Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 04:16 GMT+7

Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Biên phòng - Trong tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Nếu Việt Nam chứng minh được sự cải thiện đáng kể thì EC sẽ xem xét gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng huyện Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi đến trực tiếp tàu của ngư dân tuyên truyền chống khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: CTV

Sau đợt thanh tra lần thứ 3 vào tháng 10/2022, EC tiếp tục khuyến nghị Việt Nam thực hiện 4 nhóm vấn đề gồm: khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc; thực thi pháp luật. Trong khi một số nước cạnh tranh xuất khẩu hải sản vào thị trường châu Âu đang gây sức ép với EC đề nghị nâng cảnh báo “thẻ đỏ” cho Việt Nam, khi tàu cá của Việt Nam tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã tập trung mọi nguồn lực để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC. Các địa phương đã đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU.

Đến thời điểm này, 100% tàu cá cả nước đã hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Các đồn, trạm Biên phòng tuyến biển kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến, bảo đảm đủ các điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản; theo dõi 24/24 giờ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình VMS. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng đảm bảo đúng quy định.

Các lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tập trung cao điểm thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chống lấn để kịp thời ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm; xử lý triệt để các hành vi vi phạm nhật ký khai thác, khai thác sai vùng, ngắt kết nối thiết bị VMS và tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp chống khai thác IUU...

Rõ ràng, quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương ven biển, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm về khai thác IUU, nhất là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép. Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC. Việc xử lý các hành vi khai thác IUU chưa thống nhất, đồng bộ, nhất là vi phạm mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển...

Theo các chuyên gia, vùng biển của ta rất lớn nhưng nguồn lực về phương tiện, lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển còn rất mỏng nên chưa bảo đảm công tác thực thi pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU theo phân cấp, dẫn đến chưa ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã khai thác hiệu quả ứng dụng từ Hệ thống giám sát tàu cá, Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Nhật ký điện tử, Truy xuất nguồn gốc điện tử từ trung ương đến địa phương để theo dõi, giám sát toàn bộ dữ liệu về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác và hoạt động tàu cá trên biển. Song như vậy là chưa đủ khi nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh, hình ảnh vệ tinh, radar khẩu độ tổng hợp; công nghệ tổng hợp dữ liệu và phân tích trí tuệ nhân tạo (AI); phương tiện giám sát không người lái, truy xuất blockchain, giải pháp tình báo hàng hải Windward... để kiểm soát và ngăn chặn hành vi đánh bắt IUU.

Thực tế này đặt ra yêu cầu ứng dụng công nghệ khoa học vào việc quản lý, giám sát hoạt động tàu cá để cùng hỗ trợ cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển là rất cấp thiết trong chống khai thác IUU, vừa là giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO