Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:31 GMT+7

Nhật ký chống bão ở tâm dịch Covid-19

Biên phòng - Thành phố Đà Nẵng vừa trải qua những ngày cách ly chống dịch Covid-19 lại phải gấp rút bước vào cuộc chạy đua với bão số 5 (tên quốc tế là Noul) được đánh giá là mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Và, dù  trong “trận chiến” nào thì những người lính Biên phòng Đà Nẵng cũng luôn ở tuyến đầu, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân trong khó khăn, thiên tai hay dịch bệnh.

Cán bộ BĐBP thành phố Đà Nẵng giúp dân di chuyển các phương tiện lên bờ tránh bão số 5. Ảnh: Trúc Hà

Trước ngày bão đổ

Từ ngày 15-9, các Trạm Thông tin liên lạc biển của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng, Đồn Biên phòng Phú Lộc, Đồn Biên phòng Sơn Trà hoạt động hết công suất. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin liên lạc biển và phối hợp với gia đình thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. BĐBP thành phố Đà Nẵng khẩn trương tổ chức kiểm đếm, nắm tình hình tàu thuyền ra khơi, đặc biệt là việc giữ thông tin liên lạc liên tục với các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển. Đến sáng 16-9, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã liên lạc được 1.242 tàu, trong đó, neo đậu tại bờ là 1.155 tàu và 87 /826 tàu hoạt động trên biển. Nắm bắt được tâm lý của một số ngư dân “không phải không biết bão nguy hiểm, nhưng tàu vừa mới ra khơi, giờ chưa đánh được cá mà quay vào bờ thì tiền dầu lấy đâu mà trả”, các đồn Biên phòng ngoài kênh liên lạc với ngư dân qua Trạm bờ còn liên hệ với các gia đình vừa vận động, vừa kiên quyết yêu cầu các tàu vào bờ hoặc phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Phòng làm việc của trực ban tác chiến BĐBP thành phố Đà Nẵng lúc nào cũng sáng đèn.

Ngày 17-9, thành phố Đà Nẵng bắt đầu mưa. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu làm việc với BĐBP thành phố Đà Nẵng để nắm tình hình công tác ứng phó với bão số 5 trên địa bàn khu vực biên giới biển của thành phố. Trực tiếp Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng đưa đồng chí Nguyễn Văn Quảng xuống thị sát, kiểm tra việc chống bão ở âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và Trạm Kiểm soát Biên phòng Công Trình 15. Đồng chí đánh giá rất cao về những kiến nghị, đề xuất của Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng. Đó là phải di dời 28 tàu kinh doanh dầu đang ở trong âu thuyền để đảm bảo an toàn cháy nổ cho các tàu còn lại. Rồi 30 tàu chở hàng đang neo đậu trên vịnh Đà Nẵng cũng phải có phương án, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như trên biển Quy Nhơn vào tháng 11-2017, thiệt hại cả tài sản và tính mạng của con người. Những người dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thấy đồng chí Phó Bí thư Thường trực đội mưa đi thị sát, ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa, không được lơ là, chủ quan.

Bám sát địa bàn trong mưa gió

Tại cuộc họp của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng diễn ra chiều 17-9, đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho BĐBP phối hợp với địa phương di dời 72.000 người dân, sinh viên, công nhân tại các khu dân cư ven biển, ven sông, các khu nhà trọ công nhân, sinh viên, khu nhà tạm và vùng thấp trũng, cử lực lượng hướng dẫn cho 28 tàu dầu rời âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Tất cả phải hoàn thành trước 20 giờ cùng ngày. Rất nhanh chóng, Đại tá Trần Công Thành đã truyền đạt lại ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh với Đại tá Tôn Quốc Khánh để nhanh chóng triển khai lực lượng. Đến 18 giờ, tất cả tàu dầu đã được BĐBP thành phố Đà Nẵng sử dụng ca nô, dẫn dường tới neo đậu nơi an toàn. Cả ngày dầm mình trong mưa giúp dân chằng chống nhà cửa, di chuyển ghe, thuyền thúng, ai ấy cũng mệt rã rời. Vậy nhưng, khi có lệnh, tất cả lại mặc áo mưa xuống địa bàn. Gọi là mặc áo mưa cho khỏi lạnh trước gió mỗi lúc một to vì mưa cả ngày, nước thấm qua áo mưa, quân phục cứ tự ướt rồi tự khô.

Khu vực ven biển quận Liên Chiểu từng là nơi thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão lịch sử Sangsan tháng 10-2006 nên người dân rất tích cực chống bão, nghe theo hướng dẫn sắp xếp của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Hải Vân. Lúc này, công năng của “nhà 3 trong 1” (tòa nhà với 3 chức năng gồm sinh hoạt cộng đồng, phòng khám quân dân y kết hợp và nhà tránh thiên tai do Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng vận động xây dựng trị giá hơn 3 tỷ đồng) được phát huy tối đa. Theo chỉ thị của thành phố, quận Liên Chiểu hơn 3.000 người dân thuộc diện phải sơ tán. Các hộ dân tổ 9 phường Hòa Hiệp Nam (nơi sinh sống của các hộ dân từ làng Hòa Vân định cư mấy năm nay) được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân di chuyển đến nơi an toàn ngay trong buổi chiều.

Thiếu tá Kiều Duy Tiến, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hải Vân chia sẻ: “Suốt mấy tháng qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị căng mình chống dịch Covid-19. Cho đến tận chiều 17-9, khu cách ly Ký túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng hoàn thành sứ mệnh thì Đại úy Đặng Xuân Lợi, Phó Đồn trưởng và Thiếu tá Nguyễn Phương Thảo, Đội phó Đội Vũ trang mới về đơn vị. Trường hợp Thiếu tá Nguyễn Phương Thảo rất đáng khâm phục. Từ tháng 2-2020, anh thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Nam. Đầu tháng 8, khóa huấn luyện kết thúc, anh quay trở lại đơn vị cũng là lúc Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19. Thiếu tá Nguyễn Phương Thảo được cử đến thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly Ký túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng. Công việc cứ cuốn thời gian trôi đi, những tưởng sau gần 50 ngày làm nhiệm vụ đặc biệt này anh sẽ được nghỉ phép. Ấy thế mà vừa rời khu cách ly thì lại bước ngay vào việc chống bão. Vậy nhưng anh vẫn nói như động viên chính mình: “Có những cán bộ có người thân qua đời không về được, những tưởng hết dịch sẽ có thời gian về nhà làm việc hiếu thì một lần nữa phải hoãn lại để chống bão với nhân dân”.

Cả đêm 17 và sáng 18-9, mưa gió gầm, rít, tiếng sấm ầm oàng không ngớt trên bầu trời thành phố Đà Nẵng. Đại tá Trần Công Thành nói như trấn an: “Mọi thứ đã ổn hết rồi. Tàu thuyền, ngư dân đều an toàn. Giờ phút này, mọi người cứ ở trong nhà là chống bão rồi”. Rất may, bão số 5 chỉ “quẹt đuôi” qua thành phố Đà Nẵng gây mưa to, gió lớn nhưng thiệt hại không lớn, đặc biệt không có thiệt hại về người. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng lại xuống địa bàn giúp dân dọn dẹp cây đổ, đưa người dân được sơ tán về lại nhà. Thành phố Đà Nẵng lại tiếp tục cuộc sống thường ngày sau bão.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO