Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 01:42 GMT+7

Nhiều thủ đoạn vận chuyển, buôn lậu vàng qua biên giới

Biên phòng - Do giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thế giới, lại dễ cất giấu, dễ vận chuyển nên các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu vàng qua biên giới. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng như BĐBP, Công an, Hải quan đã đấu tranh, triệt phá thành công nhiều đường dây quy mô lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD qua biên giới.

Đối tượng Nguyễn Anh Tuấn và tang vật tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây. Ảnh: Yến Ngọc

Vận chuyển vàng bằng xe chở nước đá...

Đầu tháng 6/2024, Thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Theo đó, lúc 5 giờ, ngày 26/5, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1989, trú tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) vận chuyển 2 miếng kim loại màu vàng, 5 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng. Bước đầu, đối tượng Tuấn khai nhận, đang tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam, 2 miếng kim loại màu vàng mang theo là vàng thật.

Sau khi có kết quả giám định, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, chuyển vụ án cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Huệ tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Trước đó, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh, lúc 16 giờ, ngày 11/5, BĐBP Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Hải quan tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang 4 đối tượng đi trên xe ô tô bán tải nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, vận chuyển 4kg vàng (loại 999). Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp về số vàng nói trên. Bước đầu, các đối tượng khai nhận, số vàng trên được mua từ Viêng Chăn (Lào) với giá 7,2 tỷ đồng để đưa về Việt Nam bán kiếm lời. BĐBP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bàn giao đối tượng cùng tang vật cho Công an tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối tháng 3/2024 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định), Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, ở Tây Ninh) và 22 bị can khác về tội buôn lậu. Theo cáo trạng, từ đầu năm 2022, các đối tượng nói trên đã lập ra 2 đường dây, buôn lậu tổng cộng 6.150kg qua biên giới. Đường dây buôn lậu vàng thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu. Phụng tìm hiểu nhu cầu của khách mua trong nước rồi liên hệ sang Campuchia đặt mua, thuê người chở về Việt Nam với giá vận chuyển là 170USD/thỏi vàng. Người trực tiếp chuyển vàng là bị can Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1980, ở Tây Ninh). Giàu cho người nhận vàng tại Phnom Penh, chở đến khu vực biên giới Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh rồi tìm mọi cách đưa về Việt Nam bằng xe chở nước đá. Sau khi tập kết tại xưởng đá lạnh của Giàu tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), vàng sẽ được chia nhỏ, giao cho người của Phụng...

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 3/8/2022 đến ngày 28/9/2022, đường dây này buôn lậu trót lọt 4.830kg vàng thỏi với tổng trị giá hơn 6.644 tỷ đồng. Qua đây, 17 bị can trong đường dây hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng. Đường dây buôn lậu vàng thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu. Viện Kiểm sát nhân dân cáo buộc, từ ngày 16/7/2022 đến ngày 28/9/2022, đường dây của Phượng buôn lậu trót lọt 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng.

Buôn lậu vàng diễn biến khá phức tạp

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, tình hình buôn lậu vàng diễn biến khá phức tạp. Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới qua lại công khai giữa hai nước, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng đường mòn, sông nước hiểm trở, đêm tối để vận chuyển hàng lậu và vàng từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuyến biên giới Tây Nam, vận chuyển, buôn lậu vàng nổi lên nhiều tại các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh; còn tại miền Trung, thì xảy ra nhiều ở các tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Nguyễn Thanh Bình, Trang Kiến Cường và các đối tượng trong vụ vận chuyển vàng qua biên giới An Giang bị tuyên án ngày 27/10/2023. Ảnh: Phương Vy

Ở Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa từ lâu được xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự, nhất là tình trạng mua bán hàng lậu, hàng cấm từ biên giới tuồn về Việt Nam. Vì vậy, thời gian qua, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan tăng cường các hoạt động nghiệp vụ, bám sát địa bàn, triệt phá nhiều vụ buôn bán hàng lậu. Điển hình là chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo do Nguyễn Thị Hóa (sinh năm 1972, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cầm đầu. Căn cứ hành vi vi phạm và kết quả xác minh, Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố 20 bị can về tội buôn lậu. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa và Nguyễn Thị Gái đã tổ chức đường dây buôn lậu qua biên giới trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng.

Với gần 100km đường biên giáp Campuchia, có nhiều cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở, tỉnh An Giang là một trong những điểm nóng của tuyến Tây Nam về buôn lậu, trong đó có nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới. Vào đầu năm 2022, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1965, trú tại thành phố Long Xuyên) và Trang Kiến Cường (sinh năm 1976, trú tại thành phố Châu Đốc) có hành vi mua bán vàng nhập lậu. Thời điểm bắt quả tang Bình và Cường, Công an tỉnh An Giang thu giữ 3 thỏi vàng, gần 170.000 USD và 700 triệu đồng. Quá trình khám xét khẩn cấp tiệm vàng có liên quan cùng các địa điểm khác, Công an thu giữ khoảng 15kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, 25 tỷ đồng...

Căn cứ vào hành vi phạm tội và kết quả điều tra, chiều 27/10/2023, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Trang Kiến Cường 12 năm tù giam, Nguyễn Thanh Bình 9 năm tù. 4 đồng phạm khác liên quan đến vụ án bị tuyên phạt từ 7 đến 10 năm tù về tội buôn lậu. Ngoài bản án đã tuyên, Hội đồng xét xử còn tuyên tịch thu, sung công quỹ hơn 188.000 USD và 3 thỏi vàng (gần 3kg vàng) cùng nhiều tang vật trong vụ án...

Trước đó, ngày 30/10/2020, Công an tỉnh An Giang đã bắt quả tang các đối tượng vận chuyển 51kg vàng với giá trị hơn 70 tỷ đồng từ Campuchia sang Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đường dây "buôn lậu" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" này do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tên thường gọi là Mười Tường) chủ mưu.

Để kiềm chế, giảm thiểu, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm buôn bán, vận chuyển vàng, tiền tệ qua biên giới, thời gian qua, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở khu vực trọng điểm tăng cường triển khai biện pháp nghiệp vụ, chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát, lập chuyên án đấu tranh, không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.

Phương Vy

Bình luận

ZALO