Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 01:48 GMT+7

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023):

Nhà mẹ Thung ở dưới tán rừng A Bung

Biên phòng - Mẹ Việt Nam Anh hùng Căn Thung (thôn Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã ngoài 100 tuổi, trí óc không còn minh mẫn, nhưng khi thấy những người lính mang sắc phục Biên phòng, mắt mẹ ánh lên niềm vui. Suốt những năm qua, những người con này luôn chăm sóc, lo lắng cho mẹ. Và tình cảm ấy như liều thuốc tinh thần giúp mẹ Thung “xoa dịu vết thương lòng" bởi chiến tranh tàn khốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay luôn dành tình cảm tri ân những hy sinh, mất mát của mẹ Thung. Ảnh: Trúc Hà

Vào một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Căn Thung, người phụ nữ Pa Cô đã có chồng, 2 con trai và em trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện không dễ dàng vì mẹ không còn minh mẫn. Người con trai út Hồ Xuân Quang cũng không biết gì hơn, bởi khi cha và các anh trai hy sinh thì ông còn quá nhỏ. Cho đến tận bây giờ, những gì ông Quang biết chỉ là thông tin ghi trên tấm bằng Tổ quốc ghi công được gửi về cho gia đình và nay được ông gìn giữ như báu vật.

Lần giở những tấm bằng Tổ quốc ghi công mới phần nào thấu hiểu nỗi mất mát của mẹ Thung. Chiến tranh, những người đàn ông Pa Cô ở A Bung lần lượt rời xa gia đình để ra chiến trường chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược. Chồng của mẹ Thung là Côn Thung và 2 con Hồ Văn Thung, Cu Tỏa lần lượt ra mặt trận. Một chiều tháng 4/1961, mẹ Thung nhận tin dữ, con trai thứ 2 là Cu Tỏa, Tiểu đội trưởng du kích xã A Bung hy sinh. Nỗi đau dần nguôi ngoai theo năm tháng vì mẹ biết rằng con trai của mẹ hy sinh không vô nghĩa, tất cả vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc. Thế nhưng, tháng 7/1969, mẹ Thung một lần nữa đau đớn nhận tin con trai cả Hồ Văn Thung hy sinh đi đang vận chuyển vũ khí cho bộ đội. Rồi chưa đầy 5 tháng sau, mẹ gần như không thể đứng vững khi hay tin chồng hy sinh ngoài mặt trận.

Chồng mất và 2 con trai đều hy sinh khi chưa lập gia đình, căn nhà chỉ còn mẹ và cậu con trai út Hồ Xuân Quang chưa đầy 10 tuổi. Tình thương, niềm vui, niềm tin của mẹ Thung dồn lại cho con trai út và những người lính Cụ Hồ. Dường như biết nỗi đau mất mát của mẹ Thung, nên mỗi khi có đoàn quân vào Nam chiến đấu, chính quyền địa phương đều bố trí các anh bộ đội đến nhà mẹ để nghỉ ngơi. Vì đã được nói trước, nên các anh ai cũng dành tình cảm với mẹ. Nói là nghỉ ngơi nhưng lại tranh giúp mẹ sửa lại cái cửa, đóng lại cái cầu thang cho chắc chắn.

Mọi người cũng dành sự quan tâm như một sự bù đắp cho cậu bé Hồ Xuân Quang mất cha khi còn quá nhỏ. Mỗi lần nhà có bộ đội nghỉ dừng chân, mẹ lại tất tả lên nương lấy rau, hái bí. Nhà có con gà, mẹ cũng làm thịt cho bộ đội ăn như lời Bác Hồ dạy “ăn no đánh thắng”. Chao ôi, tấm lòng của người mẹ cao cả, rộng lớn như đại ngàn Trường Sơn này.

Ông Hồ Xuân Quang hồi tưởng lại, dù còn nhỏ nhưng đã cảm nhận được sự ác liệt của chiến tranh, nhất là những năm gần giải phóng. A Bung là nơi con đường mòn Trường Sơn đi qua nên phải hứng chịu bom rất nhiều. Mỗi lần bom nổ, du kích đưa người dân chạy vào rừng ẩn nấp. Có lần nằm trong hầm, ông Quang nghe tiếng máy bay ném bom từ xa đến gần, song lạ một điều là mặt đất rung chuyển dữ dội nhưng không nghe thấy bom nổ nhiều. Khi trời sáng, hai mẹ con bước ra khỏi hầm thì lại thấy tan hoang, hố bom sâu hoắm. Hóa ra vì bom nổ quá gần, hai mẹ con đã bị mất thính giác. Thế là, mọi người trong bản phải nói chuyện bằng cách ra hiệu cho đến khi thính giác phục hồi.

Năm 1967, ngày càng có nhiều đoàn quân vượt Trường Sơn để vào Nam chiến đấu. Và bản Ty Nê cũng như các bản làng khác dọc theo dãy Trường Sơn luôn mở rộng vòng tay, trở thành điểm dừng chân cho những người lính giải phóng quân. Khi ấy, đồng bào Pa Cô ít người biết tiếng phổ thông và ngược lại, nhưng điều ấy chưa khi nào là rào cản hay tạo ra khoảng cách giữa bộ đội và người dân. Bộ đội sau khi xin phép cứ vào nhà treo võng, đến bữa nấu cơm rồi cả nhà cùng ăn. Những đứa trẻ thỉnh thoảng lại được các chú bộ đội cho miếng đường hoặc gói lương khô.

Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Thảo và Mẹ Việt Nam Anh hùng Căn Thung. Ảnh: Trúc Hà

Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng ông Quang vẫn không thể quên vị ngọt của đường và mùi thơm của lương khô. Đến những năm gần hòa bình thì đường Hồ Chí Minh xuất hiện những chiếc xe ô tô vận tải. Thích nhất vẫn là những đứa trẻ khi được các chú bộ đội cho ngồi lên cabin chở đi một vòng. Những đoàn quân Nam tiến chỉ ở lại vài ngày hoặc nửa ngày lại đi tiếp, dù thời gian ngắn ngủi nhưng để lại tình cảm vô cùng tốt đẹp, mấy mươi năm trôi qua vẫn in sâu trong lòng đồng bào để rồi hôm nay kể lại cho con cháu cùng nghe.

Mẹ Thung ở trong căn nhà cấp 4 nhỏ nhưng rất xinh xắn. Đây là căn nhà do Sư đoàn 968 (Quân khu 4) xây tặng năm 2011. Chính diện căn nhà là bàn thờ Bác Hồ có cờ Tổ quốc và xung quanh treo nhiều ảnh kỷ niệm của các đoàn đến thăm. Bởi vậy, dù mẹ Thung ở một mình nhưng căn nhà vẫn rất ấm cúng.

Chúng tôi thắc mắc sao nhà đã xây lâu mà vẫn còn rất mới, ông Hồ Xuân Quang cho biết: “Ở đây, mùa Đông lạnh lắm, mẹ già rồi nên phải ngồi bếp lửa cả ngày. Khói lắm, chúng tôi muốn đưa mẹ lên nhà sàn, nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo, mẹ không đi đâu, mẹ muốn ở căn nhà mà các con bộ đội xây cho. Bởi vậy mà sau mỗi mùa Đông, những người con Biên phòng lại đến dọn dẹp nhà cho mẹ”.

Đến nay, ông Hồ Xuân Quang là người chịu trách nhiệm việc phụng dưỡng mẹ Căn Thung và thờ cúng liệt sĩ Côn Thung, Hồ Văn Thung và Cu Tỏa. Vì sức khỏe không tốt nên chỉ quẩn quanh ở nhà, bởi vậy mà mỗi khi gia đình có việc, nhất là khi mẹ Thung ốm đau, ông đều gọi điện cho Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị để cậy nhờ. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh có cha chiến đấu và hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị khi anh mới 1 tuổi. Trong đơn vị cũng có những cán bộ, chiến sĩ là thương binh, là con gia đình chính sách. Sự đồng cảm của những người mất mát vì chiến tranh khiến tình cảm với mẹ Thung càng gần gũi.

Từ việc lớn sửa nhà đến việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ, hay ngày lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay luôn quan tâm chu đáo. Sự quan tâm của người lính còn là những buổi ghé thăm mẹ Thung “chẳng nhân dịp gì”. Khi thì chuyển túi quà của mạnh thường quân, có khi chỉ là ghé vào nhà nhìn thấy mẹ vẫn khỏe là vui rồi.

Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Thảo (nhân viên kiểm thể) mới nhận công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhưng mỗi khi có dịp, chị lại đến thăm mẹ Thung. Chị bảo rằng, mẹ Thung không có con gái, chị là quân nhân nữ duy nhất của đơn vị nên chị sẽ là con gái của mẹ.

Còn đối với Thiếu tá Nguyễn Xuân Dũng, dường như càng gần đến ngày nghỉ hưu, tình cảm với mẹ Thung lại càng quyến luyến. Anh bảo: Tôi là lái xe nên mỗi khi mẹ cần đi viện hay có khách muốn đến thăm mẹ, tôi đều là người chở. Tình cảm cứ nhiều hơn sau mỗi lần gặp mẹ. Tự lúc nào chúng tôi ai nấy đều coi mẹ như người thân. Chúng tôi chỉ mong mẹ khỏe để được phụng dưỡng mẹ lâu hơn nữa....

Trúc Hà

Bình luận

ZALO