Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:06 GMT+7

Nhiều biện pháp giảm thiểu tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Lắk

Biên phòng - Đắk Lắk là tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc tốp cao so với cả nước. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các cấp, các ngành tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.

Cán bộ dân số đến từng nhà tuyên truyền cho người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Hoàng Lê

Tín hiệu tích cực mô hình điểm

Huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk có 46% đồng bào DTTS sống chủ yếu bằng nghề nông, tập quán lạc hậu và còn tồn tại nhiều hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo kết quả điều tra, năm 2019, huyện M’đrăk có 4.447 trường hợp tảo hôn, chiếm hơn 41% dân số toàn huyện, trong đó, đồng bào dân tộc Mông và Ê Đê có tỉ lệ tảo hôn cao nhất huyện. Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, toàn huyện có 169 trường hợp tập trung chủ yếu ở đồng bào Ê Đê.

Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chọn huyện M’Đrăk để tổ chức thực hiện Mô hình điểm “Đề án Giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại 5 xã trên địa bàn huyện.

Mô hình điểm triển khai nội dung trọng tâm là khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”; tổ chức hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức tuyên truyền lưu động nhằm cung cấp thông tin, hình ảnh về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; cung cấp hàng trăm bộ tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng Kinh và tiếng DTTS về hôn nhân, gia đình trong cộng đồng, những hệ lụy, tác hại mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang lại…

Ông Nguyễn Hữu Quỳ, Trưởng phòng Dân tộc huyện M’Đrắk cho biết: “Từ khi triển khai mô hình điểm, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết có chuyển biến tích cực, số trường hợp tảo hôn giảm đi rất nhiều, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, muốn giảm thiểu, tiến tới chấm dứt vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì cần có thời gian, quá trình lâu dài tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân

Đắk Lắk có 49 thành phần dân tộc chiếm 35,7% dân số, cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ tảo hôn khoảng 28,98% và 1.815 người hôn nhân cận huyết thống, tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các xã vùng III; thôn, buôn đặc biệt khó khăn thường cao hơn so với những khu vực khác.

Hội nghị tuyên truyền Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” tại huyện M’Đrăk. Ảnh: Hoàng Lê

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, các cấp, ngành và địa phương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền; in ấn, cấp phát nhiều tờ rơi tuyên truyền, sổ tay hỏi đáp; lắp đặt áp phích ở các xã có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; lồng ghép với các hội nghị cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật… về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm dần. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, năm 2015, toàn tỉnh có 811 cặp tảo hôn, 5 cặp kết hôn cận huyết thống. Sau 5 năm triển khai Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”, đến hết năm 2020, toàn tỉnh còn 276 cặp tảo hôn, đến cuối năm 2021 giảm xuống 135 cặp tảo hôn, không còn trường hợp nào kết hôn cận huyết thống.

Đánh giá kết quả thực hiện Đề án, ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS”, ngành công tác dân tộc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tuyên truyền một cách đồng bộ với nhiều hoạt động sát với thực tế, nhờ đó, đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhận thức của người đồng bào DTTS, đặc biệt người phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và Gia đình dần dần được nâng lên, người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật. So với mục tiêu và thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án năm 2015 thì hiện tại, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS đã giảm đáng kể”.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phổi hợp với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhân thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.

Hoàng Lê

Bình luận

ZALO