Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 04:44 GMT+7

Người trấn giữ biên cương bằng ngòi bút

Biên phòng - Một ngày đầu đông, khi đã bước vào tuổi 84, lão nhà văn Lương Sĩ Cầm dành tặng tôi một bất ngờ. Đó là tập tiểu thuyết đồ sộ dày gần 600 trang mang tên “Đèn kéo quân”, viết về giai đoạn chiến đấu ác liệt của quân và dân Liên khu V trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đầu xuân năm 1954. Sáng tác hơn 20 tác phẩm văn học có giá trị về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, một đời binh nghiệp - văn nghiệp sắt son với màu áo lính biên phòng và nhân dân biên giới, không một nẻo đường biên cương nào trên dải đất hình chữ S mến yêu này chưa in dấu chân ông...

 9218a.gif
 Những phút thảnh thơi bên bè bạn của nhà văn Lương Sĩ Cầm (ngoài cùng, bên trái).

Tài hoa thủa ấy

Nghĩ về nhà văn Lương Sĩ Cầm cái thời “áo vải chân không đi lùng đánh giặc”..., không hiểu sao tôi lại nghĩ đến hình ảnh của một anh Vệ túm, Vệ xám (cách gọi yêu mến dành cho những người lính Vệ quốc đoàn sau Cách mạng tháng Tám), tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng và lòng yêu nước thương nòi. 15 tuổi, cầm trên tay tấm bằng Thành chung danh giá, chàng trai của miền đất La Giang “gạo trắng nước trong” (thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh và tham gia cướp chính quyền ở địa phương.

Năm 1946, Lương Sĩ Cầm có mặt trong đoàn quân Nam tiến và hoạt động tại mặt trận Đèo Cả. Các chiến sĩ của mặt trận khu V, khu IV ngày ấy đã chứng kiến một tình bạn, tình đồng đội đẹp của hai chiến sĩ trẻ mà sau này đều trở thành những nhà văn tên tuổi của quân đội nói riêng và văn đàn Việt Nam nói chung, đó là Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung và Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm. Nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi ấy, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung cho biết, ông và nhà văn Lương Sĩ Cầm có mặt trong tiểu đội xung kích đánh trận mở màn của đời chiến binh. Vốn được học hành từ nhỏ, lại giỏi tiếng Pháp, cả hai được coi là “lính trí thức” của Trung đoàn 803. Hồi đó, nhà văn Trần Mai Ninh, Trưởng ban tuyên truyền khu VI đã chọn hai người để bồi dưỡng viết báo, viết văn. Yêu văn chương và đầy hoài bão, họ nhanh chóng trở nên thân thiết và luôn yểm trợ cho nhau trong mỗi lần truy bức quân thù. Sau này, Lương Sĩ Cầm được rút hẳn về làm báo Xung phong của khu, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, ông còn được đơn vị giao nhiệm vụ “thông ngôn” mỗi khi ta bắt được tù binh Pháp và làm công tác địch vận.

Nếu có dịp gặp nhà văn Lương Sĩ Cầm, sẽ khó ai ngờ rằng, ông cụ có vóc dáng đậm thấp, ăn mặc đơn giản, thái độ luôn quan tâm đến người khác ấy lúc mới ngoài 20 tuổi đã giữ trọng trách Trại trưởng trại tù binh Âu Phi của Liên khu V đặt tại Quảng Ngãi. Phải quản lí hàng trăm tù nhân to khỏe giữa một nơi mà hàng rào, trại tù chỉ được dựng bằng tranh tre, nứa lá là một điều không hề đơn giản. Đã vậy, hàng tuần, vị trại trưởng trẻ tuổi ấy còn phải nhờ nhà dân để tổ chức những buổi lên lớp cho tù binh về chính sách khoan hồng của Chính phủ Việt Nam. Âm vực rộng và ngữ điệu “trọ trẹ” của miền quê Đức Thọ tỏ ra cực kì hữu dụng khi phát âm tiếng Pháp và đã có tác dụng rất lớn trong việc chuyển hoá tù nhân. Nhiều người tù sau này đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng quân dân Quảng Ngãi.

Đầu những năm 1954, khi cả nước dồn sức cho lòng chảo Điện Biên, những cánh quân của mặt trận khu V cũng thực hiện một hành trình ngược về nơi khởi nguồn của những dòng sông Nam Trung Bộ. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên giải phóng Kon Tum toàn thắng đã có tác dụng ghìm chân địch không thể đưa quân chi viện cho Điện Biên Phủ. Từng bước quân đi trên đất đỏ bazan, từng giọt máu hoà trong nước dòng Đắk Bla hung dữ, từng hạt lúa, củ mì mang tấm lòng của người dân Tây Nguyên hướng về cách mạng đã được người trinh sát trẻ Lương Sĩ Cầm lặng lẽ ghi lại, để rồi 63 năm sau, những kí ức ấy chảy tràn trên trang viết, tạo thành một dòng văn mang cảm hứng “giải thiêng” về một chiến thắng của chính nghĩa.

Đường văn mở lối

Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, năm 1954, Lương Sĩ Cầm theo đoàn quân chiến thắng tập kết ra Bắc, biên chế vào Sư đoàn 324. Thời kì ấy, phong trào viết về kỉ niệm sâu sắc của đời bộ đội được phát động rộng khắp toàn quân. Toàn Sư đoàn 324 chọn ra được ba tác phẩm tốt. Trung tá Phạm Hồng Cư, Chính ủy Trung đoàn có “Mẩu bút chì”, Trần Công Tấn (sau này cũng trở thành một nhà văn nổi tiếng) có “Voi thần, thần voi” và Lương Sĩ Cầm trình làng “Mỗi lần thứ sáu”. Không ngờ, bài viết vẻn vẹn có mấy trang viết tay ấy đã tạo nên một bước ngoặt cho đời văn của Lương Sĩ Cầm. Được điều lên làm báo của Sư đoàn, trong thời gian ấy, ông đã viết hai truyện ngắn đầu tay là “Y Ngun” và “Chuyến tuần tiễu đầu tiên”. Hai truyện ngắn này đã đoạt giải trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1957-1958 cùng với các nhà văn Phù Thăng và Xuân Thiều.

Tháng 3-1959, Lương Sĩ Cầm chuyển công tác sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang và trở thành một “chiến sĩ giới tuyến” quả cảm. Không lâu sau, ông được điều ra Hà Nội làm báo Công an vũ trang (nay là báo Biên phòng). Năm 1962, ông in tập truyện ngắn đầu tiên mang tên “Ánh lửa” gồm 8 truyện ngắn và được tham dự lớp viết văn trẻ Quảng Bá khoá đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là một trong những nhà văn đầu tiên của lực lượng BĐBP được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

 Là người làm báo, bước chân nhà văn Lương Sĩ Cầm đã in dấu trên hầu khắp dải biên cương. Thậm chí, ông cũng đã khoác ba lô theo đoàn quân của các chiến sĩ công an vũ trang chiến đấu tại mặt trận K5 trên đất bạn Lào và trên chiến trường Campuchia khốc liệt. Theo những bước chân ấy, lần lượt các tác phẩm mang hơi thở đời sống của người lính biên phòng đã ra mắt bạn đọc như: Đất rừng lau (truyện ngắn, 1963); Từ núi rừng Ba Tơ (ký, 1964); Lê Đình Chinh (truyện ký, 1980); Rừng biên giới (truyện, 1984); Người thợ săn (truyện, 1984); Trận đầu (tiểu thuyết, 1986); Sắc rừng A Bai (tiểu thuyết, 1986-1987, hai tập); Em vẫn chờ ngày cưới (tiểu thuyết, 1991)... Nhà văn Lương Sĩ Cầm đồng thời cũng là đồng tác giả của hàng trăm trang ký sự trong tập ký sự Chiến sĩ biên phòng giai đoạn 1959-1975. Ngoài ra, ông còn viết hàng chục kịch bản phim tài liệu có giá trị và giành được giải thưởng tại liên hoan phim toàn quốc như “Ngọn cờ giới tuyến”; “Đầu nguồn sông Mã”; “Nụ cười Bay on”; “Đường về”... và làm cố vấn cho bộ phim truyện “Trên vĩ tuyến 17”. Đặc biệt, bộ phim tài liệu “Trạm gác chân đèo” do ông viết kịch bản còn nhận được giải thưởng tại Liên hoan Phim quốc tế Lép-xích (CHDC Đức) năm 1971.

Không biết sau cuốn tiểu thuyết thứ 5 mang tên “Đèn kéo quân” mà ông âu yếm gọi là “anh chàng khổng lồ”, lão nhà văn Lương Sĩ Cầm đã chịu gác bút hưởng thanh nhàn chưa. Nhưng xem ra điều ấy thật khó, bởi non nước biên phòng và những phận người nơi phên giậu vẫn néo buộc vào ông không dứt. Trong phòng văn ắng lặng, bên người vợ tào khang, những dòng văn bình dị, thuần phác của ông vẫn không ngừng hiện lên dưới nét bút nghiêng mềm mại. Lặng lẽ suốt một đời, ngòi bút ấy đã trấn giữ biên cương theo một cách rất riêng mà không kém phần tài hoa, vạm vỡ.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO