Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 12:12 GMT+7

Nhiều thách thức trong đấu tranh với tội phạm trên tuyến biên giới An Giang

Biên phòng - Với địa hình phức tạp, hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, đường biên giới dài, khó kiểm soát, do đó, khu vực biên giới tỉnh An Giang luôn được xem là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Chính vì thế, cuộc chiến chống tội phạm vùng biên ải này luôn đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng.

Đối tượng Nguyễn Văn Liệt (giữa) cùng tang vật trong Chuyên án AG 0222. Ảnh: Trọng Hà

Buôn lậu, vận chuyển hàng cấm gia tăng

Trong hơn 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hoạt động thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu vì thế cũng bị hạn chế, tuy nhiên, đằng sau sự trầm lắng ấy, hoạt động của các đối tượng tội phạm trên tuyến biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường. Các đối tượng trong và ngoài nước tổ chức móc nối với nhau hình thành các đường dây, tổ nhóm hoạt động, trang bị vũ khí “nóng” sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng vây bắt.

Điển hình, trong Chuyên án AG 0222, vào ngày 5-3, tại khu vực ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội, huyện An Phú, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP An Giang phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Liệt (sinh năm 1998, trú tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đang vận chuyển gần 2kg ma túy tổng hợp dạng đá từ Campuchia về Việt Nam để tiêu thụ.

Trên cơ sở điều tra và những chứng cứ có liên quan, đối tượng Nguyễn Văn Liệt khai nhận, số ma túy trên được đối tượng vận chuyển thuê cho 1 người ở Campuchia về Việt Nam, với tiền công là 100.000 ria (khoảng 600.000 đồng). Đồng thời, tại đây, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 1 khẩu súng K54 và 5 viên đạn.

Ngoài tội phạm ma túy, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới cũng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu như: Thuốc lá ngoại, thiết bị, dụng cụ y tế, đường cát... Gần đây nhất, vào ngày 27-3, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tuần tra, kiểm soát trên địa bàn khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, phát hiện lái xe Nguyễn Thành Phú (sinh năm 1983, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đang điều khiển xe ô tô tải vận chuyển 722 thùng khẩu trang y tế với nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số khẩu trang này. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận vận chuyển thuê số hàng trên từ một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh về huyện Tịnh Biên, với tiền công là 5 triệu đồng.

Ngoài ra, trước đó, vào ngày 22-3 và ngày 26-3, cũng tại khu vực biên giới huyện Tịnh Biên, BĐBP An Giang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ, xử lý vi phạm hành chính 2 đối tượng trong vụ vận chuyển 3.520 chai sữa tắm và 200 bàn inox không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tổ chức tịch thu tang vật, bàn giao vụ việc cho Công an huyện Tịnh Biên xử lý theo thẩm quyền.

Đặt ra nhiều thách thức

Do An Giang có tuyến biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài hơn 100km, các lực lượng trinh sát bị phân tán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “kép”, nên cũng gây nhiều sức ép cho công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn khu vực biên giới. Hơn nữa, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu về hàng hóa trên thị trường gia tăng, vì thế, các đối tượng buôn lậu lợi dụng tình hình này sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để vận chuyển hàng hóa trái phép, tiến hành thu lợi bất chính.

Các lực lượng chức năng kiểm đếm số tang vật sữa tắm nhập lậu bị thu giữ vào ngày 26-3. Ảnh: Chiến Khu

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thu lợi bất chính, các đối tượng Việt Nam liên hệ, móc nối với chủ hàng người nước ngoài, đưa hàng tập kết sát biên giới, sau đó, lợi dụng đêm tối, tranh thủ lực lượng chức năng đổi gác để tiến hành vượt biên mang hàng về chia nhỏ, cất giấu ở khu vực dân cư, chờ thời cơ vận chuyển hàng vào nội địa. Đặc biệt, các chủ hàng thường đặt cọc “tiền tươi” trước mỗi chuyến hàng cho những người vận chuyển, khiến cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng đối diện với nhiều thách thức.

Để kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm buôn lậu nói chung, tội phạm ma túy nói riêng, BĐBP An Giang đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác điều tra cơ bản; tiếp tục duy trì 211 tổ, chốt tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biến giới, cửa khẩu; thu thập thông tin tình hình của từng địa bàn, cũng như đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với lực lượng chức năng Campuchia để phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm.

Cùng với đó, BĐBP An Giang sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân về thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, từ đó, góp phần đẩy lùi hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn đơn vị phụ trách.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, BĐBP An Giang đã trực tiếp chủ trì, phát hiện, xử lý 16 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ gồm hơn 7kg heroin, hơn 9g ma túy đá, cùng hàng trăm kg cần sa khô và nhiều tang vật có liên quan.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp bắt giữ 4 vụ/7 đối tượng, tang vật thu giữ hơn 6g ma túy đá, hơn 10kg cần sa khô. Riêng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đơn vị đã độc lập xác lập, đấu tranh thành công 3 chuyên án; bắt gần 400 vụ buôn lậu, thu giữ nhiều vàng, ngoại tệ, thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan..., tổng trị giá hàng hóa ước tính gần 21 tỷ đồng.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO