Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 01:29 GMT+7

Nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã

Biên phòng - Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 được coi là một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD). Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực, tỉ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã tăng lên gần 8% so với giai đoạn trước đó.

Cá thể gấu được giải cứu từ các vụ nuôi nhốt trái phép đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Bích Nguyên

Tỷ lệ tội phạm bị bắt giữ tăng lên

Năm 2022 đánh dấu 5 năm kể từ khi BLHS sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2018. BLHS sửa đổi đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi công tác điều tra, xử lý tội phạm về ĐVHD, từ đó, gia tăng số vụ bắt giữ, xét xử và áp dụng hình phạt tù đối với loại tội phạm này kể từ năm 2018 với giai đoạn trước đó. Nhằm đánh giá hiệu quả xử lý các vụ án hình sự về ĐVHD tại Việt Nam, ENV đã có các phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về ĐVHD phát hiện trong năm 2022 được ghi nhận trên Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV.

Kết quả phân tích cho thấy, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD. Theo đó, trong số 156 vụ án hình sự về ĐVHD xảy ra năm 2022, có tới 148 vụ án các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ thành công đối tượng vi phạm (chiếm tỉ lệ 95%).

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 rõ ràng đã cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi BLHS sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018. Trong giai đoạn 5 năm kể từ khi BLHS sửa đổi có hiệu lực (2018-2022), tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã đạt 92,2% so với tỷ lệ 84,6% trong giai đoạn 2014-2017”.

Trong số 148 vụ án có các đối tượng bị bắt giữ trong năm 2022, 117 vụ (chiếm tỉ lệ 79%) có một hoặc nhiều đối tượng có liên quan đã bị đưa ra xét xử. Bên cạnh đó, tại thời điểm tháng 5/2023, vẫn còn 30 vụ án hình sự về ĐVHD phát hiện trong năm 2022 đang trong quá trình xử lý và chưa được đưa ra xét xử. Trong 4 năm sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực (2018-2021), trung bình, tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử là 90,9%. Ngược lại, tỷ lệ trung bình này trong vòng 4 năm trước khi BLHS có hiệu lực chỉ đạt ở mức 62,2%.

Tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù giam trong năm 2022 là 47,5%, tiếp tục giữ ở mức cao hơn 45% kể từ sau khi BLHS được sửa đổi, bổ sung. Mức án tù trung bình trong năm 2022 cho một đối tượng phạm tội về ĐVHD là 3,01 năm. Từ mức án tù trung bình cao nhất vào năm 2019 là 4,45 năm, mức án tù trung bình mỗi năm sau đó đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, mức án tù trung bình năm 2022 vẫn cao gấp đôi mức án tù trung bình là 1,2 năm ghi nhận vào năm 2017, thời điểm trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực.

Nỗ lực ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã

Thực tế, Việt Nam đã áp dụng các mức hình phạt nghiêm khắc đối với đối tượng buôn bán ĐVHD. Năm 2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm đối tượng Trần Quý 13 năm tù về tội buôn bán trái phép 114 cá thể tê tê Java và 278,5kg vảy tê tê; Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm sau giám đốc thẩm đối tượng Nguyễn Hải Nam 12 năm tù về tội vận chuyển trái phép 114 cá thể tê tê Java và 278,5kg vảy tê tê.

Năm 2021, một đối tượng buôn bán ĐVHD đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam qua đường hàng không. Bản án 14 năm tù là hình phạt cao nhất từng được ghi nhận đối với tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam, thể hiện xu hướng tích cực trong công tác xét xử tội phạm về ĐVHD cũng như quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép.

Các vụ xét xử trên là những ví dụ nổi bật cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng thành công pháp luật để trừng trị thích đáng các đối tượng thực hiện hành vi đe dọa đa dạng sinh học, đồng thời, đảm bảo yếu tố răn đe với các đối tượng khác. Bà Bùi Thị Hà cho hay: “Trong 5 năm vừa qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, thể hiện ở số lượng vụ bắt giữ và xét xử tội phạm về ĐVHD ngày càng tăng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu ĐVHD qua các cảng vẫn là một thách thức lớn cần tiếp tục được quan tâm giải quyết”.

Kể từ năm 2015, tổng cộng 34 vụ buôn bán ĐVHD đã được phát hiện tại các cảng biển ở Việt Nam với khoảng 80 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê bị tịch thu. Đáng tiếc là cho đến nay, mới chỉ có 3 đối tượng liên quan đến các hoạt động vận chuyển trái phép này bị kết án.

Nhìn chung, trong vòng 5 năm qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã thể hiện lập trường khá mạnh mẽ trong công tác xử lý tội phạm ĐVHD. Theo ENV, việc tập trung bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn xuyên quốc gia phải được đặt là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay nhằm xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu. Các cơ quan chức năng cần bắt đầu tận dụng thông tin từ các vụ bắt giữ lớn ở cảng và các khu vực khác để thu thập bằng chứng và xây dựng chuyên án với mục tiêu bắt giữ và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO