Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 07:20 GMT+7

Người kể chuyện Biên phòng bên dòng sông Pô Cô

Biên phòng - Nếu cần tìm một chứng nhân nói về tình quân dân trên biên giới bên dòng Pô Cô thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) thì đó chắc chắn phải là già làng Kloong - ông Rơ Châm Hloăk. Nói như thế là bởi, kể từ ngày còn “ngủ trên lưng mẹ” đến nay - đã hơn 72 “mùa rẫy” đi qua, già làng Rơ Châm Hloăk vẫn gắn bó với ngôi làng thân thương của mình. Và đặc biệt, ông chính là một trong những học viên đầu tiên của lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai tổ chức cách đây hơn 30 năm về trước. Với già làng Kloong, những câu chuyện về người lính Biên phòng luôn là những kỷ niệm đẹp nhất…

Già làng Rơ Châm Hloăk trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai. Ảnh: Thái Kim Nga

Tỏa sáng trên “vùng trắng”

Kỷ niệm đẹp mà già làng Kloong nhắc đến là những “sắc màu” của tình quân dân trên biên giới ngày Ia O còn “ẩn mình” giữa vùng trắng mênh mông.

Cũng như rất nhiều người thuộc thế hệ đi qua hai cuộc chiến (chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam) bên dòng sông Pô Cô, già làng Rơ Châm Hloăk vẫn không sao tránh được mặc cảm khi phải quay trở lại làm học trò. Tuy nhiên: “BĐBP đến tận nhà, lên tận rẫy dạy chữ thì mình phải học thôi. Bài học ngày đó chủ yếu xoay quanh bảng cửu chương và 24 chữ cái, tuy không mang đến cho mình nhiều kiến thức, nhưng đạo nghĩa thì rất nhiều. Ban đầu, mình cứ thắc mắc, những người lính Biên phòng từ miền xuôi lên đây làm gì khi cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn, thử thách (không trường học, không trạm y tế, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần - PV). Thậm chí, có người còn không vượt qua được những cơn sốt rừng quái ác, hay những trận lũ quét bất ngờ, đã vĩnh viễn nằm lại bên dòng sông biên giới. Dần dà mình đã hiểu ra rằng, họ lên đây là vì quê hương, đất nước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân…” - Già làng Kloong bồi hồi nhớ lại những ngày đầu “quay về với tuổi thơ” khi theo chân người lính Biên phòng học chữ.

Cũng cần nói thêm, xã Ia O, huyện Ia Grai chính là một trong những điểm sáng văn hóa đầu tiên trên biên giới do BĐBP Gia Lai triển khai xây dựng. Để làm được điều này, những người lính Đồn Biên phòng Ia O (trước đây là Đồn Biên phòng Pô Cô) đã cùng lúc đảm nhận “nhiều vai”, vừa làm thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ tuyên truyền văn hóa, khuyến nông, khuyến lâm... “Vai diễn” nào cũng hoàn thành một cách xuất sắc, dù có đôi lần “kịch tính” được đẩy lên cao trào, khiến người trong cuộc cũng phải… nghẹt thở.

“BĐBP luôn sống hết lòng vì nhân dân nên không việc gì làm họ nản lòng cả…” - già làng Rơ Châm Hloăk “chốt” lại câu chuyện về người lính Biên phòng một thời giữa “vùng trắng” mênh mông.

Trong câu chuyện của già làng Kloong kể về người lính Biên phòng có chi tiết “dùng chỉ may người” mà y thuật hiện đại có lẽ phải gọi bằng thầy (thầy liều). Ngày đó, ở địa bàn có một thanh niên lên rừng chẳng may bị cây lồ ô đâm xuyên qua đùi. Do vết thương hở quá lớn, không cầm được máu nên khi vào đến đội công tác địa bàn, người này đã bắt đầu rơi vào trạng thái vô ý thức. Trong tình thế cấp bách, quân y thì đi vắng, bông băng, thuốc y tế cũng không, Đội trưởng Vận động quần chúng đành phải “lệnh” cho anh em mỗi người đè một tay, chân để mình trực tiếp dùng kim, chỉ may quần áo “bịt” lại vết thương. Khâu đến đâu, cả “thần y” lẫn nạn nhân đều tháo… mồ hôi hột đến đó.

May mắn là cuối cùng, ca cấp cứu “có một không hai” này đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Sau khi khâu lại vết thương, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch và được chuyển lên trung tâm y tế huyện cấp cứu kịp thời… Chắc chắn có người khi nghe câu chuyện này sẽ cho rằng “mấy anh BĐBP liều quá”, nhưng nên nhớ, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, mệnh lệnh cứu người buộc họ phải đưa ra sự lựa chọn giữa hành động và buông xuôi. Và “đáp án” cuối cùng là họ đã lựa chọn đúng.

Hai “ghế ngồi” và một điểm đến

Ít ai biết rằng, trải qua hơn 72 năm cuộc đời, già làng Rơ Châm Hloăk đã có gần 1/3 thế kỷ làm người “vác tù và” bên dòng sông biên giới. Với tố chất của một thủ lĩnh nơi đất làng, “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”, ông luôn quán xuyến tốt cả việc cộng đồng và gia đình, được bà con làng Kloong tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn (20 năm), sau đó là 12 năm (tính đến nay) làm già làng.

Ở “ghế ngồi” nào, già làng Kloong cũng cháy bỏng ngọn lửa cống hiến, xứng đáng là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của bà con nhân dân. Sống với đất rừng biên giới từ ngày còn “ngủ trên lưng mẹ”, đồng hành với người lính Biên phòng từ thời “quay trở về với tuổi thơ”, nên hơn ai hết, già làng ý thức sâu sắc giá trị mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới trên địa bàn biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Cùng với Đồn Biên phòng Ia O, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động, tổ chức tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy chế biên giới, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam...

Sau sự kiện người dân tụ tập, gây rối trên địa bàn Tây Nguyên năm 2001, già làng Rơ Châm Hloăk luôn kề vai, sát cánh cùng chính quyền địa phương và đồn Biên phòng tuyên truyền, giáo dục, giúp bà con nhân dân nhận diện rõ những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, nhất là bọn phản động FULRO, lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá cách mạng nước ta, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, móc nối, lừa bịp người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin vượt biên sang Campuchia, nhằm phá hoại khối đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh biên giới.

Nói về “bí quyết” xây dựng phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự thôn, làng ở khu vực biên giới, già làng Kloong chia sẻ: “Mình tuyên truyền, vận động từ con cháu trong gia đình, dòng họ trước, sau đó mới đến cộng đồng, làng xã. Mọi lứa tuổi đều phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thanh niên thì tự giác tham gia lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quân sự, phụ nữ, người già thì cam kết bảo đảm con cháu trong gia đình không có người vi phạm pháp luật, nêu cao tinh thần làm chủ trong đấu tranh tố giác tội phạm, cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP quản lý chặt chẽ đường biên, cột mốc. Gần đây nhất, sau sự việc 7 thanh niên trong làng bị lừa bán sang Campuchia với chiêu trò việc nhẹ, lương cao, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, chúng tôi đã nhanh chóng ổn định tư tưởng cho bà con, qua đó, giúp các nạn nhân hòa nhập với cộng đồng...”.

Gần 1/3 thế kỷ đi qua, dù ở cương vị Thôn trưởng hay già làng thì “điểm đến” của người cha tinh thần làng Kloong vẫn luôn là sự bình yên và phát triển trên biên giới. Với những cống hiến không ngừng nghỉ cho biên giới, sự đồng hành chặt chẽ đầy yêu thương bên cạnh người lính Biên phòng, già làng Rơ Châm Hloăk xứng đáng được xem là “hòn đá tảng” trong xây dựng thế trận Biên phòng ngày càng vững chắc bên dòng sông biên giới Pô Cô.

Trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, già làng Kloong là một trong những nhân tố điển hình của xã Ia O trong tổ chức phong trào toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, cảm hóa các đối tượng thanh, thiếu niên hư hỏng, cũng như nêu gương những điển hình tiên tiến vượt khó học giỏi, chăm chỉ làm giàu, không tham gia tiếp tay, mua bán hàng hóa trái phép qua biên giới, không khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO