịp bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với vị thần đã ban cho họ những sản vật trong năm qua. Ông Hứa Văn Trí, Trưởng ấp Sơn Thành, đại diện người uy tín trong cộng đồng Châu Ro cho biết: “Lễ hội là dịp để khẳng định vai trò sâu sắc và sự gắn kết giữa thiên nhiên với con người. Thông qua đó gắn kết thêm lòng yêu thương, ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân tộc nơi đây và tạ ơn thần linh cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận, gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ”.

Thúy Hạnh

Bình luận

ZALO