Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:37 GMT+7

Ngư dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn khi lao động trên biển

Biên phòng - Khi lao động, sản xuất trên biển, ngư dân thường phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ chủ quan và khách quan, như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn lao động. Trong đó, tai nạn khi lao động sản xuất trên biển thường gây hậu quả rất nặng nề. Hiện nay, qua công tác tuyên truyền của BĐBP Quảng Nam, một số chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân đã nâng cao ý thức về an toàn lao động, tự trang bị thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân khi hành nghề trên biển.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh, BĐBP Quảng Nam tới ghe thuyền nhắc nhở ngư dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo các điều kiện an toàn khi lao động trên biển. Ảnh: Bích Nguyên

Trang bị áo phao gắn thiết bị định vị

Chúng tôi gặp ngư dân Tăng Viết Nhật, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khi anh vừa mới trở về sau chuyến biển dài hơn 2 tháng. Anh Nhật làm việc trên tàu cá QNa 94464 TS hành nghề câu mực khơi tại ngư trường quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Hơn 30 năm làm nghề biển, không ít lần anh Nhật phải đối mặt với hiểm nguy ngoài biển khơi, có những thời khắc sinh mệnh “treo” ngọn sóng. “Nghề biển thường xuyên phải đối mặt với bão tố, đây là loại hình thiên tai nguy hiểm nhất đối với ngư dân chúng tôi. Có lần, tàu tôi gặp cơn bão lớn, sóng biển cao gần chục mét, bổ trùm xuống thân tàu hàng tấn nước. Tất cả mọi người phải ra sức tát nước ra. Thuyền trưởng buộc phải thả dù để giảm tốc độ, tránh tàu bị trôi tự do, đồng thời giữ cho tàu đứng vững giữa những con sóng dữ” - anh Nhật kể.

Nhắc tới chuyện đảm bảo an toàn khi hành nghề, anh Nhật cho hay: “Nghề câu mực có đặc thù riêng là làm việc vào đêm tối. Mỗi ngư dân ngồi trên một chiếc thuyền thúng làm việc độc lập, cách xa nhau và cách xa tàu mẹ. Ngày xưa thúng câu nhỏ, giống như chiếc lá ở trên mặt biển, chỉ cần gió máy lớn một chút là bị lật úp ngay. Trên thúng lại không có thiết bị liên lạc, nên nếu gặp vấn đề gì thì khó gọi người ứng cứu. Bây giờ, thúng câu to hơn, đường kính rộng 4-5m, nặng cả tạ, nên sóng gió không lớn thì không thể xô thúng lật được”. Cũng theo anh Nhật, trải qua rất nhiều bài học đau thương, thời nay, thuyền viên và chủ tàu đều nâng cao ý thức bảo đảm an toàn lao động. “Mỗi thúng đều có thiết bị liên lạc, áo phao. Nếu có bất trắc, có thể gọi cho bạn thuyền ở các thúng khác ứng cứu. Tôi còn mua bảo hiểm y tế cho bản thân” - anh Nhật kể.

Anh Nguyễn Văn Nhỉ, xã Bình Minh, chủ tàu và là thuyền trưởng tàu cá QNa 95122 TS, công suất 850CV cho hay: “Ngày xưa, tàu thuyền chủ yếu công suất nhỏ, ra khơi gặp sóng gió lớn thì mức độ rủi ro rất cao. Bây giờ, chúng tôi đầu tư tàu công suất lớn, vươn khơi xa khoảng 60-70 ngày trên biển. Tàu nào cũng có thiết bị giám sát hành trình, đi tới đâu là trạm bờ biết tới đó. Trên tàu của tôi trang bị các loại phao cứu sinh, có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Mỗi thuyền thúng đều được trang bị bộ đàm, thuyền viên trên thuyền được trang bị áo phao có gắn chíp định vị GPS giúp xác định vị trí người mặc áo phao...”.

Anh Nguyễn Văn Nhỉ cho biết, các tàu đánh bắt xa bờ đều chú trọng trang bị các trang thiết bị cơ bản đảm bảo an toàn cho thuyền viên và tàu cá như áo phao, bộ đàm liên lạc, phao tròn, bình cứu hỏa... Ảnh: Bích Nguyên

Anh Nhỉ là một trong số những chủ tàu đầu tiên ở vùng biển Bình Minh mua sắm ao phao có thiết bị định vị cho ngư dân. Anh bảo, áo phao giúp nhận diện được tọa độ của ngư dân trên biển. Nhờ đó, nếu có sự cố gì thì sẽ thuận lợi cho việc xác định vị trí tìm kiếm. Cũng theo anh Nhỉ, hiện tại, các tàu đánh bắt xa bờ đều là tàu lớn, công suất cũng lớn hơn ngày xưa, có thiết bị giám sát hành trình, trên đó hiển thị các thông số cơ bản của tàu như vị trí của tàu, tốc độ, hướng di chuyển, cảnh báo và phát tín hiệu cảnh báo SOS trong trường hợp khẩn cấp, sự cố... Nhờ đó, nếu tàu cá gặp sự cố thì có thể đề nghị ứng cứu kịp thời.

Tổ tàu thuyền đoàn kết, tương trợ nhau

Là chủ tàu cá QNa 95636 TS, công suất hơn 1.400CV chuyên khai thác ở ngư trường Trường Sa, anh Trần Công Tư, xã Bình Minh luôn chú trọng cho công tác hậu cần và đảm bảo an toàn cho tàu cá của mình, bởi mỗi chuyến ra khơi đều lênh đênh trên biển 2-3 tháng. Mỗi năm, tàu của anh Tư thực hiện 3 chuyến biển. Anh Tư kể: “Tàu tôi làm nghề câu mực khơi. Rủi ro, nguy hiểm trên biển là rất nhiều như bão tố, gió lốc, hỏng máy... Giữa biển khơi, nếu có vấn đề gì thì việc ứng cứu luôn khó khăn hơn trong đất liền, vì thế, tôi phải trang bị thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và thuyền viên ở mức tốt nhất có thể. Trên tàu luôn có bình chữa cháy, áo phao cho thuyền viên và phao tròn phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống”.

Trong suốt những năm làm nghề biển, anh Tư đã gặp 14 cơn bão, máy móc bị hư không ít lần nhưng may mắn là đều có bạn thuyền giúp đỡ nên giữ được an toàn. “Lo nhất là gió mưa, thời tiết cực đoan và máy bị hư. Lúc đó chỉ có cách tự khắc phục, sửa chữa, nếu không được thì nhờ các tàu bạn dìu vào bờ. Làm nghề biển, không ai bảo ai, các tàu cá đều tự nguyện hỗ trợ, giúp đỡ nhau, nhất là những lúc hoạn nạn” - anh Tư kể.

Những ngư dân như anh Tư đều coi trọng việc liên kết hoạt động theo các Tổ tàu, thuyền đoàn kết. Ở các vùng biển của tỉnh Quảng Nam, mỗi Tổ tàu thuyền đoàn kết thường có 4-5 tàu hoạt động gần nhau nên có thể tương trợ nhau. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập được 81 Tổ tàu, thuyền đoàn kết với gần 1.000 tàu, thuyền tham gia. Các tổ tàu, thuyền đoàn kết này vừa lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển, đảo và hỗ trợ nhau khi có thiên tai, sự cố trên biển rất hiệu quả.

Thực tế, thời gian qua, tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên xảy ra nhiều vụ tai nạn trên biển gây thiệt hại về người và phương tiện tàu thuyền. Cùng với việc tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn ngư dân các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, BĐBP Quảng Nam đã huy động được hàng tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua ngư lưới cụ, cờ Tổ quốc, các thiết bị liên lạc, giúp đỡ các trường hợp bị tai nạn, sự cố trên biển.

Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023, BĐBP Quảng Nam đã cứu hộ được 32 phương tiện, cứu sống 162 người, phối hợp với các lực lượng trục vớt 24 phương tiện bị chìm. Những việc làm của BĐBP Quảng Nam đã tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt thủy sản dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO