Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:16 GMT+7

Nghĩa tình Đắk Ruê

Biên phòng - Nếu chưa một lần đến với Đắk Ruê, thật khó để hình dung ra “vóc dáng” của khu kinh tế cửa khẩu duy nhất (tính đến thời điểm hiện tại) của tỉnh Đắk Lắk. Nói là cửa khẩu nhưng mọi thứ ở đây gần như chưa có gì, ngoại trừ đường điện vận hành hơn 8 năm qua nhằm hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia.

Điều này lý giải vì sao cũng trong ngần ấy thời gian, cửa khẩu Đắk Ruê tuyệt nhiên không có bất kỳ phương tiện cơ giới nào lưu thông qua lại. Nói một cách hài hước, cửa khẩu Đắk Ruê hiện tại giống như chiếc “bánh mì kẹp thịt” giữa bốn bề là vùng trắng dân cư. Từ đây muốn vào xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) phải đi chừng 50km đường giao thông, còn khu dân cư bên bạn thì cũng tương đương như thế, nhưng lại tính theo đường... chim bay.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Đắk Ruê giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018. Ảnh: TKN

Đối ngoại ở vùng biên giới không dân

Cứ ngỡ giữa đại ngàn biên giới, giữa một bên là Vườn quốc gia Yok Đôn (Việt Nam) và bên kia là rừng phòng hộ Mondulkiri (Campuchia) - nơi đi cả ngày đường không hề nhìn thấy mặt người, công tác đối ngoại của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Đắk Ruê, BĐBP Đắk Lắk sẽ nhàn nhã, đơn điệu. Tuy nhiên, dẫu là biên giới không dân, song từ bao năm qua, lực lượng chức năng hai nước ở đây vẫn luôn thắt chặt sợi dây liên lạc thông qua công việc và đặc biệt là từ tấm lòng. Có câu chuyện kể rằng, trước đây vào mùa mưa lũ, giao thông chia cắt, những người lính Biên phòng Việt Nam phải thả trôi từng túi lương thực, thực phẩm theo suối Đắk Ruê sang hỗ trợ cho Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Ô Rô và một trung đội trực thuộc Tiểu khu quân sự tỉnh Mondulkiri. Rồi những đêm thức trắng chạy đua với “thần chết” để đưa các đồng nghiệp bên kia biên giới đi cấp cứu tại các bệnh viện tỉnh Đắk Lắk, khi gặp tai nạn rủi ro, đau ốm bất thường. Tiếp đến là quãng thời gian căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, Đồn BPCK Đắk Ruê luôn dành tình cảm, sự hỗ trợ đặc biệt cho lực lượng vũ trang phía đối diện, để từ đó hình thành nên “pháo đài” chặn dịch nội bất xuất, ngoại bất nhập. Công tác đối ngoại thì phải tuân thủ triệt để nguyên tắc của mỗi nước, nhưng khi bạn cần là BĐBP Việt Nam sẽ ở bên cạnh.

Thượng tá Trịnh Xuân Nguyện, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Đắk Lắk, nguyên Đồn trưởng Đồn BPCK Đắk Ruê giai đoạn 2016-2019 chia sẻ với chúng tôi: “Do khu vực cửa khẩu không có cư dân sinh sống, giao thông chưa kết nối nên điều kiện công tác và đời sống của các lực lượng chức năng bên bạn gặp rất nhiều khó khăn. Bằng tấm lòng sẻ chia của mình, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc, vừa trao đổi thông tin, phối hợp quản lý bảo vệ biên giới, vừa thăm hỏi giúp đỡ về cơ sở vật chất cho bạn. Năm 2016, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương đầu tư xây dựng công trình điện thắp sáng phục vụ miễn phí cho các lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện. Đây là sự trợ giúp vô cùng cần thiết, giải quyết hàng loạt vấn đề nan giải trong đời sống sinh hoạt công tác của các đồng nghiệp bên kia biên giới...”.

Sự đồng hành giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời thường xuyên từ Việt Nam mà trực tiếp là Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và Đồn BPCK Đắk Ruê đã góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng hai bên biên giới, cùng nhau quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ nhiều năm qua, đoạn biên giới trên khu vực cửa khẩu Đắk Ruê (Việt Nam) - Chi Miết (Campuchia) không để xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và lâm sản trái phép. Hoạt động của các loại tội phạm khác cũng được đấu tranh phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Đường về Ea Bung

Nhìn vào bản đồ quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, xã Ea Bung trông khá giống chú thỏ con đang nằm, với toàn bộ phần đầu là biên giới, còn “khúc đuôi” cũng là khu tập trung dân cư của xã thì kéo dài vào đến trung tâm huyện lỵ Ea Súp. Rất nhỏ nhắn, nhưng trên thực tế, với một xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 284km2, mật độ dân số 11 người/km2, chỉ bằng 1/10 mức bình quân của toàn vùng Tây Nguyên (khu vực có mật độ dân số thấp nhất cả nước) thì cung đường từ biên giới vào đến trung tâm xã là chặng đường rất dài, trước đây khi chưa đường giao thông, lính Biên phòng toàn phải đi trong hương rừng cô quạnh.

Đồn BPCK Đắk Ruê hỗ trợ người dân xây dựng mô hình cá nước ngọt thương phẩm. Ảnh: TKN

Xa xôi là thế, nhưng bất kể lúc nào dân cần là cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Đắk Ruê - đơn vị quản lý địa bàn xã Ea Bung đều có mặt. Năm 2018, liên tiếp những trận lốc xoáy kinh hoàng quét qua từ giữa tháng 4 đến nửa đầu tháng 5 gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Ea Súp. Riêng xã Ea Bung, thiên tai đã làm 1 người chết, hàng chục người bị thương, hơn 200 căn nhà bị sụp đổ, tốc mái, tổng thiệt hại về vật chất lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong cơn hoạn nạn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và Đồn BPCK Đắk Ruê mang theo xe cứu thương chuyên dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế hành quân trong đêm để đến với đồng bào. Tại đây, bộ đội và nhân dân chung lưng đấu cật, khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Những viên thuốc, những túi gạo, những lời động viên và hàng ngàn ngày công lao động của người lính Biên phòng tuy không khỏa lấp được nỗi đau, sự mất mát do thiên tai để lại, nhưng là chỗ dựa không thể thiếu của nhân dân.

Có thể khẳng định, vẻ đẹp tình quân dân luôn là “gam màu” tươi sáng trên vùng biên giới Ea Bung. Sau những tháng ngày miệt mài xóa “giặc dốt”, diệt “giặc nghèo” với hình ảnh không bao giờ phai về người thầy giáo, thầy thuốc mang quân hàm xanh hết lòng vì nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Đắk Ruê vẫn vững vàng trong vai trò người đồng hành, kể cả khi Ea Bung đã về đích xây dựng nông thôn mới (tháng 4/2021). “Để không ai bị bỏ lại phía sau, những người đồng hành như chúng tôi phải là người đi sau cùng. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Ea Bung được đầu tư xây dựng bài bản, đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội không ngừng được cải thiện nâng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn 9,99%, hộ cận nghèo 27,56%, cùng với đó là các đối tượng chính sách, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa cần sự trợ giúp. Và đây chính là những địa chỉ của chúng tôi trong công tác dân vận, xây dựng địa bàn...” - Thượng tá Phạm Đức Khá, Chính trị viên Đồn BPCK Đắk Ruê tâm sự.

Đường từ biên giới về địa bàn rất xa, nhưng cung đường đến với người nghèo của cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Đắk Ruê thì vô cùng gần gũi quen thuộc. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị tại địa phương, Đồn BPCK Đắk Ruê đã triển khai rất nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai như mô hình đảng viên phụ trách, giúp đỡ 72 hộ gia đình khó khăn, mô hình “Bò giống sinh sản”, “Thắp sáng đường quê”, “Đường cờ Tổ quốc”, hỗ trợ ngày công lao động giúp dân làm nhà, đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi, tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...

Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, bên cạnh duy trì mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, giúp đỡ 8 học sinh nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, Đồn BPCK Đắk Ruê còn xây dựng 2 “Mái ấm biên cương” tổng trị giá 150 triệu đồng tặng cho hộ gia đình ông Hoàng Văn Lý (thôn 8) và Vũ Văn Đang (thôn 10), hỗ trợ hàng trăm suất quà gồm quần áo, xe đạp, đồ dùng học tập cho các cháu học sinh nghèo trị giá trên 100 triệu đồng. Trong “bước đi” chầm chậm của những người yếu thế, vai trò đồng hành của đồn Biên phòng càng trở nên cần thiết và ý nghĩa hơn. Ngày qua ngày, từ biên giới xa xôi, bên con suối Đắk Ruê hiền hòa chảy ngược, lính Biên phòng vẫn luôn sống trọn vẹn nghĩa tình.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO