Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:01 GMT+7

Ngư dân Đà Nẵng kiên cường bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Biên phòng - Không ngại ngần vượt qua sóng gió, hiểm nguy, những con tàu của ngư dân thành phố Đà Nẵng ngược xuôi trên biển, vừa làm kinh tế, vừa trở thành cánh tay nối dài cho BĐBP bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Tình yêu với biển, đảo, với Tổ quốc đã trở thành động lực để sau mỗi chuyến lênh đênh trên biển, trở về đất liền được vài ngày, ý chí của những con người vốn quen “ăn sóng, nói gió” lại thôi thúc họ tiếp tục rẽ sóng, giong buồm ra khơi.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Trúc Hà

Mưu sinh và làm giàu từ biển

Ông Nguyễn Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã có hơn 30 năm bám biển, vươn khơi, cho biết: "Tôi đi biển từ năm 14 tuổi. Từ phụ việc đến thuyền viên chính rồi thuyền trưởng và sở hữu cho mình 1, 2, 3 con tàu vươn khơi. Từ việc đánh bắt trên biển khi còn đơn lẻ, mạnh ai nấy làm thì nay, chúng tôi đã có Tổ tàu thuyền đoàn kết. Có tập thể, sức mạnh của ngư dân được nhân lên gấp bội, bởi tinh thần và ý chí của những thành viên Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển, nhờ đó mà ngư dân tự tin hơn trong mỗi chuyến ra khơi. Trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi cùng nhau khai thác, cùng nhau làm giàu"...

Thực tế cho thấy, khi tìm được ngư trường đánh bắt dồi dào, các tàu trong Tổ tàu thuyền đoàn kết đều chia sẻ thông tin để các tàu bạn cùng đến khai thác. Mỗi Tổ tàu thuyền đoàn kết được thành lập dựa trên sự gắn kết trong sinh hoạt hàng ngày giữa các thành viên. Chính vì vậy, sau khi thành lập tổ, ngư dân càng trở nên thân thiết và đoàn kết lúc ra khơi. Không chỉ chia sẻ nguồn lợi từ biển, các thành viên của Tổ tàu thuyền đoàn kết còn phổ biến cho nhau những thông tin pháp luật cần thiết. Đó là quy chế khu vực biên giới biển và các văn bản pháp luật liên quan để giúp các thành viên nắm bắt và thực hiện tốt các quy định trong quá trình khai thác hải sản. Ai cũng hiểu rằng, dù làm nghề gì, làm ăn ở đâu thì đều phải tuân thủ pháp luật.

Kể từ khi Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” với ngành thủy sản Việt Nam, việc tuyên truyền cho ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp trở thành việc thường xuyên, quan trọng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng. Là đơn vị quản lý địa bàn có số lượng tàu lớn nhất thành phố, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã tìm ra nhiều giải pháp với những cách làm hay, sáng tạo để tuyên truyền đến với ngư dân. “Cho tới nay, thành phố Đà Nẵng là một trong số những địa phương không có phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài. Chúng tôi lấy điều này để khuyến khích ngư dân tiếp tục phát huy kết quả đạt được. Bên cạnh đó, việc kiên quyết xử lý các tàu vi phạm cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với công cuộc gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản Việt Nam” - Trung tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà chia sẻ.

Giữ vững chủ quyền biển, đảo

Theo Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng, việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong đó, ngư dân - những người trực tiếp mưu sinh trên biển đóng vai trò như những “cột mốc” chủ quyền giữa trùng khơi. Ngư dân là lực lượng không thể thay thế trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và Biên phòng toàn dân trên biển.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá của ngư dân. Ảnh: Trúc Hà

Cùng với việc bám biển, bám ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế, họ còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển của quê hương. Việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo không chỉ trông cậy vào lực lượng chuyên trách, sự hiện diện của ngư dân trên biển có ý nghĩa như một lực lượng bảo vệ quan trọng. Giữa sóng gió trùng khơi, mỗi tàu, thuyền đánh bắt với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó là tinh thần chủ đạo mà mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng đều thấm nhuần để từ đó thể hiện qua hành động.

Thời gian qua, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã có những sáng kiến trong công tác, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển nhưng vẫn kiểm tra, kiểm soát được các phương tiện. Để tiết kiệm thời gian kiểm tra giấy tờ khi xuất bến, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà) là tạo một tấm phiếu ghi sẵn các loại giấy tờ nào còn hạn hay hết hạn của phương tiện để tiết kiệm thời gian kiểm tra của bộ đội và đảm bảo để bà con nhớ mốc thời gian.

Đặc biệt, trên tấm phiếu kiểm tra phương tiện còn ghi số điện thoại di động của Đại úy Nguyễn Văn Khánh để ngư dân liên lạc. Ngày 13/10/2023, khi đang đánh bắt ngoài biển, gặp thời tiết xấu, ông Lê Văn Dũng (trú tại tỉnh Thanh Hóa) đưa tàu vào bờ tránh trú. Đến tọa độ 16°09'32"N - 108°19'04"E, cách mũi Nghê của thành phố Đà Nẵng khoảng 18 hải lý thì tàu bị phá nước. Ông Dũng đã gọi về Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II để yêu cầu cứu hộ, cứu nạn. Nhờ được ứng cứu kịp thời, ông Dũng và các thuyền viên đã được đưa về bờ an toàn.

Đối với anh Nguyễn Văn Tiến (Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết Tiến Lên, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) thì trong các chuyến ra khơi, mỗi ngư dân đều hiểu rằng, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chính vì vậy, ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn trang bị cho mình cả sự dũng cảm để ứng phó với những tình huống nguy hiểm. Cũng theo anh Tiến, chính quyền địa phương, đặc biệt là BĐBP luôn đồng hành trong mỗi chuyến ngư dân vươn khơi. Việc BĐBP tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc cho họ tự tin hơn trong quá trình đánh bắt.

Chính vì vậy, họ luôn thể hiện trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc và cũng là sự đền đáp xứng đáng cho những gì mà BĐBP đã hỗ trợ, đồng hành với họ kể từ khi xuất bến tới khi cập bến. Cũng theo anh Nguyễn Văn Tiến, bản thân anh cũng như các ngư dân khác đều mong muốn chính quyền địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Bên cạnh đó, phát triển các hoạt động hậu cần nghề cá, đặc biệt là quan tâm phát triển hơn nữa các nghiệp đoàn nghề cá, tạo điều kiện hơn nữa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO