Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:19 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024):

Người 3 lần bắn rơi máy bay địch trên chiến trường Khe Sanh

Biên phòng - Trong căn nhà có nhiều cửa, bốn bề cây xanh gió lộng vào mát rượi, ông Hồ Văn Xang (80 tuổi, ở bản Pa Nho, khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) kể về những ngày tháng hào hùng của tuổi trẻ cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ông Hồ Văn Xang cùng chiếc nỏ - kỷ vật hơn 50 năm trước. Ảnh: Công Sang

Theo cách mạng năm 13 tuổi

Dù đã 80 tuổi, nhưng trông ông Xang còn rất khỏe, tóc đen nháy, nước da ngăm ngăm và nụ cười rạng ngời. Nếu không biết tuổi thật, có lẽ nhiều người đoán ông chỉ khoảng hơn 60 tuổi. Ký ức về cuộc chiến hơn 55 năm trước được đánh thức bởi chúng tôi khi hỏi ông về những ngày đánh trận. Ông Xang cho biết, năm 13 tuổi, ông đã theo lớp đàn anh trong bản hoạt động cách mạng. “Tôi theo chân những người lớn tuổi làm nhà bí mật ở trong rừng để làm nơi hoạt động. Một ngày nọ, người chú của tôi bị địch bắn chết, tôi tiếp tục đưa thư đến địa điểm đã định và hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức thấy tôi nhanh nhẹn, thông minh nên giữ lại, thu nạp làm giao liên” - ông Xang nhớ lại.

Hằng ngày, ông Xang làm liên lạc, đưa tin và nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ. Trong những cánh rừng già ở biên giới Việt-Lào, ông như con sóc nhanh nhạy luồn rừng đưa tin hoàn thành nhiệm vụ. “Có hôm địch dí súng hỏi, mày đi theo cách mạng à? Mày làm gì mà ngày nào cũng ở trong rừng? Tôi đáp lại là đi săn thú. Không biết cách mạng là gì hết. Nói rồi tôi đưa chiếc nỏ mang bên mình lên cho chúng xem. Thế là chúng tin sái cổ” - ông Xang cười nói.

Theo lời ông Xang, ngày đó, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở biên giới có đời sống hết sức khó khăn. Ngoài phần lo cái ăn ra, còn phải tránh bom đạn. Năm 1963, Mỹ ném chất độc hóa học làm cây cối rụng sạch, rừng khô, cây cháy. Dân chỉ biết đào củ mài, củ chuối làm “ấm bụng” qua ngày chứ cây cối hoa màu đã bị hủy hoại. Tuy nhiên, dù khổ cực thế nào, đồng bào vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

3 lần bắn rơi máy bay Mỹ

Ông Xang còn nhớ như in ngày 1/6/1963, ông gia nhập Quân đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Ông biên chế ở C1, bộ đội địa phương. Qua thời gian phấn đấu, đến tháng 1/1968, ông Xang là Đại đội trưởng, chỉ huy 140 quân nhân. Nhiệm vụ chính là phối hợp với quân chính quy, tham gia các trận đánh tiêu diệt các đồn bốt vành đai để dọn đường đánh các cứ điểm lớn tại Huội San (Lào), Làng Vây, sân bay Tà Cơn (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Ông Xang bồi hồi nhớ lại những ngày cùng quân dân Hướng Hóa chiến đấu hào hùng. Có lẽ nó in đậm trong ký ức của tuổi hoa niên của mình nên ông nhớ ngày, nhớ tháng rất rõ. Chuyện đã hơn nửa thế kỷ nhưng lời kể cuộn trào, chi tiết như mới hôm qua. Đó là những gì chúng tôi cảm nhận về ông, một cựu chiến binh như hàng hàng lớp lớp những người đã xả thân vì Tổ quốc.

Ông Xang kể: “Năm 1963-1964, nhiệm vụ chính của chúng tôi là cùng bộ đội chủ lực vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí từ Km41 Quốc lộ 9 (thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) lên Khe Sanh, đi Lao Bảo rồi sang Ka Rôn, Huội San (Lào). Năm 1966, cùng bộ đội tinh nhuệ, du kích đánh phá các cầu dọc đường 9. Tháng 4/1967, cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt cứ điểm Làng Vây cũ (đồn cũ của Pháp, gần Thủy điện La La bây giờ), bắt sống nhiều quân địch và thu giữ nhiều vũ khí”.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã trải qua 100 trận đánh lớn nhỏ. “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng tôi không sợ. Có thể tôi may mắn, chứ đơn vị tôi ngày nào cũng có người hi sinh. Những cái chết của đồng đội làm sâu sắc hơn sự căm thù giặc. Trong ý nghĩ cứ muốn xông lên, hết mình để quê hương sớm ngày giải phóng” - ông Xang nói.

Theo ông Xang, để chuẩn bị cho trận chiếm Làng Vây - một trong những cứ điểm quan trọng của địch ở Khe Sanh, ngay từ tháng 10/1967, quân giải phóng miền Nam đã huy động hàng chục xe tăng từ miền Bắc vượt rừng vào Quảng Trị. “Ban đầu, xe tập kết ở Mường Noòng (Lào) rồi di chuyển theo hướng đường bộ dọc sông Sê Pôn về xã Thuận. Chúng tôi đã cùng hàng vạn dân quân, người dân địa phương ở biên giới “hộ tống” xe tăng vào chiến trường Khe Sanh, xóa dấu vết và bí mật tuyệt đối. Khoảng 2.000 người đã hỗ trợ làm đường, gùi một số bộ phận của xe tăng. Trải qua nhiều tháng, xe tăng được giấu ở làng Troài (nay là xã Tân Long) để đợi giờ tiến thẳng Làng Vây” - ông Xang kể.

Ông Hồ Văn Xang trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Công Sang

Đêm 6/2/1968, ta nổ súng đánh trận Làng Vây. Sự hiện diện của xe tăng đã làm địch kinh ngạc. Đại đội của ông Xang dẫn đường cho bộ đội chủ lực, đặc công và 4 xe tăng tấn công từ hướng Tây Bắc. “Với sự hỗ trợ của xe tăng, quân ta đã kiểm soát cứ điểm Làng Vây sau hơn một ngày đánh chiếm. Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 650 tên địch, số còn lại tìm hướng Khe Sanh chạy vào cứ điểm Tà Cơn. Sau khi làm chủ cứ điểm Làng Vây, quân ta tổ chức phòng thủ, chuẩn bị cho các đợt tấn công cụm cứ điểm Tà Cơn diễn ra thời gian sau đó” - ông Xang nhớ lại.

Những ngày tháng tiếp theo, ông Xang tiếp tục dẫn đường cho bộ đội chủ lực tấn công sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri và các cứ điểm khác cho đến ngày huyện Hướng Hóa hoàn toàn được giải phóng.

Nói về chiến tranh, có lẽ ông Xang không thể nào quên chiến công 3 lần bắn rơi máy bay địch. “Bản thân tôi đã bắn cháy 3 máy bay địch: 2 máy bay F105 và 1 máy bay trực thăng. Trong đó, có 2 chiếc tôi bắn tại địa bàn xã A Sóc, bằng súng Karang, nòng dài, băng đạn 8 viên, bắn thẳng khi máy bay địch bổ nhào thấp để chụp ảnh và bắn rốc két. Chiếc thứ 3 tôi bắn tại địa bàn xã A Cha (thuộc Lào), với nguyên băng AK 47, bằng kỹ thuật bắn đón” - ông Xang kể.

Bình yên sau cuộc chiến

Có lẽ không ai chờ đợi ngày giải phóng, ngày hòa bình bằng những người cầm súng. Bình yên là khát vọng của muôn người. Ở thời khắc chiến tranh, chỉ mong một ngày im bặt tiếng súng cũng là điều đáng chờ đợi. Đi qua cuộc chiến, những khoảng khắc vui vầy bên con cháu đã khiến ông Xang không thể nào không nhớ những người đã nằm xuống mãi mãi.

Giờ đây, trong căn nhà hai gác khá bề thế giữa mảng xanh của cây ăn trái, cây cà phê, ông Xang khoe với chúng tôi rằng, 8 người con của ông bà đều ở quanh đây: “Không giàu có gì nhưng cuộc sống cũng ấm no, hạnh phúc”.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Xang cưới vợ, kém ông 10 tuổi, là người Vân Kiều chịu thương chịu khó đã sinh cho ông 8 người con. Khi chiến trường im tiếng súng, ông xuất ngũ với quân hàm Đại úy. Ông tham gia hoạt động tại địa phương, trước khi về hưu với chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa. Với những đóng góp của mình, ông Xang vinh dự được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và được Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 8 chữ: “Trọn nghĩa nước non - Thắm tình đồng đội”.

Sờ vào vết sẹo ở trán, cựu chiến binh Hồ Văn Xang nói: “Năm 1971, trong trận càn của bom Mỹ, tôi bị thương ở trán kéo lên đến đỉnh đầu, một mảnh bom găm vào chân trái. Tôi hiện đang hưởng chế độ thương binh 4/4. Thế hệ chúng tôi cầm súng chống giặc, chỉ mong sao thế hệ sau này tiếp tục truyền thống yêu quê hương để làm giàu cho mình và đất nước”.

Giờ đây, mỗi lần kỷ niệm những ngày lễ lớn của địa phương, ông Xang trở lại các địa danh như Làng Vây, Cù Bốc, Động Tri, Tà Cơn... để sống lại một thời huy hoàng của tuổi trẻ. Ông cho biết, những bình địa ngổn ngang hầm hố, đặc mùi thuốc súng nay trở thành phố thị; một màu xanh bao la từ những vườn chuối, cà phê, cao su phủ lấy những đồi trọc vì chất độc da cam. “Có một sự bình yên đến kỳ lạ khi nhìn những thay đổi đó. Cảm giác vui mừng như muốn khóc” - ông Xang xúc động nói.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh cho biết, năm nay, cựu chiến binh Hồ Văn Xang chuẩn bị đón nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông là một trong những người đã cầm súng tham gia nhiều trận đánh trên quê hương mình. Trải qua thời chiến và trong thời bình, ông vẫn luôn giữ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; là một người có uy tín, được nhân dân tin yêu và là niềm tự hào của địa phương.

Yên mã Sơn

Bình luận

ZALO