Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 06:32 GMT+7

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024):

Người Chứt một lòng ơn Đảng

Biên phòng - 32 năm - quãng thời gian quá ngắn so với lịch sử phát triển của một cộng đồng người, nhưng với người Chứt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh thì đó là quãng thời gian từ tối tăm bước ra ánh sáng. Được BĐBP Hà Tĩnh phát hiện vào năm 1991, kể từ đó, ngày đêm những người lính Biên phòng cắm bản, kiên trì, bền bỉ, cầm tay chỉ việc, dựng nhà, khai hoang, trồng lúa, chăn nuôi, xây dựng cuộc sống mới. Ý Đảng, lòng dân bền chặt suốt 32 mùa Xuân bên dãy núi Ka Đay hùng vĩ.

Niềm vui trong ngôi nhà mới của gia đình anh Hồ Văn Nam. Ảnh: Mạnh Hùng

Bước ra từ rừng già tăm tối

Một ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024, con đường nhựa ngoằn ngoèo từ thị trấn Hương Khê vào bản Rào Tre, xã Hương Liên dài khoảng 30km dẫn tôi đến nhà anh Hồ Văn Nam, đảng viên, Trưởng ban công tác mặt trận bản. “Hàng chục ngôi nhà nằm dưới chân núi Ka Đay trở thành nơi “an cư, lạc nghiệp” của 46 hộ với 156 nhân khẩu người Chứt ở bản Rào Tre những năm qua” - Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh niềm nở đón và giới thiệu với chúng tôi.

“Ngỡ ngàng” - phải nói như vậy vì quan sát trong nhà anh Nam, tôi thấy khá đầy đủ tiện nghi, từ tivi, bàn ghế, tủ lạnh, bếp ga, xe máy... “Tất cả đều ơn Đảng và công sức bộ đội đấy, cán bộ à, chứ trước đây, người Chứt khổ lắm” - lời tâm sự của anh Hồ Nam làm tôi phần nào hiểu vì sao người Chứt giờ đây một lòng tin theo Đảng.

Theo anh Nam thì thực chất người Chứt cư trú chủ yếu ở Quảng Bình từ những năm 1960. Sau đó, một nhóm người Chứt, trong đó có ông bà, cha mẹ anh Nam từ tỉnh Quảng Bình bỏ lên rừng sinh sống trong hang đá, thuộc dãy núi phía Tây huyện Hương Khê, tồn tại chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. Không để đồng bào Chứt sống biệt lập trong rừng sâu, năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh lập bản nhỏ dưới chân núi Ka Đay để đưa người Chứt xuống sinh sống. Do không có tên, không biết tuổi nên bộ đội “lấy họ Bác Hồ, nhìn mặt đặt tên” và đoán tuổi từng người để làm Chứng minh thư nhân dân.

Sinh sống một thời gian thì người Chứt lại đối diện với vấn nạn hôn nhân cận huyết thống, làm suy giảm giống nòi. Trước thực trạng đó, bộ đội, chính quyền nỗ lực tuyên truyền và có chính sách khuyến khích nam, nữ trong bản lấy người Kinh hoặc người Chứt ở bản Cà Xèng (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Cùng với đó, năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh ban hành Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt.

Nhờ đó, đến nay, người Chứt ở huyện Hương Khê có 60 hộ, hơn 200 nhân khẩu. Đặc biệt, ở bản Rào Tre, xã Hương Liên có 46 hộ, 156 nhân khẩu, có chi bộ với 10 đảng viên. Hệ thống nhà ở, điện chiếu sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng; đa số người dân biết chữ; có nhiều em trúng tuyển đại học, cao đẳng; nhiều thanh niên nhập ngũ...

Những “hạt giống đỏ” xây dựng biên cương

Vì không biết chữ nên bà Hồ Nam, 58 tuổi, trước đây không muốn tiếp xúc với người lạ, tay cầm cuốc, cầm rựa chắc hơn cầm bút khiến việc vận động bà và mọi người đi học là điều không dễ dàng. Bà Nam kể lại, lần đi khám ở trung tâm y tế xã, cầm trên tay phiếu khám, được y tá hướng dẫn đến phòng này, phòng kia, bà cứ lóng ngóng, gặp ai cũng hỏi đến ngượng chín mặt, bởi không biết đọc biển để đến đúng phòng khám. Sau lần xấu hổ đó, hiểu được việc học chữ rất có ích, bà quyết tâm học chữ.

Đặc sắc tiếng đàn Chư ra bon - nhạc cụ truyền thống của người Chứt mỗi khi Xuân về. Trong ảnh: Bà Hồ Lĩnh ở bản Rào Tre biểu diễn đàn Chư ra bon. Ảnh: Mạnh Hùng

Nhờ biết chữ mà bà Nam sau đó được lựa chọn làm “hạt giống đỏ” để gây dựng chi bộ bản Rào Tre khi đã 40 tuổi. Bà trở thành đảng viên đầu tiên của người Chứt, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản, Trưởng bản, Bí thư chi bộ, đại biểu HĐND xã và huyện. Bà luôn gương mẫu và là một điển hình phát triển kinh tế với 3 sào lúa, nuôi 9-10 con trâu, bò, lợn, hàng chục con gà... “Mãi mãi tôi không bao giờ quên cảm giác vui sướng khi đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng vào năm 2003. Kể từ đó, tôi nguyện một lòng tin theo Đảng, cống hiến, tận tụy, trách nhiệm với cộng đồng” - bà Nam tâm sự.

Để thuận lợi hơn trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính quyền các cấp vào cuộc sống người Chứt, tháng 8/2017, chi bộ bản Rào Tre được thành lập. Từ những đảng viên đầu tiên, đến năm 2020, chi bộ có 7 đảng viên. Hằng năm, chi bộ tổ chức kết nạp từ 1-2 đảng viên. Đến năm 2023, chi bộ bản Rào Tre có 10 đảng viên (9 người đồng bào Chứt, 1 người Kinh), trong đó, năm 2021, kết nạp 2 đảng viên; năm 2022, kết nạp 1 đảng viên. Đây là những “hạt giống đỏ” được ăn học, tốt nghiệp Trường Trung học phổ thông nội trú huyện Hương Khê, được BĐBP, chi bộ bản Rào Tre giáo dục, bồi dưỡng, tạo nguồn cảm tình Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Mận, Bí thư chi bộ bản Rào Tre chia sẻ: “Nhờ sự hướng dẫn sâu sát của cán bộ BĐBP nên hoạt động của chi bộ đã đi vào nền nếp. Trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hiến kế phát triển kinh tế, đấu tranh xóa bỏ hủ tục, từng bước nâng cao đời sống người Chứt ở Rào Tre”.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên nhận xét: “Bước ra từ rừng già tăm tối, bà Hồ Nam là đảng viên đầu tiên của người Chứt ở bản Rào Tre. Dưới sự dìu dắt của bà, những người con cũng lần lượt trở thành những “hạt giống đỏ”, tiên phong mang ánh sáng của Đảng rọi soi nơi chân núi Ka Đay. 20 năm đồng hành với đồng bào Chứt, bà Hồ Nam và Ban cán sự bản luôn nhắc nhở dân bản phải tin vào Đảng, cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, chăm chỉ làm ăn, không bỏ lên rừng, không săn bắn muông thú, giảm uống rượu, từng bước đoạn tuyệt các hủ tục”.

Mạnh Hùng

Bình luận

ZALO