Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:15 GMT+7

Người may cờ Tổ quốc trên tuyến lửa Vĩnh Linh

Biên phòng - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngọn cờ Tổ quốc nơi tuyến lửa Vĩnh Linh thực sự là ngọn cờ "in máu chiến thắng mang hồn nước". Thủa ấy, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nơi đầu cầu Hiền Lương trở thành điểm tựa, niềm tin của hàng triệu đồng bào nơi bờ Nam sông Bến Hải. Muốn hủy diệt lá cờ, hủy diệt trái tim Tổ quốc trong lòng đồng bào miền Nam, Mỹ, ngụy huy động các loại máy bay để đổ xuống Vĩnh Linh nhỏ bé hàng ngàn tấn bom đạn các loại trong hơn 1.000 ngày đêm. Vậy mà quân và dân Vĩnh Linh, đặc biệt là những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã bảo vệ lá cờ bằng mọi giá. Đồng chí Nguyễn Đức Lãng, một chiến sĩ giới tuyến năm xưa cũng có những ký ức của riêng mình với những tháng ngày miệt mài may cờ giới tuyến.

1sg4_19a
 Ông Nguyễn Đức Lãng - người chiến sĩ hậu cần CANDVT làm nhiệm vụ may cờ giới tuyến năm xưa. Ảnh: Tuệ Lâm

Ngày đó, chiến đấu với lời thề quyết tử: "Ngày nào tim còn đập thì lá cờ còn bay", những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ngọn cờ giới tuyến đã làm kẻ thù kinh ngạc, thế giới ngợi ca. Khó lòng kể hết được biết bao tấm gương hi sinh như các đồng chí Nguyễn Bảo, Lê Lai, Lê Văn Liêm… để bầu trời Vĩnh Linh không một phút giây vắng bóng cờ. Không đếm được bao tấm lòng, bao trái tim người dân Vĩnh Linh như o Diệm, chị Sen bám trụ cùng người chiến sĩ giới tuyến, ngày đêm miệt mài vá cờ, tham gia lao động, chiến đấu để xây đắp lên một lũy thép anh hùng. Sau khi tham dự lễ thượng cờ trên cột cờ mới bên sông Bến Hải trong ngày hội thống nhất non sông, chúng tôi đã theo chân những chiến sĩ Biên phòng Quảng Trị tìm đến căn nhà nhỏ bình dị ở khu phố 9, phường 5, thành phố Đông Hà để gặp đồng chí Nguyễn Đức Lãng.

Chàng trai người Cam Hiếu, Cam Lộ ngày nào phơi phới thanh xuân nhận nhiệm vụ ở Ban Hậu cần Khu CANDVT Vĩnh Linh giờ đã ngót nghét 80 tuổi, vóc người hao gầy mà tiếng nói thì vẫn sang sảng. Ông kể rằng, năm 18 tuổi, từ quê nhà - một huyện ở phía Nam sông Bến Hải, ông đã vượt tuyến ra Bắc và trở thành công nhân của Hợp tác xã may Nam Hồng, đóng tại thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh). Năm 1959, ông được điều về công tác tại Ban Hậu cần của CANDVT Vĩnh Linh. Nhập ngũ chưa được bao lâu, ông được cấp trên giao nhiệm vụ ra đơn vị K101 ở Hà Nội để nhận cờ về treo trên cột cờ Hiền Lương. Cờ treo trên cột làm bằng thân cây phi lao có diện tích 4,8m x 3,2m và loại 4m x 6m dùng để treo trên cột cờ bằng sắt. Phía địch khó chịu, tìm cách nâng cao cờ của chúng ở bờ Nam. Nhưng mỗi lần chúng cho dựng cột cờ mới cao hơn cột cờ của ta là chiến sĩ ta lại lặn lội lên rừng tìm cây gỗ cao hơn, to hơn về dựng cột cờ. Cho tới năm 1962, khi cột cờ của ta cao đến 38,6m và diện tích của lá cờ rộng tới 96m2 thì phía địch đành chịu vì chúng không đủ can đảm để leo lên treo cờ ở độ cao như thế. 

Ngày đó, giao thông thời chiến vô cùng khó khăn, các tuyến đường huyết mạch bị đánh phá dữ đội nên ông Nguyễn Đức Lãng được phân cho một chiếc xe đạp để ra Quân khu 4 nhận cờ. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với sự tàn phá của đạn bom địch dội về, bình quân, mỗi năm các chiến sĩ CANDVT Hiền Lương phải treo gần 30 lá cờ trên cột cờ giới tuyến, vào mùa gió Lào thì cờ mau bạc, mau rách hơn. Sau này, để thuận tiện và chủ động hơn trong việc đảm bảo lúc nào cũng sẵn sàng có cờ thay thế khi bị bom đạn bắn rách, Bộ Tư lệnh CANDVT quyết định cấp tiền cho lực lượng CANDVT Vĩnh Linh tự mua vải về để may cờ. Vậy là chiếc xe đạp lại cùng người chiến sĩ hậu cần giới tuyến ấy đi mua vải rồi mang về đặt may ở Hợp tác xã may Nam Hồng với giá tiền công là 15 đồng một lá cờ. "Thời điểm đó, tôi thường một mình đạp xe vượt mấy trăm cây số để nhận cờ về treo. Nhưng rồi chiến tranh ngày một ác liệt, để đảm bảo có cờ treo liên tục 24 giờ/ngày, từ nhiệm vụ nhận cờ, tôi chuyển sang nhận vải về để may cờ" - Ông Lãng nhớ lại

Là người phải tính toán thiệt hơn giữa lúc ngân sách chi cho việc may cờ còn eo hẹp, mà cờ lại cần thay thường xuyên, ông Lãng nhận thấy tiền công may cờ như vậy là quá lớn nên đã loay hoay tìm cách giảm chi phí. Vậy là chàng thanh niên ấy đã quyết định tự học để may cờ. Khi đã may thạo thì còn phải ra Hà Nội trình bày kế hoạch may cờ. Khi được cấp trên đồng ý, Ban Hậu cần CANDVT Vĩnh Linh cấp cho ông một chiếc máy khâu, còn vải thì nhận ở Ty Thương nghiệp Vĩnh Linh. Ông kể: "Trung bình 5 ngày tôi hoàn thành 2 lá cờ. Một lá cờ may hết 122m vải đỏ và 12m vải vàng. Do không mua được vải xoa nên tôi phải sử dụng vải của Dệt Nam Định, mỗi biên cờ phải may đến 5 - 6 đường chỉ mới hy vọng chịu nổi sức gió nên người may cờ phải tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Khi may xong, lá cờ có trọng lượng đến 12kg và lập tức được chuyển về Hiền Lương để anh em kịp thời treo lên thay lá cờ đã bị gió đánh rách hoặc do địch bắn phá".

Ngoài lá cờ đại ở Hiền Lương, ông Lãng còn có nhiệm vụ may những lá cờ cỡ 4m x 6m để cung cấp cho các đồn Mũi Si, Cửa Tùng, Cù Bai, Huỳnh Thượng, Phát Lát… Giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, địch ngày càng leo thang ra đánh phá ác liệt, vùng giới tuyến Vĩnh Linh trở thành vùng đất lửa hứng chịu ngàn vạn đợt oanh kích của kẻ thù. Vừa may cờ mới, các chiến sĩ CANDVT Hiền Lương vừa nhờ nhân dân vá cờ. Lá cờ của ông Lãng may dưới đôi tay vá khéo và tấm lòng của các chị, các mẹ Vĩnh Linh đã lại tiếp tục tung bay trên bầu trời giới tuyến. Năm 1968, ông Lãng được cử ra miền Bắc học rồi lại về Vĩnh Linh tiếp tục nhiệm vụ may cờ Tổ quốc cho đến năm 1973. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh phát động, ông được cấp trên điều động vào với chiến trường Khu 5 và được bổ sung vào lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Phú Yên.

Tham gia giải phóng và tiếp quản khu vực biên giới, bờ biển Khu 5, khi tình hình ổn định, ông Nguyễn Đức Lãng về làm trợ lý hậu cần lực lượng CANDVT tỉnh Phú Khánh. Năm 1979, do sức khỏe không đảm bảo, ông được  nghỉ hưu khi đang mang cấp hàm Trung úy. Ông đưa vợ con trở lại quê nhà và sinh sống tại Đông Hà từ đó đến nay. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, nhiều năm liền là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 5, thành phố Đông Hà và Bí thư Chi bộ khu phố 9.

su62_19b
Chiếc xe đạp kỷ vật ông Lãng đã sử dụng để đi mua vải, may cờ và ra Hà Nội báo cáo kế hoạch may cờ. Ảnh: Tuệ Lâm

Cùng chúng tôi đi thăm Bảo tàng Vĩ tuyến 17, ông Lãng chỉ vào chiếc xe đạp đã gắn bó với mình gần nửa cuộc đời, cùng mình bao phen vào sinh ra tử. Không chỉ cùng ông đi nhận vải, may cờ, mà từ năm 1965 chiếc xe ấy còn mỗi năm hai lần đưa ông ra Bộ Tư lệnh CANDVT tại Hà Nội để báo cáo về việc may cờ. Vượt qua nhiều hiểm nguy bất trắc, từ Vĩnh Linh, ông cùng với đồng đội cắt rừng đi theo đường giao liên cho tới khu vực Nông Cống, Thanh Hóa thì mới đạp xe trên đường quốc lộ. Tối dừng lại mắc võng dọc đường mà ngủ. Mỗi đợt đi là mất cả tuần, thậm chí có lần 10 ngày vì gặp máy bay bắn phá. Có lúc cả người cả xe ngã dúi dụi vào bụi cây hoặc giao thông hào tránh bom.

"Mình cứ tâm niệm rằng, cột cờ lúc nào cũng phải có lá cờ tung bay phấp phới và mọi khó khăn đều được chúng tôi vượt qua với tinh thần như thế" - Lời tâm sự chân thành của người cựu chiến binh CANDVT đã khiến cho chúng tôi hiểu thêm nhiều điều. Và hàng vạn người dân Vĩnh Linh, hàng nghìn chiến sĩ giới tuyến ngày ấy cũng đã luôn nghĩ như ông Lãng, để suốt cuộc trường chinh vĩ đại hơn 20 năm chống Mỹ, ngọn cờ Hiền Lương đã luôn là biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là đôi tay vẫy gọi nhân dân miền Nam giữ vững niềm tin và hi vọng vào một ngày độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO