Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 12:31 GMT+7

Người "nhiều chuyện" làm "nên chuyện" ở Sả Hồ

Biên phòng - Đang mùa thu hoạch quýt, nên Làn Mậu Thành (46 tuổi, dân tộc Bố Y, nhà ở tại thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, Lào Cai) tất bật với việc thu hái, đóng bao để xuất bán. Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của anh, ít người biết được rằng, người nông dân này từng thuộc diện hộ nghèo, hai lần trắng tay. Qua mỗi lần như vậy, anh đều tự đứng lên bằng ý chí, nghị lực và khát khao làm giàu để có được cơ đồ như bây giờ.

402x339_13a-1.JPG
Anh Thành trước vườn quýt của gia đình.

"Quýt ông Thành"
 
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Thành không ngại bày tỏ những suy tính của mình, khiến người nghe có cảm giác như đang trò chuyện với một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm hơn là một người làm ăn nhỏ, thuộc dân tộc thiểu số mà dân số chưa tới 2.000 người.

Đưa cho tôi một trái quýt vừa hái trên cây, anh chia sẻ: "Tài sản của vợ chồng tôi giờ trông vào vườn quýt này. Nhu cầu thị trường rất lớn nên tôi không lo bị ế. Tôi dự định xây dựng thương hiệu "Quýt ông Thành" để người dân được thưởng thức đúng loại quýt sạch của Mường Khương, không bị mua phải quýt giả, không đảm bảo chất lượng". Thật khó tin những suy nghĩ cấp tiến này lại có ở một người nông dân dân tộc thiểu số mới chỉ học hết lớp 5.

Hành trình khởi nghiệp của "vua quýt" Mường Khương bắt đầu từ năm 2000 với cây mía. "Khi ấy, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo đói. Con tôi đầy một tháng tuổi, tiền mừng của con được 120.000 đồng. Tôi dùng số tiền đó thuê người cắt tranh, dựng lán, chuyển cả gia đình từ thị trấn Mường Khương về đây ở. Tôi bán lợn, mua mía giống về trồng. Năm đó, 6.000 gốc mía của tôi bị chết héo vì sương muối. Bố mẹ tôi phải hỗ trợ cứu đói cho tôi" - Anh Thành nhớ lại.

Không nản lòng, năm sau, anh bỏ công sức, vay mượn tiền khôi phục lại ruộng mía. Ông trời thương anh cho một vụ bội thu. Cứ tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ, không ngờ những vụ sau, mía bị mất mùa liên tục. "Anh phải bỏ cây mía, chuyển sang trồng quýt" - Anh Thành nói.

Ý tưởng trồng quýt của người nông dân dám nghĩ, dám làm này hình thành từ một sự quan sát tinh nhạy: "Tôi thấy ngoài chợ bán rất nhiều quýt Trung Quốc chứng tỏ nhu cầu thị trường lớn. Tôi chợt nhớ, ngày xưa, bố tôi trồng mấy cây quýt trên núi, rất sai quả nhưng giờ không thấy ai trồng. Tôi hỏi bố: "Đất này có trồng được quýt không?

Ông bảo cách đây mấy chục năm có trồng trên núi Cô Tiên, rất sai quả. Nghe ông nói vậy, tôi mua cây giống về trồng thử nghiệm. Vụ đầu tiên, quả rất to và ngon. Tôi phấn khởi lắm, trồng thêm rất nhiều. Vườn quýt ngày càng mở rộng. Tôi cũng tự mày mò, nhân cây giống. Đến năm 2009, tôi bán cả cây giống ra thị trường".

Công việc đang tiến triển tốt thì năm 2013, ông trời thêm một lần nữa thử thách nghị lực của anh Thành. Sau trận mưa đá khủng khiếp đi vào lịch sử tháng 3-2013, cả huyện Mường Khương bị tàn phá tan hoang. Gia đình anh Thành cũng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề: "Vườn quýt tan hoang như vừa bị phạt chém. Hơn 2 tỷ đồng đầu tư vào đây coi như mất sạch. Tôi ôm mặt khóc ngay tại vườn.

Nhưng những ngày sau đó, tôi lại cười vui. Vợ tôi thấy vậy bảo: "Tài sản không còn gì mà sao ông vẫn cười được"?. Tôi động viên bà ấy: "Buồn khóc không ích gì. Đây là rủi ro do thiên tai, phải vui lên, bỏ công sức để khắc phục". Tôi vay ngân hàng và mọi người 500 triệu đồng làm lại vườn quýt".

Công sức của anh đã được đền đáp. 10.000 cây quýt xanh tốt trở lại. Mùa quýt năm 2014 đã cho thu hoạch. "Vào vụ thu hoạch, tôi phải thuê 10-12 người thu hoạch. Mỗi ngày, tôi xuất bán 1 tấn quýt. Đến giờ, tôi chỉ còn nợ ngân hàng 80 triệu đồng" - Anh Thành cho biết.

Thành quả của anh thật đáng mừng nhưng điều khiến tôi khâm phục nhất ở người đàn ông này là tính chịu khó tìm tòi, dám nghĩ, dám làm. Anh không ngừng nghĩ việc cho mình. Ngoài quýt, anh còn trồng cam, bưởi, đào thế và chăn nuôi. Anh kể rằng, mấy năm trước nhặt được một cây cam ngoài chợ, anh mang về nhà trồng. Cây cho quả rất thơm và ngon. Anh đã ghép 100 cây giống, dự định năm nay sẽ ghép ươm thêm 300 cây nữa. Trong vườn, anh còn ươm gần 100 cây đào thế.

Anh bảo, sẽ cải tạo lại vườn, trồng thêm bưởi nữa. Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, anh Thành đúc rút ra một điều rất đáng để học tập: "Những lúc khó khăn, nhất là khi trắng tay, tôi tự động viên mình phải mạnh mẽ lên. Nhờ đó giúp tôi có thêm nghị lực vươn lên".

Và ước vọng thay đổi vùng biên

Thành công của anh Thành gieo thêm niềm tin cho bà con dân tộc ở Sả Hồ và các thôn lân cận vào cây quýt. Học cách làm của anh, một số hộ dân đã chuyển đổi từ trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng quýt.

Không chỉ giúp bà con có hướng phát triển kinh tế mới, "vua quýt" Mường Khương qua những hành động cụ thể từng ngày đã tác động thay đổi dần nhận thức của bà con vùng biên ải này. Những mảng tối trong suy nghĩ, nhìn nhận của người dân nơi đây dần được rọi sáng qua từng việc làm cụ thể của anh. Theo đó, các tập tục lạc hậu dần được đẩy lùi.

Chuyện là, bà con rất mê tín, mỗi năm, một nhà làm tới 40-50 lễ cúng. Trong nhà có người bị ốm là cúng, mất con trâu, con bò không tìm được cũng cúng, ngay cả lúa không được mùa cũng làm lễ mang ra ruộng cúng, thậm chí con lợn bị ốm cũng làm lễ cúng. Một lần, anh gặp người dân mang lễ ra ruộng cúng để cầu mong được mùa.

Theo lối ăn nói của đồng bảo, anh bảo, "chúng mày cúng để làm gì? Tiền mua gà cúng, chúng mày dùng mua phân đạm bón vào ruộng cho nó tốt khắc được mùa". Nghe lời khuyên của anh, bà con người Dao, người Mông trong thôn đã biết dùng phân bón, áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng.

ibv0_13b-1.JPG
Quýt chín rộ, anh Thành thu hái đến đâu xuất bán hết đến đó.  
 
Một lần khác, trong thôn có một đứa trẻ bị ốm. Gia đình làm lễ cúng nhiều lần vẫn không khỏi. Anh Thành biết chuyện tới bảo với bố mẹ đứa bé: "Nhà mày cúng nhiều lần rồi, nó vẫn không khỏi bệnh. Nếu không cho nó uống thuốc nó sẽ chết đấy. Tiền làm lễ cúng để mua thức ăn, mua thuốc cho nó uống thì nó mới khỏe được”.

Nghe lời anh, gia đình đưa con tới trạm y tế xin thuốc uống. Đứa bé khỏi bệnh, bà con bắt đầu tin anh. Tập tục cúng lễ mấy chục lần trong năm của bà con nơi đây giờ chỉ còn trong quá khứ.

Còn nữa, ngày trước, bà con có thói quen phá rừng, đốn củi làm chất đốt. Anh Thành vận động họ không phá rừng nữa mà hãy trồng rừng. "Mỗi năm trồng 1.000 cây thông, 10 năm sau sẽ thu được 100 triệu đồng, vừa có tiền, vừa có củi đun".

Thoạt đầu, nghe anh nói vậy, họ bảo, không phải việc của ông. Anh không nản lòng, tiếp tục thuyết phục. Anh dạy người dân trồng rau, chỉ họ mang rau ra chợ bán, tư vấn cho họ trồng giống ớt đặc sản của Mường Khương. Đến giờ, người dân đã biết trồng rau, ớt không chỉ để cung cấp cho gia đình, mà còn mang ra chợ bán.

Vậy là, từ một người đáng ghét, chuyện gì cũng xía vào, như nhận xét của nhiều người dân lúc anh mới chuyển về Sả Hồ sinh sống, giờ đây, anh Thành đã được bà con tin cậy, yêu mến. Trên cương vị là Bí thư Chi bộ số 20 (chi bộ ghép đảng viên 4 thôn Sả Hồ, Lao Chải, Chúng Chải B và Choán Ván), anh Thành đang cùng các đảng viên trong chi bộ, một mặt định hướng giúp bà con phát triển kinh tế, bồi dưỡng cán bộ thôn, một mặt thực hiện quyết tâm phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ độc lập ở mỗi thôn bản.

Công việc trước mắt tuy còn nhiều khó khăn, song, tôi tin rằng, với nghị lực và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, chắc chắn anh Thành sẽ hoàn thành được ước vọng giúp bà con vùng biên phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, nâng cao nhận thức.
Bích Nguyên

Bình luận

ZALO