Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:57 GMT+7

Nguồn nội lực đang bị lãng phí

Biên phòng - Thông tin Quốc hội đang rà soát và có kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai 2013. Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đánh giá lại hàng loạt quy định liên quan về xây dựng, quy hoạch, đầu tư... đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đặc biệt quan tâm.

Bởi đây là quyết định đúng đắn nhằm xử lý các bất cập, tồn tại, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đất đai, để đất đai được sử dụng, khai thác hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước và an cư của người dân.

Theo giới đầu tư, rất nhiều dự án phát triển đô thị được triển khai đã mang lại bộ mặt khang trang, hiện đại cho các địa phương. Tuy nhiên, cũng có hàng trăm dự án “treo” vì nhiều lý do đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả quản lý đất đai của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp về đất đai của người dân.

Nhìn từ góc độ tài chính, nguồn thu từ đất đai đang chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng thu ngân sách: năm 2020 là 254.854 tỷ đồng (bằng 16,91%), so với năm 2013 là 63.681 tỷ đồng (bằng 7,8%). Mặc dù vậy, những con số này vẫn chưa nói lên tất cả tầm quan trọng của nguồn tài nguyên đất đai đối với đời sống kinh tế - xã hội.

Việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra ở một số nơi...

Bên cạnh đó, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Xin đơn cử, thống kê của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (Horea), từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 126 dự án không thể triển khai do vướng quy định tại khoản 1 và khoản 4, Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư có 100% đất ở.

Điều này dẫn đến không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại với các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải đất ở. Dự án ách tắc dẫn đến doanh nghiệp bị đọng vốn. Chính người dân - khách hàng là người chịu thiệt. Nhà nước cũng thiệt hại vì không thu được thuế do dự án bị ách tắc.

Mặt khác, cũng khó thu hồi dự án chậm triển khai. Cho dù pháp luật về đất đai quy định, quá 3 năm chủ đầu tư không triển khai dự án thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét thu hồi. Thế nhưng, cũng có quy định cho phép chủ đầu tư gia hạn dự án nếu đủ điều kiện.

Ngoài ra, đối với các chủ đầu tư xin dự án rồi chuyển nhượng để thu lợi, pháp luật có nhiều quy định để hạn chế, giám sát; nhưng nếu việc chuyển nhượng thông qua mua bán cổ phiếu, cổ phần để nắm chi phối dự án thì khó ngăn chặn...

Theo các chuyên gia, đây là những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm thi hành Luật Đất đai 2013. Nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Rõ ràng, sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, cần nhận thức đúng về sở hữu đất đai; không nhất thiết phải đổi từ sở hữu toàn dân sang đa sở hữu và chấp nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai.

Bất động sản khác với các loại tài sản khác là có sự chia sẻ quyền giữa Nhà nước, cộng đồng và người sử dụng đất. Mỗi mảnh đất, dù nhỏ đến đâu, cũng là một phần bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia nên chủ sử dụng không thể chuyển nhượng nếu vi phạm nguyên tắc tối thượng đó.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO