Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 06:22 GMT+7

Nhiều giải pháp thoát nghèo cho đồng bào dân tộc ở A Lưới

Biên phòng - Không chỉ đa dạng hóa các nguồn lực giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vươn lên, các cấp, ngành địa phương huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế còn định hướng giúp người dân nơi đây không tái nghèo và vươn lên làm giàu.

Chợ phiên A Lưới được duy trì hàng tuần, là nơi giới thiệu và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của người dân. Ảnh: Tiêu Dao

Đa dạng hóa nguồn lực thoát nghèo cho người dân

Là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân ở vùng cao A Lưới đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay, A Lưới có 95 thôn, tổ dân phố, tương đương với 95 khu dân cư trực thuộc các xã, thị trấn. Trong đó, có 1 khu dân cư làm điểm của tỉnh và 17 khu dân cư làm điểm của huyện. Những năm qua, chính quyền các cấp cùng các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện A Lưới đã triển khai nhiều hình thức đa dạng để huy động các nguồn lực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tại A Lưới đã giảm 11,78%, xuống còn 38,2%. Trên địa bàn huyện A Lưới đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã và đang được triển khai như trồng chuối già lùn, nấm, sâm Bố Chính, chăn nuôi bò, lợn hữu cơ... Điển hình như mô hình trồng chuối già lùn của ông Nguyễn Hải Teo ở thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm. Năm 2018, qua tìm hiểu và biết được, giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, ông Teo đầu tư 500 triệu đồng để mua giống, lập vườn để trồng loại chuối này.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, hiện nay, huyện A Lưới đang thực hiện dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I và kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, với tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng. Các dự án phát triển dược liệu quý được triển khai thực hiện tập trung ở các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm... với các loại cây quý như ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, hy thiêm, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, sạ cạn.

Ngoài cây dược liệu, bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, A Lưới đã mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế, kết hợp phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc. Theo đó, địa phương duy trì các lễ hội A Za, bảo tồn và phát huy nghề dệt zèng và nghề đan lát truyền thống phục vụ du lịch. Nhiều phụ nữ người dân tộc Tà Ôi tại huyện vùng cao A Lưới có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình nhờ giữ gìn và phát huy nghề dệt zèng truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 6 hợp tác xã cùng nhiều cơ sở dệt zèng hoạt động thường xuyên với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ Tà Ôi. Sự ra đời của các hợp tác xã đã giúp cho công việc sản xuất zèng của người dân đi vào bài bản, chuyên nghiệp. Nhờ đó, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch dịch vụ ở các địa phương vùng núi đã có nhiều khởi sắc trong mấy năm gần đây. Đến nay, nhiều sản phẩm như mật ong, gạo ra dư, cam, vải zèng, thịt bò vàng, chuối già lùn... được công nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Nỗ lực không còn tái nghèo

Không chỉ thoát khỏi huyện nghèo mà mục tiêu hướng đến của huyện A Lưới là không để tái nghèo và từng bước nâng đời sống nhân dân lên tầm cao mới. Đến nay, nhiều mô hình sinh kế của các hộ gia đình đã có những chuyển biến đáng kể. Mô hình chăn nuôi của các hộ gia đình phát triển từng ngày, có hộ gia đình đã xuất bán với giá cả ổn định. Nhiều hộ gia đình vận dụng số tiền thu được từ mô hình để tái đầu tư với số lượng gấp đôi ban đầu, ngoài ra, sử dụng vào tu sửa chuồng trại và duy trì nguồn thức ăn, thuốc men cho con giống.

Nhiều hoạt động hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào thoát nghèo đã mang lại hiệu quả. Ảnh: Tiêu Dao

Đơn cử như trường hợp vợ chồng chị Hồ Thị Ngam (37 tuổi, thôn A Tia, xã Hồng Kim) là hộ nghèo suốt nhiều năm liên tiếp (từ năm 2005 - 2021), cả 2 vợ chồng không có công việc ổn định. Năm 2018, được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, vợ chồng chị Ngam đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên là một trong những tấm gương sáng về làm kinh tế trong xã. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, chị thu lời từ vườn chuối khoảng 60 triệu đồng; còn bò và dê, mỗi năm lãi khoảng 10 triệu đồng. Các khoản thu nhập này đều đặn suốt vài năm qua. Năm 2021, gia đình chị chính thức thoát nghèo. Từ khi chị Ngam thành công với mô hình trồng chuối già lùn, đã có nhiều phụ nữ trong bản, xã đến để học hỏi kinh nghiệm. Chị Ngam nói mình đã chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ nhiều người. Hầu hết những người này đều thành công.

Tương tự, gia đình bà Kăn Thu (xã Hồng Thái, huyện A Lưới) không có công việc ổn định, hàng ngày chỉ đi làm nông, cuộc sống của 3 mẹ con bữa đói, bữa no. Năm 2018, bà Thu được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Vườn chuối quy mô hàng trăm gốc của bà đã ra quả đều, mẫu mã đẹp và được xuất vào các siêu thị. Từ 2 con bò giống năm 2018, đến nay, mô hình bò của bà Thu đã lên tới 11 con. Mỗi năm, bà Thu thu được hàng chục triệu đồng từ việc bán bò con. Ngoài việc bán bò, phân của bò cũng được bà Thu tận dụng để chế tạo thành phân hữu cơ để bón chuối, bón hoa. Còn cây chuối sau khi thu hoạch được bà làm thức ăn cho bò. Bà Thu ước tính, trừ các khoản chi phí, mỗi năm, bà lãi khoảng 50 triệu đồng. Năm 2020, bà Thu thoát nghèo. Hiện tại, kinh tế của gia đình bà thuộc diện vững vàng trong xã. Gần đây, bà đã xây dựng 6 cái chòi ven suối để cho khách du lịch thuê với giá 120.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ: "Đời sống của bà con đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là về tư duy, qua các chương trình, chính sách nhân văn, toàn diện của Đảng, Nhà nước. Tư duy của bà con bây giờ đã khác xa trước đây rất nhiều. Họ đã nghĩ đến câu chuyện làm kinh tế bằng khoa học kỹ thuật, sử dụng phương tiện hiện đại tác động vào đất, vào cách làm. Và thu nhập không chỉ còn là đủ cái ăn mà phải có cái để, có nguồn vốn xoay vòng".

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định, với các giải pháp căn cơ, bài bản, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương, A Lưới đang hướng tới việc không chỉ thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2023 mà còn thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO