Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 04:46 GMT+7

Nghĩa cử cao đẹp của những người lính Biên phòng

Biên phòng - Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, suốt nhiều năm qua, những người lính Biên phòng Quảng Nam đã chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng. Tình cảm chân thành của những người con mặc áo lính giúp cho các mẹ vơi bớt nỗi đau mất người thân đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc.

Thiếu tá Nguyễn Minh Vương đưa cơm trưa cho mẹ Hiên Nhiás. Ảnh: Bích Nguyên

Bữa cơm ân tình

“Mẹ Nhiás ơi” - Thiếu tá Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, BĐBP Quảng Nam cất tiếng gọi. “Vương đấy à con” - giọng mẹ Nhiás rổn rảng vọng ra từ căn nhà ở thôn Đắc Óc, xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Đều đặn ngày 2 lần, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng mang cơm trưa và tối đến cho mẹ Hiên Nhiás trong suốt nhiều năm qua. Câu chuyện này khiến ai biết tới đều cảm động bởi nghĩa đồng bào, tình cảm trân quý của những người lính Biên phòng Quảng Nam.

Mẹ Nhiás vốn là dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ không tiếc công, tiếc sức, nhiều lần tham gia vận chuyển gạo cho bộ đội. Mẹ kể: “Năm 1963, chiến tranh diễn ra ác liệt. Bộ đội miền Bắc tới đây đông lắm. Bộ đội làm cối xay lúa. Mẹ và bà con trong xã ngày đi làm nước, đêm thức xay lúa, rồi gùi từng ang gạo, bắp đi bộ 10km đường rừng, nhiều đoạn dốc đứng. Vất vả, mệt nhọc nhưng không ai bỏ cuộc cả. Tất cả đều quyết tâm vì tiền tuyến, tiếp sức cho bộ đội đánh đuổi giặc Mỹ”. Trong một lần chạy máy bay Mỹ ném bom, mẹ Nhiás bị thương. Thương tích khiến chân mẹ bị tật cho đến giờ phải chống nạng mới đi lại được. Với những cống hiến của mình, mẹ Nhiás đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.

Sự khốc liệt, gian khổ của chiến tranh đã để lại nhiều vết hằn trong cuộc đời mẹ Nhiás với việc sinh non trong cả 5 lần mang thai. Mẹ đau đớn khi không một người con nào sống sót. Nỗi đau đó chỉ nguôi ngoai phần nào khi mẹ có thêm những người con nuôi là lính Biên phòng. Đó là năm 2016, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang xuống địa bàn thấy gia cảnh mẹ quá khó khăn, đơn côi đã nhận mẹ làm mẹ nuôi, thường xuyên thăm hỏi, động viên mẹ. Ngôi nhà gỗ của mẹ lụp xụp, mái thủng lỗ chỗ được đơn vị sửa lại. Mẹ kể: “Có cái nhà mới, mẹ yên tâm hơn nhiều, ngủ ngon giấc. Trước ở nhà cũ, hôm nào có mưa gió là mẹ cũng nơm nớp, cả đêm không dám ngủ vì sợ nhà đổ”.

Nghĩa cử của những người lính Biên phòng đối với mẹ Nhiás không chỉ có vậy. Từ khi nhận nuôi mẹ, ngày 2 lần, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đưa cơm xuống cho mẹ. Bộ đội ăn gì thì chia cho mẹ cái đó. Khi ốm đau, mẹ đều gọi lên đồn, quân y của đơn vị ngay lập tức có mặt tại nhà, khám và cấp thuốc cho mẹ. Trước nghĩa cử của những người con Biên phòng, mẹ Nhiás xúc động lắm, cứ kể hoài về những người con nuôi của mình với tôi.

Ngoài mẹ Nhiás, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang còn nhận hỗ trợ 2 cụ già neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn quản lý. Đó là bà Hiên Ngấy và Zơ Râm Lan, cùng ở xã Đắc Tôi với hình thức hỗ trợ hằng tháng 15kg gạo.

Chúng con luôn bên mẹ

Câu chuyện về nghĩa tình của người lính Biên phòng với những người có công với cách mạng nối dài mãi theo hành trình của chúng tôi từ miền núi Nam Giang về tới những làng quê vùng đồng bằng. Đối với nhiều người lính Biên phòng Quảng Nam, từ lâu, ngôi nhà nhỏ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuân ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc đã trở nên thân thuộc. Mỗi người lính Biên phòng khi trở về ngôi nhà này đều xúc động bởi những câu chuyện về chồng, con của mẹ - những người đã hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những người lính Biên phòng Quảng Nam luôn dành cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuân tình cảm kính trọng, yêu thương. Ảnh: Văn Vinh

Mẹ Xuân năm nay 93 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Mỗi khi hàng xóm láng giềng tới chơi, mẹ đều nhắc tên những người con nuôi Biên phòng của mình. Đó là Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam; Thiếu tá Trịnh Thái Tùng, cán bộ Phòng Chính trị; Thiếu tá Nguyễn Lê Uyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Nam thường xuyên tới thăm mẹ... Thấy các con của mình về thăm, mẹ ôm từng người một, khuôn mặt sáng lên niềm hạnh phúc.

Nghe chuyện của mẹ, chúng tôi đều xúc động. Như bao người dân khác ở vùng quê cách mạng Đại Lộc, gia đình mẹ Xuân hăng hái tham gia phong trào cách mạng, chống Mỹ cứu nước. Lần lượt chồng và con của mẹ đều đi bộ đội và hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đất nước thống nhất nhưng lòng mẹ quặn đau, thương nhớ chồng, con hằng ngày.

Niềm an ủi của mẹ là cậu con trai thứ hai luôn hiếu thảo với mẹ. Không may, 10 năm trước, con trai mẹ bị tai biến, phải đi xe lăn. Hai mẹ con mẹ Xuân nương tựa vào nhau trong cảnh mẹ già, con đau. Đồng cảm với mất mát, đau thương của mẹ Xuân, năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời. Mỗi tháng đơn vị gửi biếu mẹ 1 triệu đồng. Ngoài ra, các ngày lễ, Tết, Bộ Chỉ huy và các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ đều tới thăm và tặng quà.

Cũng trong những ngày tháng 7 này, Đại tá Hoàng Văn Mẫn cùng với các cán bộ của BĐBP Quảng Nam lại tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Phiên ở xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Mẹ Phiên bị cụt hai chân, hiện sống cùng con trai làm nghề nông. Năm nay, mẹ 103 tuổi, trí nhớ đã giảm sút. Dù lúc nhớ, lúc quên nhưng mỗi lần nhìn thấy sắc áo Biên phòng là mẹ đều phấn chấn, tươi vui.

Trò chuyện với những người lính Biên phòng, chúng tôi thêm ấm lòng khi biết rằng từ năm 1997 đến nay, BĐBP Quảng Nam đã triển khai mô hình phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Theo đó, các đơn vị thuộc BĐBP Quảng Nam nhận phụng dưỡng 25 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện nay, 6 mẹ còn sống. Hằng tháng, các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đến tận nhà các mẹ để thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/mẹ. Nguồn kinh phí này do cán bộ, chiến sĩ trích từ tiền lương, phụ cấp để đóng góp.

Sắp đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, ngôi nhà của mẹ Xuân, mẹ Phiên và những người Mẹ Việt Nam Anh hùng khác lại đầy ắp tiếng cười nói của những người con Biên phòng từ các đơn vị về thăm, tặng quà, động viên, chăm sóc với tất cả niềm kính trọng, thương yêu. Ánh nắng tháng 7 như dịu mát hơn bởi những bóng áo xanh.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO