Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:25 GMT+7

Người có uy tín góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Việt Nam hiện có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) anh em, tạo nên một bức tranh đa sắc màu dân tộc. Do đặc điểm tâm lý, văn hóa và phong tục, lối sống, trong cộng đồng các DTTS Việt Nam đã hình thành nên một tầng lớp người được đồng bào kính trọng, suy tôn và thường tranh thủ ý kiến của họ về mọi mặt trong đời sống xã hội. Những người này được gọi là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo kết quả điều tra tình hình kinh tế - xã hội 53 DTTS của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc vừa mới được công bố (tháng 9-2016), tính đến ngày 1-7-2015, tổng số dân các DTTS là 13.386.330 người, trong đó có 33.486 người có uy tín.

cdr6_16
Ông Lầu Chia Lồng, người có uy tín trong dân tộc Mông ở xã Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An hướng dẫn bà con chăm sóc cây dược liệu. Ảnh: Lê Xuân Trình

Do vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của người có uy tín đối với cộng đồng các DTTS nên Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương rất chú trọng đến công tác vận động người có uy tín tích cực tham gia đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) nói riêng. Qua công tác tổng kết lý luận và thực tiễn, chúng ta có thể nhận thấy, người có uy tín trong DTTS đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Trước sự thay đổi mạnh mẽ về tình hình xã hội và cơ cấu, thành phần người có uy tín, ngày 1-2-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg về "Phát huy vai trò người có uy tín trong DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Thời gian qua, người có uy tín trong DTTS đã có những đóng góp to lớn, là lực lượng không thể thay thế, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng (ANQP) vùng đồng bào DTTS, làm thất bại âm mưu kích động đồng bào ly khai, tự trị của các thế lực thù địch; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng truyền đạo trái pháp luật trong vùng đồng bào DTTS; hạn chế tình trạng di dịch cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép và giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, xung đột trong vùng DTTS.

Đại đa số người có uy tín luôn giữ vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa phương. Đội ngũ người có uy tín đã cung cấp cho cơ quan chức năng hàng nghìn thông tin có liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có nhiều tin có giá trị liên quan đến hoạt động xưng đón vua, kích động ly khai, tự trị, hoạt động móc nối của các phần tử phản động trong và ngoài nước; tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, góp phần ổn định tình hình địa bàn. Điển hình như: Giải quyết vụ tụ tập đông người âm mưu xưng đón vua ở Mường Nhé, Điện Biên (2011); âm mưu nhen nhóm tập hợp lực lượng ở Sa Pa, Lào Cai (2012); vụ gây rối, chống người thi hành công vụ ở Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình (2010); tham gia bóc gỡ cơ sở ngầm FULRO ở các tỉnh Tây Nguyên...

Tuy nhiên, công tác phát huy vai trò người có uy tín trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Việc quán triệt nhận thức tiêu chí người có uy tín chưa thống nhất, một số nơi cho rằng, người uy tín bao gồm cả những người có ảnh hưởng nhất định bằng quyền lực hành chính, thậm chí chỉ gồm những người tích cực, những người cư trú tại các thôn, bản vùng miền núi. Xu hướng phổ biến là mới chú trọng tranh thủ người tốt, tích cực, có nơi lại đưa vào diện quá rộng nên công tác tranh thủ ý kiến chưa được tập trung; trong khi những người có vấn đề tiêu cực cần phải tăng cường tiếp xúc, cảm hóa lại chưa được quan tâm, giải tỏa. Việc phân cấp, phân công cán bộ quản lý, tranh thủ người có uy tín còn thiếu cụ thể, nên hiệu quả tranh thủ sử dụng thấp...

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động người có uy tín phục vụ công tác bảo vệ ANQG trong giai đoạn mới, trước hết, cần xác định đúng tiêu chí và làm tốt chức năng tham mưu cho cả hệ thống chính trị thấy được người có uy tín là một lực lượng quần chúng đặc biệt, họ thực sự là chỗ dựa quan trọng của chính quyền các cấp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời họ cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch, phần tử xấu luôn tìm cách lợi dụng phục vụ cho mưu đồ chống phá cách mạng nước ta, tạo dựng "ngọn cờ" để thực hiện âm mưu ly khai, tự trị dân tộc.

Về hình thức và nội dung vận động người có uy tín, cần tập trung vào vận động cá biệt để sử dụng và phát huy vai trò của từng người uy tín vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng đồng bào DTTS tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh trong vùng DTTS.

 Tham mưu cho chính quyền địa phương và cơ quan công tác dân tộc đảm bảo chính sách đối với người có uy tín theo quy định của Nhà nước, như việc người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ANQP của địa phương; tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hoặc tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo QPAN; được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết; được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự. Thông qua việc thực hiện các chính sách đặc thù này nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có uy tín, bảo vệ được bản thân và gia đình người có uy tín, nâng thêm uy tín, ảnh hưởng của họ.

Một yếu tố có tính chất quyết định trong việc phát huy vai trò người có uy tín vào công tác bảo vệ ANQG là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác này; đồng thời, phải tạo mọi điều kiện cần thiết cho đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đội ngũ làm công tác này phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm huyết với công tác dân tộc và thực sự gắn bó với đồng bào các DTTS nói chung, với người có uy tín nói riêng; đây là những người am hiểu phong tục tập quán, văn hóa của từng DTTS; đồng thời, phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc; đặc biệt, phải biết vận dụng linh hoạt các biện pháp, hình thức, nội dung vận động nhằm phát huy vai trò người có uy tín tích cực tham gia phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn.

Lê Xuân Trình

Bình luận

ZALO