Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 07:21 GMT+7

Người lưu dấu văn hóa Ê Đê

Biên phòng - Nằm ngay đầu buôn A Ko Dhong giữa lòng TP Buôn Ma Thuột là một ngôi nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê. Theo chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên, chủ nhân ngôi nhà đó là chị H'Len Niê. Bên cạnh là khách sạn Yang Sin được xây dựng theo đường nét văn hóa đặc trưng vùng đất Đắk Lắk, đã tôn thêm vẻ đẹp của ngôi nhà dài truyền thống bằng gỗ của H'Len. Mỗi lần du khách đến Buôn Ma Thuột, vào thăm buôn A Ko Dhong, đều được thưởng thức những âm thanh của dàn chiêng do đội nghệ nhân trong buôn phục vụ. Ngôi nhà đó là cả một bộ sưu tập, hay nói cách khác, đó là một bảo tàng dân tộc của người Ê Đê tương đối đầy đủ, về những vật dụng sinh hoạt đời thường.

f4q5_9-1.jpg
Chị H'Len giới thiệu với du khách những sản phẩm văn hóa của người Ê Đê. Ảnh: Nguyễn Liên

H'Len cho biết, những vật dụng được bày ra trước sàn nhà bao gồm: Gùi, cối gỗ, nia, ghế Kpan, giàn bếp, giàn đựng bầu nước, khung dệt, se chỉ, đồ trang phục nam nữ truyền thống được H'Len mới mua về với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Số tiền ấy mua sắm những thứ chỉ để bày cho hay thôi không phải là chuyện dễ với nhiều người. Ngay trong gia đình H'Len ngày đầu tiên cũng gặp không ít khó khăn, vì chưa được các thành viên trong gia đình ủng hộ, do kinh tế còn khó khăn chứ không phải ý thức bảo tồn!

Buôn A Ko Dhong được coi là buôn điển hình về văn hóa của người Ê Đê, có nhiều trí thức từ thời thuộc Pháp. Sau chiến tranh, nhiều gia đình ở đây cuốn vào dòng chảy di cư ra nước ngoài nên cũng có thể đánh giá đây là buôn giàu nhất so với các buôn làng Ê Đê khác ở Đắk Lắk. Tuy có nhiều nhà xây hiện đại mọc lên, nhưng bên cạnh mỗi ngôi nhà xây đó vẫn còn lưu lại căn nhà sàn truyền thống.

Tuy ảnh hưởng nền văn hóa ngoại lai, nhưng trong buôn vẫn giữ được nét đặc trưng của dân tộc mình, có một đội văn nghệ truyền thống gồm các tay chiêng, tay đàn Đing Năm của những nghệ nhân với bộ đồ truyền thống của người Ê Đê sẵn sàng phục vụ mỗi đợt có lễ hội, ngày vui của dân tộc hoặc theo yêu cầu của các đoàn khách đến thăm buôn.

Dù vậy, ý thức bảo tồn vẫn không lưu lại trong đầu một số người theo trào lưu tiếp nhận nền văn hóa ngoại lai. Chiêng, ché dần theo đó mà chảy đi, đặc biệt là từ khi đạo Tin lành thâm nhập (không cúng tế, lễ hội, không thờ tổ tiên).

Mỗi khi nhìn thấy chiếc chiêng hay ché chuyển ra khỏi buôn theo con đường người mua đồ cổ hoặc tệ hại hơn theo gánh hàng của những người mua đồng nát, H'Len tiếc đứt ruột, vì đó là gia bảo của dân tộc cô. Đời sau, con cháu mình liệu có còn hiểu thế nào là bản sắc của dân tộc mình nữa nhỉ?! Hay là đồng hóa với dân tộc khác rồi? Không thể để mất đi như thế được, nếu đợi khi có điều kiện mới làm thì số tài sản quý ấy của dân tộc sẽ mất dần mất mòn đi.

Nghĩ vậy, H'Len bắt đầu có ý thức săn lùng, đến buôn làng nào, vào gia đình nào có chiêng, ché, những vật dụng mang tính truyền thống là cô gợi ý mua lại. H'Len còn nhờ cánh mua nhôm nhựa, đồng nát hỏi mua giùm, từ con đường này mà cô đã tích lũy được khá nhiều vật dụng quý của dân tộc mà người ta bỏ đi.

Dòng máu Ê Đê chảy trong người H'Len nóng hổi, từ nhỏ cô đã được biết về những vật dụng sinh hoạt của dân tộc mình. Cô thấy ấm lòng mỗi lần tiếng chiêng ngân vang như mời gọi, lẫn trong lời hát Ayray của mẹ. Bếp lửa không những là nơi để cả gia đình quây quần sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, mà còn là nơi đón tiếp bạn bè, buôn làng đến mang theo những khúc hát, tiếng chiêng chào bạn làm cho ngọn lửa sáng hơn, ấm hơn trong lòng mỗi người.

Có lần gia đình cô có khách, nghe tin, dân làng kéo đến chơi, không ai bảo ai, chiêng để sẵn dưới gầm ghế Kpan, họ cầm lên xập xèng, tiếng chiêng hòa âm dội vào không gian như lời mời gọi dân làng kéo đến mỗi lúc một đông hơn. Có người cao hứng ngân lên làn điệu Ayray. Cả dàn chiêng nổi lên rộ hơn, bên bếp lửa, cần rượu lại thi nhau vít xuống, thịt nướng thơm phức lan tỏa... ai đó bật bung tiếng đàn Đing Năm, tiếng sáo vi vút... làm khơi gợi biết bao kỷ niệm trong suốt tuổi thơ của cô.

Lớp trẻ bây giờ, về sau nữa có còn nhận ra những hình ảnh đó hay hưởng thụ không gian ấm áp này nữa không? Ngay bây giờ chiêng, ché, cả Kpan đang lần lượt rời xa mỗi gia đình chỉ vì miếng cơm manh áo trước mắt, đã đẩy những thứ gia bảo đến những nơi không đáng trân trọng chút nào, trong khi nhiều người vẫn dửng dưng. Hoa cúc quỳ đã vàng rộ khắp nơi, mùa này bắt đầu mùa Tết của người Tây Nguyên, âm thanh cồng chiêng ở các buôn làng bắt đầu vào hội.

Trước kia, vào mùa này, các cô gái như H'Len đã sắm bộ váy áo đẹp nhất đến tham gia các lễ hội đón Tết với buôn làng. Lòng H'Len nhói lên thương cho dân tộc mình đang mất dần đi truyền thống, dòng máu trong con tim không ngừng chảy, thôi thúc H'Len cần bảo tồn gìn giữ.

Việc làm âm thầm của H'Len cuối cùng được gia đình ủng hộ. Cô cũng chỉ mong các con cô có ý thức bảo vệ lấy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không có gốc thì làm sao có ngọn được. Hiện nay, H'Len đang xây dựng thêm khu nhà sàn. Theo cách nghĩ và ao ước của cô, H'Len sẽ sưu tầm tất cả các hiện vật, sản phẩm vật dụng, tranh ảnh xưa và nay liên quan đến người Ê Đê để trưng bày tại khu nhà này. H'Len sẽ mở quán cà phê để khách đến thăm buôn A Ko Dhong thưởng thức hương vị cà phê do chính người Ê Đê trồng, chế biến, vừa chiêm ngưỡng các sản phẩm văn hóa của người Ê Đê như vải thêu, vật dụng sinh hoạt...

Không dừng lại đấy, khu vườn sau nhà là một không gian thích hợp để H'Len tổ chức lửa trại với dàn chiêng, múa xoang, cùng ẩm thực thịt nướng, cơm lam để phục vụ du khách. Theo quan niệm của cô, muốn giới thiệu với khách gần xa hiểu về văn hóa của người Ê Đê không chỉ ở quần áo, vải thêu, chiêng ché, mà còn có cả ẩm thực truyền thống. Đây là hoạt động mang tính chất bảo tồn chứ không mang tính kinh doanh.

Trước đây, đã từng có một đồng nghiệp muốn tìm hiểu viết về bản sắc văn hoá Ê Đê, tôi liền đưa tới nhà H'Len. Được H'Len nhiệt tình giới thiệu từng loại vật dụng và ý nghĩa của nó, cô nhà báo nọ đi rồi mà vẫn lưu luyến với căn nhà trưng bày, lưu luyến với cả chủ nhân cùng lời giới thiệu cuốn hút.

Hôm sau, có đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương vào thăm Tây Nguyên, điện cho tôi trước lúc lên đường rằng nhờ tôi "bám" đoàn, hướng dẫn để văn nghệ sĩ đồng bằng sông Hồng hiểu về vùng đất Tây Nguyên. Tôi nghĩ mãi, đi thăm Bản Đôn là chắc rồi, bởi đến Đắk Lắk mà lại không thấy con voi Bản Đôn thì coi như chưa biết Đắk Lắk. Thăm thác cũng là nơi nhiều người muốn đến, nhất là đối với khách đồng bằng. Còn để hiểu về văn hóa vùng đất, tôi nghĩ ngay đến buôn A Ko Dhong.

Dù đi thác về đã muộn, bữa tiệc đón bạn của lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đang chờ, nhưng tôi vẫn quyết định đưa đoàn đến thăm nhà H'Len để được chiêm ngưỡng những vật dụng của người Ê Đê mà bây giờ đã trở thành của hiếm hoi. Những mong, đây cũng là một tài sản vô giá cả về vật thể lẫn phi vật thể đang rất cần sự chung tay của mọi người bảo tồn, giữ gìn.
Nguyễn Liên

Bình luận

ZALO