Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:18 GMT+7

Ngọn tháp cổ biểu trưng của tình hữu nghị Việt-Lào

Biên phòng - Tây Bắc, mảnh đất biên viễn xa xôi, không chỉ có phong cảnh hữu tình, có những nét văn hóa tộc người đặc sắc mà nơi đây còn lưu lại nhiều ngọn tháp cổ như tháp Mường Bám, Mường Luân, Mường Và. Trong đó, tháp cổ Mường Và là tháp ngọn tháp nổi tiếng ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ở tượng tháp, người ta còn tìm được những pho tượng Phật cổ quý giá góp phần làm nên giá trị lịch sử của tháp Mường Và. Năm 1995, ngọn tháp cổ này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngọn tháp cổ Mường Và ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Ái Vân

Là tỉnh có hơn 200km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, Sơn La hiện là vùng đất có nhiều người dân vùng Thượng Lào đang có mặt, trong đó có xã Mường Và là nơi người dân vùng Thượng Lào ổn định và định cư cho đến ngày nay. Họ sống tập trung thành làng bản, xây dựng những ngôi nhà sàn chắc chắn, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, nương rẫy. Họ có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm nay, sau những biến thiên của lịch sử.

Được sự giúp đỡ của cư dân bản địa, người Lào đã cùng nhau xây dựng nên tháp Mường Và, tộc người Lào khi đến định cư ở nơi đây đã mang theo tín ngưỡng của mình với phong tục thờ Phật trong chùa tháp. Bởi vậy, tháp Mường Và mang đậm dấu ấn của Phật giáo phái Tiểu thừa. Niên đại của ngọn tháp này vẫn chưa được xác định rõ ràng bởi không có văn bia ghi lại, nhưng người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu chuyện cách đây khoảng hơn 400 năm, có một thầy địa lý người Hoa đi qua vùng đất này, dựa theo thuyết phong thủy thì đây là một vùng đất đẹp và ổn định, ông đã bàn với tộc trưởng bản Mường Và xây dựng chùa tháp làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân làng. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo ngôi tháp đã thấy được những pho tượng bằng đồng thau và đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La và các nhà nghiên cứu thì những pho tượng này được tìm thấy tại khu vực chân tháp ở độ sâu 60m và nằm rải rác cách xa nhau. Do nằm sâu dưới lòng đất nhiều năm và chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên nên tượng đã bị oxy hóa, không còn nguyên vẹn, các pho tượng có kích thước khá nhỏ, nặng khoảng 200 đến 300g, cao khoảng 10cm.

Cách thể hiện hình ảnh đức Phật của người Lào cũng mang những nét đặc trưng. Các bức tượng trên đầu đội một mỏm nhọn tượng trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả, dưới là tóc đen và xoăn, trán rộng, gương mặt đầy đặn, đôi tai to, dài tượng trưng cho đức từ bi của Phật. Qua những pho tượng Phật này có thể thấy được dấu ấn tư tưởng triết lý Phật giáo của người Lào, giáo lý được phản ánh một cách gần giũ với con người, được thể hiện và tôn thờ. Các nghệ nhân đã dùng mảng khối, đường nét, ước lệ để thể hiện cái thần, cái siêu thoát của hình tượng Phật.

Ngoài những pho tượng được lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh Sơn La, một trong những hiện vật duy nhất hiện hữu của ngôi chùa xa xưa nay còn lưu giữ được chính là bức tượng Phật được thờ tự trong nhà của ông Chẩu Sửa - thầy cúng chuyên coi sóc việc tâm linh của cả bản Mường Và.

Tháp Mường Và được xây dựng theo hình bút tháp gồm 3 phần, được chia thành 5 tầng, phần đế tháp có cạnh hình vuông tượng trưng cho mặt đất với ý nghĩa đất chính là nơi dung dưỡng Phật giáo, tiếp đến là phần thân tháp, tầng dưới của thân tháp tạo hình hoa sen cách điệu, tượng trưng cho Phật giáo cao siêu. Ở đây cũng được trang trí nhiều hoa văn đắp nổi tạo cho ngọn tháp vẻ đẹp tinh xảo, mềm mại và trên cùng là phần đầu của tháp hướng thẳng lên trời cao với ý nghĩa tượng trưng cho quyền lực tối cao và sự phát triển của Phật giáo. Có thể thấy, về tổng thể, tháp Mường Và được tạo hình khá hài hòa, toát lên vẻ uy nghi mà không kém phần thanh thoát tự nhiên, chính kiến trúc nghệ thuật này đã làm cho ngọn tháp cổ trở nên có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử và tôn giáo của người Lào ở vùng Tây Bắc.

Di tích tháp Mường Và còn tương đối nguyên vẹn. Các nhà sử học, nhà nghiên cứu cũng xác định niên đại của di tích này cách đây khoảng hơn 400 năm. Trước đây, cư dân Việt Nam và Lào đã giao lưu với nhau, chính vì vậy đã để lại một số di sản văn hóa, trong đó có di tích kiến trúc cổ tháp Mường Và. Di tích này ngoài mang ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc cổ, kiến trúc nghệ thuật, còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đó là nó nằm ở nơi giáp biên giới Việt Nam và Lào, cũng khẳng định tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam và Lào cũng như mối giao lưu văn hóa giữa dân tộc Lào của nước Lào và dân tộc Thái của Việt Nam.

Hằng năm, cứ đến khi hoa ban nở, khi măng đắng mọc, mọi người ở nơi đây lại tổ chức Lễ hội Xên Mường để cầu an lành, hạnh phúc cho mọi người. Sự có mặt của tháp cổ Mường Và cùng Lễ hội Xên Mường là minh chứng rõ nhất cho tình hữu nghị của hai nước Việt - Lào.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, tháp Mường Và luôn tồn tại trong tâm thức những người dân nơi đây với niềm ngưỡng vọng, thành kính và thiêng liêng. Đến thăm di tích cổ tháp Mường Và, du khách còn được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của ngút ngàn mây núi cùng với bản làng và cuộc sống mộc mạc, giản dị của người dân nơi đây.

Ái Vân

Bình luận

ZALO