Biên phòng - Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2022-2027” (viết tắt là Đề án 1371). Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới về chấp hành kỷ luật, pháp luật được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới ngày càng ổn định.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1371 của BĐBP trong giai đoạn 1 cho thấy: Quá trình triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 BĐBP đã xây dựng đầy đủ hệ thống văn bản triển khai thực hiện Đề án trong BĐBP bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với thực tế; chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, xác định việc triển khai thực hiện Đề án là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các đơn vị BĐBP, quan tâm bố trí kinh phí, huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Đề án.
Kết quả, trong giai đoạn 1 thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án và các cơ quan, đơn vị các cấp trong BĐBP đã chủ động, tích cực hướng dẫn các đơn vị đổi mới hình thức, cách thưc triển khai các hoạt động PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất, đối tượng của Đề án và đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng. Trong đó, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể với đơn vị BĐBP được thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đạt hiệu quả thiết thực.
Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, phong trào tiêu biểu, hiệu quả mà các đơn vị BĐBP đã và đang triển khai trong công tác tuyên truyền, PBGDPL như: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới”; mô hình: “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Tổ phụ lão, tổ phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới”, “Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm, tệ nạn ma túy”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Tiếng kẻng vùng biên”, “Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển”, “Dân vận khéo”...
Nổi bật là trong tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp, Học viện Biên phòng và các nhà trường BĐBP đã chú trọng xây dựng giáo trình, bài giảng pháp luật, nâng cao chất lượng dạy và học môn pháp luật cho học viên. Trung tâm, Tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới ngay từ khi mới nhập ngũ vào BĐBP cũng đã triển khai giảng dạy các nội dung pháp luật theo chương trình huấn luyện chuyên ngành biên phòng. Đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã chủ động tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, tập huấn hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp, sinh hoạt thôn bản, khu dân cư, các phiên chợ, dịp lễ, hội; cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, đĩa DVD; thông qua các chương trình tọa đàm, diễn đàn của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Nghiệp đoàn nghề cá. Riêng giai đoạn 2021-2024, đã tổ chức trên 13.000 hội nghị trực tiếp quán triệt, tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật với gần 300.000 lượt người tham dự.
Ban Chỉ đạo Đề án 1371 BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn, phát hành tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, đề cương tuyên truyền các quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, các tổ biên soạn tài liệu, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã nghiên cứu, biên soạn trên 500 đề cương, tài liệu tuyên truyền các bộ luật, luật, văn bản dưới luật (bằng tiếng Việt Nam và tiếng dân tộc thiểu số), biên soạn, in và cấp trên 5 triệu tờ rơi, tờ gấp và đĩa DVD tuyên truyền pháp luật với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của các đối tượng.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thực hiện PBGDPL. Phối hợp với Ban Sản xuất các chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3). Báo Biên phòng, Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phản ánh hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong các đơn vị BĐBP nói chung và khu vực biên giới, hải đảo nói riêng.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, PBGDPL cũng được BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở hiệu quả, phù hợp với địa bàn biên giới vừa nhanh chóng, kịp thời; gần gũi với người dân ở khu vực biên giới; hoàn toàn chủ động về thời gian; chủ động trong việc lựa chọn nội dung; có khả năng tác động tới nhiều đối tượng trong cùng một thời gian; có thể thực hiện phát thanh được nhiều lần, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của vì không phải tập trung dân tại một điểm để phổ biến pháp luật.
Cũng trong giai đoạn 1 thực hiện Đề án 1371, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Đoàn Văn công BĐBP và các tổ, đội tuyên truyền văn hóa trực thuộc BĐBP các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành văn hóa, lực lượng quân sự, công an các địa phương và các tổ chức, đoàn thể xây dựng chương trình văn nghệ, biểu diễn các tiểu phẩm, lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật phục vụ cán bộ, nhân dân. Kết quả, đã tổ chức được trên 3.000 buổi, thu hút hàng triệu lượt người dân tham gia.
Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong BĐBP luôn xác định rõ mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Đề án trong giai đoạn và từng năm. Các thành viên của Hội đồng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung, thực hiện Đề án 1371 nói riêng.
Mai Anh