Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 05:42 GMT+7

Người đại biểu của quân dân Thủ đô

Biên phòng - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, song, Thủ đô Hà Nội đã tiến hành mọi quá trình bầu cử hết sức thành công. Cử tri thành phố Hà Nội đã nhất trí bầu 95 đồng chí trở thành đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Trong số đó, có một đại biểu mang quân hàm xanh, đại diện cho Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đã trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao, đó là Thiếu tướng Lê Như Đức, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP.

Thừa ủy quyền của Bộ Tư lệnh BĐBP, Thiếu tướng Lê Như Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng, trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho các phóng viên Báo Biên phòng đoạt giải báo chí quốc gia năm 2019. Ảnh: Vũ Trang

Thiếu tướng Lê Như Đức quê xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Cụ Lê Như Phúc - thân phụ của Thiếu tướng Lê Như Đức là người đặt cho con cái tên Như Đức, với mong muốn đã có đức rồi lại càng phải sống nhiều tâm đức. Năm 1979, Thiếu tướng Lê Như Đức trúng tuyển trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Năm 1983, ra trường, đồng chí cùng đồng đội tỏa đi nhận nhiệm vụ tại các vùng biên giới phía Bắc; năm 1986, đồng chí Lê Như Đức được điều động về công tác tại Phòng Cán bộ, Cục Chính trị BĐBP, sau đó được điều đi thực tế tại cơ sở và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chủ nhiệm Chính trị, Chỉ huy phó Chính trị, Chính ủy BĐBP Thanh Hóa.

Năm 2000, vùng biên Thanh Hóa phải đối mặt với nạn di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Tây Bắc, kéo theo tình trạng phá rừng, mất an ninh trật tự, Thiếu tướng Lê Như Đức đã cùng với Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đề ra nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả để bà con từng bước định canh, định cư, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định tình hình địa bàn.

Một dấu ấn đáng trân trọng mà Thiếu tướng Lê Như Đức để lại trên vùng biên Thanh Hóa chính là đã cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa triển khai hiệu quả phong trào học tiếng Mông nở rộ trong đơn vị. Trong đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Nội vụ Thanh Hóa biên soạn một bộ tài liệu tiếng Mông chuẩn cho cán bộ công chức với 76 bộ giáo án và 226 trang, với những nội dung cụ thể như: Hướng dẫn bà con không hút, không trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do, cách chữa bệnh, cách làm ăn hiệu quả..., đồng thời, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Năm 2008, Thiếu tướng Lê Như Đức trở lại Cục Chính trị trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị. Ở các mặt công tác được phân công, bằng tầm nhìn và sự tinh nhạy của một người làm công tác cán bộ, cùng với Thường vụ Đảng ủy Cục Chính trị, Thiếu tướng Lê Như Đức đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng một số chính sách đặc thù với BĐBP và giải quyết tốt các tồn đọng về chế độ thương binh, liệt sĩ trong chiến tranh của BĐBP, đẩy mạnh chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng về các xã biên giới đặc biệt khó khăn, tiến hành đào tạo, sắp xếp sử dụng cán bộ hợp lý, đúng nghiệp vụ.

Năm 2016, Thiếu tướng Lê Như Đức kiêm nhiệm thêm một vai trò quan trọng khác là trở thành Tổng Biên tập Báo Biên phòng. Tuy không phải là lĩnh vực sở trường và có kinh nghiệm, song, ông đã điều hành tờ báo hết sức hiệu quả và nhiều ấn tượng. Là người sắc sảo trong công tác cán bộ, ông đề cao sự sáng tạo cá nhân trong mỗi bài viết, tôn trọng tính cách riêng biệt, song cũng yêu cầu rất cao về tinh thần tập thể và kỷ luật, điều lệnh quân nhân đối với từng cán bộ, phóng viên, nhân viên. Vị Tổng Biên tập "tay ngang" này đã mang lại một không khí mới, tinh thần làm việc mới cho tờ báo.

Ngay sau khi nghỉ hưu, đầu năm 2020, Thiếu tướng Lê Như Đức được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Ông chia sẻ rằng, đó là vinh dự lớn và cũng là động lực nhắc nhở ông phải nỗ lực cống hiến sao cho xứng đáng với tình cảm, niềm tin của những người lính đã từng kinh qua lửa đạn của Thủ đô. Ông cùng Ban chấp hành Hội triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy tâm thế, trí tuệ của các thế hệ cựu chiến binh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Trong chương trình hành động của mình, Thiếu tướng Lê Như Đức cũng đã khẳng định, nếu trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa XVI, ông sẽ phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ của bản thân để đáp ứng nhiệm vụ của đại biểu HĐND thành phố, chăm lo xây dựng các cấp tổ chức Hội vững mạnh, vận động hội viên phát triển kinh tế, tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp. Thiếu tướng Lê Như Đức, người đại biểu mang quân hàm xanh của Thủ đô sẽ còn nỗ lực nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của quân dân thành phố Hà Nội.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO