Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 07:28 GMT+7

Ngày trở lại mái nhà - Đồn Biên phòng A Xan

Biên phòng - Hai cậu bé Cơ Lâu Ân và Hốih Đức Hữu vừa bước chân vào Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam, 3 chú chó Hít Lai, Chung và Đen lập tức nhảy cẫng lên vui mừng. Sau màn quấn quýt với những con chó dễ thương, 2 cậu bé nhào đến chào hỏi, báo cáo các chú BĐBP ngày trở lại trường học.

Cơ Lâu Ân (thứ 2, từ trái sang) và Hốih Đức Hữu bên các chiến sĩ Biên phòng. Ảnh: Văn Chương

Về đồn vui hơn

Sát ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, chị Bling Thị Nhêr, người dân tộc Cơ Tu, mẹ của cậu bé Hữu đưa con trở lại Đồn Biên phòng A Xan. Khi vừa đặt chân vào sân đồn, cậu bé tíu tít hỏi chuyện những người cha nuôi sau 3 tháng nghỉ Hè được về nhà với mẹ, rồi háo hức chạy về căn phòng, có góc học tập thân yêu của mình.

Nhìn vẻ mặt hơi gầy của cậu bé, tôi nói vui, “nào, xòe tay ra cho chú xem 2 bàn tay”. Tôi đặt câu hỏi đầu tiên với cậu bé này vì biết rằng, phần lớn trẻ em ở vùng cao A Xan từ khi 5 tuổi đã theo cha, mẹ đi nương rẫy, khoảng 7 tuổi đã bắt đầu cầm cuốc xới đất để trồng ngô. Mùa Hè của Hữu chắc chắn là những ngày xuôi ngược lên rẫy, mang vác giúp mẹ, trèo cây táo mèo để hái quả.

Chị Nhêr cười và cho biết, năm nay cũng có đi lên rẫy trong ngày Hè, nhưng không cuốc đất nhiều như mùa Hè năm trước, vì phần lớn thời gian cháu xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Lộc để gần gũi với cha. Hoàn cảnh gia đình của chị Nhêr thuộc diện nghèo nhất ở địa phương. Khi chị mới sinh được một đứa con thì người chồng bị hư thận. Từ năm này sang năm khác, sự tồn tại của anh là những tháng ngày nằm bên hành lang bệnh viện để chờ lọc máu, có khi một tháng anh chỉ trở về thăm gia đình 2 ngày rồi lại đi.

Tháng 9/2020, Đồn Biên phòng A Xan đến đón cậu bé Hữu về đơn vị theo mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng". Chị Nhêr kể rằng, “thấy vui mừng hết cỡ, vì con xuống dưới đồn Biên phòng ở với mấy chú, thỉnh thoảng chị chạy lên thăm con”. Chỉ một thời gian sau đó, cậu bé đã tăng cân, da dẻ hồng hào, thường kể với mẹ về chuyện các chú BĐBP kèm cặp cho học, nhắc đến những câu khẩu hiệu ở đồn ngày nào cũng đọc “Vì chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Những ngày đầu tiên ở đồn Biên phòng, cậu nhanh chóng làm quen ngay với 3 con chó Hít Lai, Chung và Đen. Bởi vì đêm nào cậu cũng sang căn phòng có treo bảng “Phòng giao ban” để ôn bài. Khoảng 22 giờ, cậu lại băng qua khoảng sân đầy sương lạnh để về căn phòng ngủ. 2 căn phòng chỉ cách nhau mấy chục bước chân, nhưng 3 con chó lẽo đẽo theo sau cậu giống như 3 "vệ sĩ" .

Vượt nỗi khủng hoảng

Cơ Lâu Ân, sinh năm 2009, là con nuôi đầu tiên của Đồn Biên phòng A Xan. Ngày trở lại đơn vị sau 3 tháng Hè, chuyện buồn của gia đình Ân lại tiếp tục trở lại trong tâm trí cậu. Ân sinh ra ở thôn Abaanh 2, xã Tr’Hy và từ nhỏ đã mồ côi cha, mẹ. Sau này lớn hơn, cậu nghe nhiều người kể, cha mẹ cậu đều chết do ăn lá ngón tự tử. Cậu lớn lên như con chim lạc đàn, được bà nội và người thân trong dòng họ chăm sóc.

Cuối năm 2020, Ân được cán bộ Đồn Biên phòng A Xan đón về nuôi theo mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng". Có lẽ, cậu phải chật vật hơn cậu bé Hốih Đức Hữu trong việc “lấy lòng” 3 con chó Hít Lai, Chung và Đen. Hữu vui nhộn bao nhiêu thì Ân thường suy tư, ưu phiền.

Hốih Đức Hữu được mẹ đưa trở lại Đồn Biên phòng A Xan. Ảnh: Văn Chương

Những người lính ở đồn Biên phòng từng ngày động viên Ân. Thượng úy Nguyễn Văn Trọng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng là người thường ngồi bên cạnh để chỉ cho Ân giải các bài toán và các môn học khác. Mọi người hỏi thì cậu trả lời, sau đó, cậu lại tiếp tục chìm trong im lặng. Rồi sau gần 3 năm, đường nét khắc khổ dần vơi bớt trên khuôn mặt của cậu bé người dân tộc Cơ Tu, cả 3 con chó Hít Lai, Chung và Đen không còn lảng tránh, mà đã quấn lấy cậu và cậu bé Hữu.

Đầu năm học mới 2023-2024, Ân trở lại đồn Biên phòng với dáng vẻ gầy gò hơn. Trong 3 tháng trở về xã nghèo Tr’Hy, cậu đã cùng người thân lên nương rẫy, bẻ ngô, đào sâm, hái táo. Nhưng cứ trở về lại ngôi nhà cũ thì nỗi buồn lại bủa vây lấy cậu. 3 tháng trôi qua thật lâu, cậu nói rằng, “ngày nào cũng mong được trở lại đồn Biên phòng với mấy chú”.

Đêm đầu tiên sau ngày khai giảng, tôi hé cửa và bước vào phòng giao ban của đơn vị, cố gắng không làm ồn, đứng nhìn 2 cậu con nuôi đang trong giờ ôn bài. Ngay trước cửa, 3 con chó Hít Lai, Chung và Đen thò mũi hít hít, hé ánh mắt nhìn vào. Những người lính ở đồn Biên phòng đều là "bạn" của Hít Lai, Chung và Đen, nhưng xem ra, cả 3 con chó thích nô đùa với 2 cậu con nuôi ở đồn Biên phòng.

Thiếu tá Phan Minh Xuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Xan là người gần gũi nhất với 2 cậu con nuôi. Thiếu tá Xuân nói: "Cả 2 gia đình đều hoàn cảnh khổ, 3 tháng nghỉ Hè, đứa nào cũng sút cân, trở lại đồn được anh em chăm sóc khoảng nửa tháng sẽ mập mạp trở lại”.

Bài học về biên cương

Nơi Đồn Biên phòng A Xan đang đóng quân là vị trí tạm, chờ thời gian xây dựng đồn ở vị trí mới. Trong ngôi nhà tôn được lắp ghép, cả 2 cậu bé được bố trí ngủ chung trên một chiếc giường, ngay sát giường tôi nằm. Ngày đầu tiên nhìn 2 khuôn mặt con nuôi đồn Biên phòng, tôi thầm suy nghĩ về nỗi buồn của Cơ Lâu Ân. Cái buồn tỏa ra nên trông cậu như thân cây dầu khô ở trên núi Ra Lát.

Đêm hôm sau, cậu bắt đầu nở nụ cười. Thiếu tá Phan Minh Xuân dẫn 2 cậu con nuôi ra cửa hàng để sắm cho mỗi cậu 3 bộ quần áo, 2 bộ đồ lót, 2 chai xà phòng gội đầu và một số bút, vở. Ân săm soi chiếc áp pull màu vàng cam, còn Hữu thì vui mừng và khoác thử chiếc áo trắng. Mỗi khi đến trường, cả 2 cậu bé đều tự hào vì bạn bè hỏi thăm việc được ở Đồn Biên phòng A Xan, cuộc sống với các chú bộ đội là hơn hẳn bạn bè trong lớp.

Ngày mới ở A Xan với không khí se lạnh và âm thanh của nước suối vang lên khắp nơi. Sau bữa cơm sáng theo chế độ của bộ đội, 2 chú nhóc vội vã cắp sách đến trường, dù mới chỉ 6 giờ 20 phút. “Ở đồn Biên phòng, con thấy rất vui, sáng con đi học sớm để đến trường chơi với bạn bè” - 2 cậu bé tâm tình, trong lúc niềm vui ánh lên trên khuôn mặt trẻ thơ.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO