Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 11:02 GMT+7

Nghĩ về tập quán hôn nhân – gia đình của người dân tộc thiểu số

Biên phòng - Tháng 7-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khau Vai" của Hà Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tồn tại hơn 100 năm qua, phiên chợ này được xem là nét văn hóa riêng và rất hiếm hoi thể hiện quan điểm về tình yêu, hôn nhân và gia đình của các dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang.

Người phụ nữ Mông và các con, cháu của mình ở phiên chợ vùng cao Hà Giang (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: TTH

Chợ Phong Lưu nằm trên một vạt núi thấp ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nơi đây nguyên là chợ dân sinh của xã Khau Vai, hoạt động theo hình thức chợ phiên như nhiều chợ xã khác của vùng Cao nguyên đá Hà Giang như chợ Lũng Phìn, Phó Cáo... Các phiên chợ họp lần lượt lùi một ngày so với chợ bên cạnh nên thường gọi là chợ lùi. Các chợ gần nhau tự lùi một ngày họp chứ không cố định vào thứ 7 hoặc chủ nhật như chợ huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc. Như vậy, bà con ở 4 huyện vùng cao Hà Giang có thể đi chợ cả tuần, mỗi ngày một chợ ở các xã vào những ngày so le nhau.

Ngay cả cách họp chợ này thôi cũng đã thấy vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang tồn tại một nếp sống có văn hóa cộng đồng liên kết chặt chẽ. Vì chợ không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà mọi nhu cầu về đời sống tinh thần đều gửi gắm vào đây. Muốn gặp gỡ, bàn thảo, gửi trao tình cảm thì phải đi chợ mới có thể gặp nhau.

Chợ ở Hà Giang là nguồn vui sống, là “tụ điểm” văn hóa, vì vậy, rất dễ hiểu khi phiên chợ Phong Lưu ở Khau Vai được gắn vào huyền thoại về câu chuyện tình yêu, là nơi tình yêu bắt đầu của các đôi trai gái mà khi tình yêu vì lý do nào đó không tiến triển thành hôn nhân thì họ tìm về nơi bắt đầu ấy để gặp nhau mỗi năm một lần – đó còn gọi là phiên chợ tình vào ngày 27-3 hằng năm.

Dân tộc Mông, Giáy, Tày, Nùng, Xa Phó... ở Mèo Vạc, Hà Giang đều có lưu truyền câu chuyện huyền thoại về chợ tình Khau Vai theo cách riêng của dân tộc mình. Điểm chung là những câu chuyện này đều có nội dung tình yêu trắc trở, bị ngăn cấm dẫn đến xung đột và đôi trai gái phải vĩnh viễn xa nhau. Những thế hệ sau này nếu có quan hệ yêu đương không được như ý, không dẫn đến hôn nhân thì cứ ngày 27 của tháng lập xuân thì giao ước là tìm về chợ Khau Vai để gặp nhau một lần. Ngoài ngày này ra, ai cũng phải có trách nhiệm với gia đình, nuôi dạy con cái, tình yêu phải gác lại. Việc này đã chứng minh rõ ràng quan điểm về tình yêu, trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương chứ không phải hôn phối sống sượng như tục “kéo vợ” đã bị hiểu sai đi của người Mông. “Kéo vợ” ở chợ chỉ là lời cầu hôn thôi, không phải lời tỏ tình của chàng trai với cô gái.

Có ý kiến lo ngại rằng, phiên chợ tình đặc biệt ở Khau Vai cũng có thể sản sinh ra những đứa trẻ cùng bố mà bản thân họ không ngờ, sau này dễ dẫn đến hôn nhân cận huyết mà chính họ không biết. Việc này là phỏng đoán trên lý thuyết, thực tế không diễn ra như vậy. Những người yêu nhau đã bước vào hôn nhân với người khác thường chỉ đến chợ để nhìn thấy nhau, có khi đứng xa nhìn nhau. Nhiều dân tộc thiểu số có truyền thống trọng nghĩa, trọng tình. Phụ nữ chỉ cần bị chồng nghi ngờ có quan hệ nam nữ bất chính là họ sẵn sàng nhai lá ngón để tự vẫn ngay và thực tế năm nào cũng có những tổn thất mạng người liên quan đến sứt mẻ trong quan hệ hôn nhân ở miền núi.

Hai tay bưng trang trọng một tấm khăn len dệt, anh Thào Mí Dình, Chủ tịch UBND xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chia sẻ với chúng tôi đây là kỷ vật của gia đình anh. Một trong những món đồ thách cưới mà anh phải bán một phần tài sản của mình đi để mua và tặng cho người vợ mới cưới của mình. Cùng với chiếc khăn là một số trang sức bằng bạc (cũng có thể là bạc giả), gia súc và tiền mặt, đàn ông Mông mới có thể lấy được vợ. Anh Dình nói với chúng tôi, chiếc khăn có lẽ chỉ là một vật dụng thông thường, nếu bày bán ở chợ không có giá trị lớn, thế nhưng khi đã được sử dụng để làm đồ dẫn cưới thì nó có giá vô cùng. Và giá vô cùng nào cũng mua không nề hà. Chiếc khăn không chứa kim loại quý, cũng không phải đồ thửa riêng hay đồ vật độc, nó được nâng niu vì chính niềm tin, tự trọng và giao ước hôn nhân mà người Mông đã gửi vào đó.

Vợ chồng anh Thào Mí Dình và món đồ thách cưới, kỷ vật hôn nhân được lưu giữ trong gia đình (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: TTH

Từ những câu chuyện chia sẻ của vợ chồng anh Thào Mí Dình, dân tộc Mông trên vùng đất cao nguyên đá, chúng tôi cũng có cơ hội được hiểu thêm về quan niệm tình yêu, hôn nhân của người dân tộc thiểu số. Vì sao những phiên chợ tình luôn tồn tại như một biểu tượng đẹp, có văn hóa, một “ngày văn minh” để giải phóng những nỗi day dứt của số phận, rồi ai nấy lại sống tiếp những ngày còn lại để tròn bổn phận. Người Mông ở Sa Pa cũng có phiên chợ tình nổi tiếng ngay trong lòng thị trấn mà về sau phiên chợ này bị đời sống du lịch nuốt mất nét hoang sơ, tự nhiên.

Đồng bào Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cũng có một ngày hội kiêng gió diễn ra vào mùa Xuân. Ngày này cũng dành cho đôi lứa gặp gỡ và yêu đương, đặc biệt dành cho ai muốn gặp lại người yêu cũ.

Đời sống miền núi và tâm thức nhân văn của người dân tộc thiểu số đã từng là cảm hứng để giới văn nghệ sĩ xây dựng nên nhiều tác phẩm nghệ thuật rung cảm. Giá trị văn hóa của tập quán đời sống người dân tộc thiểu số, vì thế, càng được trân trọng, dần dần sẽ bớt các con mắt tò mò, xét nét, tọc mạch vào đời sống của bà con mà có cái nhìn công bằng hơn, văn minh hơn. Một mặt đời sống du lịch vẫn diễn ra tạo điều kiện phát triển cho vùng đất, kinh tế, xã hội địa phương, mặt khác, đời sống riêng tư của đồng bào thiểu số được tôn trọng, truyền thống được gìn giữ, được hiểu đúng.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO