Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 05:53 GMT+7

Nghệ nhân Khmer say mê truyền dạy nhạc ngũ âm

Biên phòng - Nhạc ngũ âm là loại hình nghệ thuật truyền thống, mang tính chất tiêu biểu, thường xuất hiện vào các dịp lễ hội lớn ở chùa và gia đình đồng bào Khmer trong các phum, sóc khi có đám tiệc và được xem là “linh hồn” trong đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.

Nghệ nhân Lâm Minh Cường hướng dẫn các học viên hòa tấu nhạc ngũ âm. Ảnh: Phương Nghi

Với tình yêu nghệ thuật dân tộc và 32 năm theo nghề tại Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, nghệ nhân Lâm Minh Cường (ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) gắn bó với công tác giảng dạy và biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer. Đến nay, nghệ nhân đã truyền dạy cho 26 khóa với gần 400 học viên (các điểm chùa, trường học, phum sóc tại các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu). Các học viên sau khi kết thúc khóa học đều thành thục những bài cơ bản của nhạc ngũ âm và có thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn nhạc ngũ âm. Đặc biệt, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã mời thầy Cường truyền dạy 3 lớp ngắn hạn cho 24 học viên là người Khmer khiếm thị.

Từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, am hiểu và giữ gìn các nhạc cụ dân tộc Khmer, năm 1982, Lâm Minh Cường lúc đó mới 10 tuổi được cha gửi vào chùa Chrôy Tưm Kandal (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) làm chú tiểu học chữ trong chùa, cũng như xách cà mèn cho sư sãi đi khất thực. So với những bạn cùng độ tuổi ham chơi, mê ăn ngủ, cậu bé Cường lại khác. Hằng đêm, khi thấy nhiều người trong xóm đến chùa hòa tấu nhạc ngũ âm thì cậu bé lại ngồi nghe. Vốn là cậu bé có “máu” âm nhạc, được nghệ nhân Danh Sol, Đội trưởng Đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal tận tình chỉ dẫn, truyền dạy nghệ thuật chơi dàn nhạc ngũ âm, sẵn có dàn nhạc ngũ âm đặt tại sảnh chùa, khi rảnh tay thì cậu bé lại xin trụ trì cho tập gõ một mình.

Mê nhạc, ham học hỏi, tìm hiểu nên khi mới 15 tuổi, Minh Cường đã trở thành người chơi nhạc ngũ âm trẻ nhất của Đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal. Cũng tại ngôi chùa này, đến năm 17 tuổi, Minh Cường được cha đưa đi tu hành theo phong tục truyền thống của người Khmer. Sau 2 năm tu hành trả ơn, năm 19 tuổi (năm 1991), thấy anh có năng khiếu biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc Khmer, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng nhận anh về công tác cho đến nay.

Ngũ âm là loại nhạc cụ đặc biệt của đồng bào Khmer, được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được xác định một cách chính xác đảm bảo các yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc. Nghệ sĩ Ưu tú Sơn Lương, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Bộ ngũ âm có 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của nhạc thường là đồng, sắt, gỗ, da và hơi được thể hiện từ 7 đến 9 loại nhạc khí khác nhau như đàn thuyền (Rô Niếtek, Rô Niết Thung), bộ trống (Kha so Som phô, Sakho Thôm), đàn cò và bộ trống Sa dăm, bộ cồng lớn và nhỏ (Pét Kuong Thôn, Ro Niết Đek), đàn Tà Khê, đàn Khưm, kèn Srô Lây Tôck (kèn nhỏ) và Srô Lây Thung (khèn lớn). Nhạc ngũ âm có 60 bài nên để nắm thuần thục phải học 3 năm”.

Người bình thường học nhạc ngũ âm đã khó, còn người khiếm thị khổ luyện vất vả hơn. Tôi có dịp dự buổi dạy nhạc ngũ âm cho người khiếm thị Khmer (Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tổ chức) do thầy Cường truyền dạy. Nghệ nhân Lâm Minh Cường nói: “Ban đầu, tôi có đôi chút do dự vì chưa nắm được cách tiếp cận âm nhạc của người khiếm thị. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với anh chị em học viên, nhận thấy niềm đam mê và năng khiếu của các học viên, nên tôi đã không còn băn khoăn nữa”.

Với những học viên lần đầu tiếp xúc với nhạc cụ ngũ âm, mặc dù thời gian lớp học ngắn hạn, thầy Cường đã dành rất nhiều thời gian để cầm tay chỉ dạy hình dạng nhạc cụ, vị trí từng nốt nhạc, giảng giải chi tiết những kỹ thuật đánh nhạc ngũ âm cho từng học viên. Trong quá trình dạy học, thầy cũng thường xuyên chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của nhạc ngũ âm, chỉ dạy cho học viên về kỹ năng giao tiếp và biểu diễn, giúp học viên hiểu rõ hơn giá trị của nhạc ngũ âm và có kỹ năng biểu diễn tốt hơn.

Nghệ nhân Lâm Minh Cường chia sẻ: “Trong thời gian 3 tháng, giáo viên đã dạy cho học viên đánh được 18 bài nhạc ngũ âm nói về chủ đề chúc mừng năm mới, chúc thọ, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu thiên nhiên, tình yêu nam nữ..., trong đó, có một số bài kết hợp giữa chơi nhạc và hát dân ca của người Khmer. Một số em giỏi được các đoàn mời đi đánh nhạc ngũ âm tại các buổi tiệc hay lễ hội”.

Sau thời gian theo học lớp dạy đánh nhạc ngũ âm do Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tổ chức, được sự hướng dẫn tận tình của thầy Cường, giờ em Danh Thiện (học viên khóa II/2013) nghĩ rằng, học chơi nhạc ngũ âm không chỉ để thỏa niềm đam mê, mà còn trở thành công cụ kiếm sống cho mình.

Nói về quá trình tập luyện, em Danh Thiện chia sẻ: “Em cũng đã trải qua một thời gian dài để tập nhận biết từng loại nhạc cụ, vị trí từng nốt nhạc. Đôi lúc một tay đọc nốt nhạc, còn một tay gõ, luân phiên đổi tay cho nhau cho đến khi thuộc lòng các nốt nhạc. Dù việc học nhạc ngũ âm của người khiếm thị có vẻ vất vả và mất thời gian hơn, nhưng một khi đã nhớ nốt nhạc thì khả năng nhớ rất lâu. Dù cơ thể bị khiếm khuyết và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng em luôn giữ cho mình một thái độ sống lạc quan, vui vẻ”.

Ngoài việc truyền dạy nhạc ngũ âm, nghệ nhân Lâm Minh Cường còn sáng tác và phối hợp với các nhạc cụ khác để tạo cho bản nhạc tươi mới hơn, những bản nhạc mới có nội dung ca ngợi truyền thống cách mạng, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi... để Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng biểu diễn phục vụ bà con Khmer và tham gia các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO