Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 05:19 GMT+7

Người bảo tồn nghề đan lát truyền thống của dân tộc Ve

Biên phòng - Những ngày cuối tháng 3/2023, sau gần 10 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại thăm Đắc Pring - một xã vùng biên giáp nước bạn Lào thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trong một chiều mưa nặng hạt. Đến thôn 49b, hỏi ông Hiên Dung (59 tuổi), bà con trong thôn từ già đến trẻ đều khen ngợi ông không chỉ là một trong những đàn ông dân tộc Ve đan lát đẹp nhất vùng, mà còn góp phần truyền dạy cho con cháu về bảo tồn nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình.

Ông Hiên Dung xem đan lát là nghề để mưu sinh. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng ông Hiên Dung, dân tộc Ve (một nhánh của dân tộc Giẻ - Triêng). Tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà sàn nhỏ của mình, vừa cặm cụi đan chiếc gùi đựng măng để kịp giao hàng cho bà con trong thôn đã đặt trước đó, ông Hiên Dung tâm sự, năm nay thời tiết mưa sớm, khi nương rẫy của gia đình ông đã tỉa lúa xong, ông tranh thủ đan lát. Ngày xưa, khi cuộc sống của đồng bào Ve nơi đây còn phụ thuộc vào rừng núi, thiên nhiên nhiều, hầu hết các vật dụng trong nhà của các gia đình đều phải tự tay làm ra. Vì vậy, những chàng trai dân tộc Ve biết đi rừng, biết cầm rựa phát rẫy hầu hết đều được học nghề truyền thống từ cha ông, xem đó như một cách để đánh giá tài năng và sự khéo léo của mỗi người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Hiên Dung sinh ra và lớn lên trên vùng biên thuộc huyện Bến Giằng (cũ), nay là huyện Nam Giang (Quảng Nam), nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Ve. Ngay từ nhỏ, ông Dung đã được chính người cha của mình truyền dạy nghề đan lát. Vốn thông minh và chịu khó học hỏi, dần dần ông Dung đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật đan lát truyền thống của người Ve và theo thời gian, các sản phẩm của ông Dung làm ra luôn được đông đảo bà con trong vùng đón nhận. Cũng nhờ khéo tay và đan lát đẹp, ông Dung nên duyên vợ chồng với người vợ bây giờ là bà Zơ Râm Thị Giới.

Sau khi ông Dung và bà Giới cưới nhau, hai vợ chồng được bố mẹ cho ở trong nhà sàn. Sáng nào ông Dung cũng giữ thói quen dậy sớm để đốt bếp lửa lên nấu cơm canh, ăn xong là ông Dung tranh thủ đan các đồ dùng như gùi lúa (boong), gùi củi (zôông), gùi măng (roong), nia sảy lúa (ka rang), giỏ đựng lúa để tỉa (toong leng), gùi đàn ông (ka léc)… để phục vụ cho gia đình và đem trao đổi với những gia đình trong vùng.

Theo ông Dung, người đàn ông dân tộc Ve làm nghề đan lát nếu mà làm không thạo thì rất vất vả. Muốn có một chiếc gùi lúa hay chiếc gùi của đàn ông Ve đẹp và chắc, đến nia sảy lúa, giỏ đựng lúa để tỉa... thì đàn ông Ve phải vào rừng sâu chọn lựa những loại dây mây như mây song, mây cám, chọn tre nứa làm nguyên liệu về đan phù hợp với mỗi dụng cụ riêng thì mới đẹp. Mỗi chuyến đi như vậy mất vài ngày, có khi hàng tuần liền. Đồng bào Ve chỉ khai thác tre nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng vì tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị mọt. Mây thì chỉ lấy sợi dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo.

Châm điếu thuốc và uống ngụm trà nóng cho đỡ cái lạnh vùng cao, rồi cầm trên tay chiếc gùi đựng lúa, ông Hiên Dung nở nụ cười giới thiệu từng ưu, nhược điểm, kỹ thuật đan gùi đựng lúa. Theo ông Dung, tùy từng loại gùi mà người đan sử dụng những kỹ thuật đan lát truyền thống của người Ve khác nhau. Gùi lúa và gùi đàn ông dân tộc Ve có thể được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát sử dụng chất liệu cật tre và mây thể hiện sự kết hợp khá mềm mại, tinh xảo và công phu. Còn với chiếc gùi của đàn ông Ve, từ khi dùng đến đến hư thì ít nhất 25 đến 30 năm.

Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian, gùi có 3 phần chính, hai ngăn nhỏ ở thân gùi. Thân gùi được đan bằng mây, chung quanh thân có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành từ đáy trở lên miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Dây mang gùi được đan bằng mây song được vót mỏng để đan thì dây mới bền và chắc hơn. Đây là loại gùi dùng cho đàn ông Ve để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dao, rựa, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, dụng cụ lấy lửa... để đi rừng, lên rẫy hay đi về các các làng khác thăm sui gia, họ hàng vào dịp lễ hội.

Trong thôn 49b bây giờ chỉ còn vài người đan gùi đẹp, song nhìn chung đều lớn tuổi và mắt cũng đã mờ, tay chân đã yếu, không còn vào rừng bứt mây được nữa. Chính vì vậy mà bao năm nay, mặc dù nhịp sống hiện đại làm cho những sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người Ve không còn thông dụng và ưa chuộng, nhưng ông Dung vẫn luôn duy trì thói quen với nghề hằng ngày. Từ nhiều năm nay, ông Dung đan lát không phải vì lợi nhuận mà nhằm lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Ve.

Anh Hiên Liên, Trưởng ban Văn hóa xã Đắc Pring chia sẻ với chúng tôi: Giới trẻ Ve bây giờ ít có ai hiểu và cảm nhận được hết những nét đẹp và ý nghĩa của những dụng cụ từ nghề đan lát truyền thống. Những thanh niên Ve bây giờ suy nghĩ khác trước nhiều lắm, từ cái ăn, cái mặc đều thích có sẵn hiện đại chứ những vật dụng truyền thống của cha ông thì chúng không muốn dùng nữa, huống chi là việc học. Vì vậy mà nghề đan lát truyền thống của người Ve đang đứng trước nguy cơ mai một và bị mất đi là điều khó tránh khỏi.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO