Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 12:41 GMT+7

Ngành nông nghiệp xuất siêu kỷ lục, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Biên phòng - Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỉ USD. Đặc biệt, tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt tới 3,83% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn duy trì ở mức cao với 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỉ USD trở lên. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế nước ta.

Năm 2023, Việt Nam sản xuất được hơn 43 triệu tấn lúa và lần đầu tiên xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo. Ảnh: Bích Nguyên

Kết quả ấn tượng

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Ngành nông nghiệp đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô với sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.

Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nền nông nghiệp nước ta còn xuất khẩu một lượng lớn nông sản ra thế giới, khẳng định cam kết về an ninh lương thực trong khu vực và thế giới. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỉ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỉ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỉ USD, tăng 38,4%. Trong số các mặt hàng xuất khẩu có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm: Rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Việt Nam cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 1.200 tỉ đồng, góp phần phát triển lâm nghiệp.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế như Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống thiên tai... Qua đó, đã góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông, lâm, thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Cùng với đó, số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022). Nông thôn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhiều nơi đang chuyển sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.

Hướng tới mục tiêu cao hơn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thành công trong xuất khẩu nông lâm thủy sản và có mức tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2023 cũng là năm ghi nhận có nhiều mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao như gạo, cà phê lần đầu tiên vượt 4 tỉ USD, sầu riêng hơn 2 tỉ USD.

Nước ta hiện có 11.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Ảnh: Bích Nguyên

Cũng theo ông Tiến, khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng thì ngành nông nghiệp dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỉ USD, nhưng hết năm 2023 đã vượt hơn 2 tỉ USD. Trong năm tới, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của trái sầu riêng sẽ còn tăng rất mạnh.

Được biết, hiện nay, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đặc biệt kỳ vọng sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Trung Quốc, vì giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh gấp nhiều lần so với sầu riêng tươi. Bên cạnh đó, đây là sản phẩm chế biến, không lo lắng về thời gian bảo quản, không phải kiểm dịch thực vật phức tạp, tốn kém so với xuất khẩu sầu riêng tươi...

Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino...; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu cao: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỉ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; tỉ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...

Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính được đưa ra là: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Đồng thời đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Cùng với đó là thúc đẩy nghiên cứu,chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO