Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 01:59 GMT+7

Nhiều vấn đề cần giải quyết về xây dựng gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước”. Tuy vậy, để thực hiện được mục tiêu này trong gia đình người dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta thì còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đồng bào DTTS ở xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã hình thành thói quen vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nhà ở. Ảnh: Phương Liên

Xu hướng chuyển dịch sang mô hình gia đình hạt nhân

Toàn quốc hiện có gần 3,7 triệu hộ DTTS, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước; 83,3% hộ DTTS sống ở khu vực nông thôn; số người bình quân một hộ DTTS là 4,1 người, cao hơn số người bình quân một hộ của cả nước (3,6 người/hộ).

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, quy mô số hộ thấp và giảm dần phản ánh mức sinh của Việt Nam nói chung và của 53 DTTS nói riêng đã giảm trong nhiều năm qua. Tình trạng này cũng phản ánh xu hướng chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân thay vì mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ như trước đây và xu hướng di cư của lực lượng lao động người DTTS.

Các dân tộc có quy mô người/hộ cao nhất là Mông (5,3 người/hộ), Khơ Mú và Mảng (4,8 người/hộ). Rơ Măm, Brâu, Hrê, Tày, Pu Péo là những dân tộc có quy mô hộ nhỏ nhất với 3,5 người/hộ hoặc 3,6 người/hộ. Quy mô phổ biến của 53 DTTS là từ 2-4 người/hộ, chiếm 59% tổng số hộ. Tỷ lệ hộ độc thân chiếm 5,6%; hộ có từ 7 người trở lên chiếm 7,9%. Một số dân tộc có tỷ lệ hộ từ 7 người trở lên cao, gồm: Mông (24,2%), Mảng (20,5%), Khơ Mú (15,1%), Lô Lô (15%)...

Nghèo, cận nghèo trong các hộ gia đình DTTS còn cao

Tình trạng nghèo và cận nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là tình trạng nghèo của người DTTS đang là thách thức lớn ở nước ta. Hiện nay, hộ nghèo DTTS chiếm 2/3 tổng số hộ nghèo cả nước, trong khi dân số DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước. Tỷ lệ hộ DTTS nghèo và cận nghèo ở khu vực biên giới cao gấp 1,5 lần khu vực khác; ở khu vực nông thôn cao xấp xỉ 4 lần khu vực thành thị. Gần một nửa số hộ DTTS ở các xã vùng DTTS khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là hộ nghèo và cận nghèo.

Điều tra của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê chỉ ra sự khác biệt lớn về mức độ nghèo giữa các dân tộc. Dân tộc Hoa, dân tộc Ngái hầu như không còn hộ nghèo. Ngược lại, dân tộc Co, Xinh Mun, La Hủ, Chứt, Mảng, Pà Thẻn lại có số hộ nghèo và cận nghèo lên tới 70%. Đặc biệt, dân tộc Chứt có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến 89,3%, nghĩa là cứ 10 hộ dân tộc Chứt thì có đến 9 hộ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Ngoài ra, trên cả nước vẫn còn 21 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, trong đó có dân tộc Mông - một trong những dân tộc có dân số đông (trên 1 triệu người) nhưng số hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 2/3.

Nhiều hạn chế về điều kiện nhà ở, sinh hoạt

Cả nước hiện còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 16,9m2/người, thấp hơn 6,3m2/người so với bình quân chung cả nước.

Đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc có thể được thể hiện qua rất nhiều hình thức như: Trang phục, âm nhạc, các phong tục, tập quán và cả kiến trúc của những ngôi nhà mà họ sinh sống. Tuy nhiên, hiện chỉ có 26,2% hộ DTTS đang ở trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình, giảm 3,1% so với năm 2015.

Một góc bản Nậm Sin của người Si La ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phương Liên

Nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà hoặc sát cạnh nhà thường phổ biến ở vùng DTTS do đặc điểm xã hội và phong tục tập quán của các dân tộc. Tuy nhiên, lối sống này ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bà con. Toàn quốc hiện còn 24,4% hộ DTTS, chủ yếu là người Lự, La Chí, Ơ Đu, Mông nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc sát cạnh nhà đang ở. Khoảng cách từ nhà của hộ DTTS đến các cơ sở hạ tầng gần nhất bao gồm trường học, bệnh viện, chợ hoặc trung tâm thương mại còn xa. Khoảng cách trung bình từ nhà đến chợ của hộ DTTS hiện là 8,9km - khá xa để các hộ có thể thường xuyên tiếp cận hoạt động giao thương buôn bán, trao đổi.

Khoảng cách trung bình từ nhà đến bệnh viện gần nhất của đồng bào là 14,7km; từ nhà đến trường tiểu học và trung học cơ sở gần nhất là 2,2km và 3,7km. Tuy nhiên, khoảng cách đến trường trung học phổ thông vẫn tương đối xa, tới 10,9km. Các dân tộc Ơ Đu, Mảng, Cống, La Ha, Si La có khoảng cách từ nhà đến các cơ sở cung cấp dịch vụ công cộng thuộc nhóm xa nhất. Tình trạng tảo hôn của người DTTS giảm nhưng vẫn ở mức cao...

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trong Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã nêu rõ: “Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước”. Chỉ thị của Ban Bí thư cũng yêu cầu: “Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Để xây dựng gia đình người DTTS no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về Chỉ thị 06 nói riêng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói chung về công tác dân tộc. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, ưu tiên đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi gồm 10 dự án thành phần, được thực hiện ở địa bàn xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021-2025, với mức vốn tối thiểu được Quốc hội phê duyệt trên 137 nghìn tỷ đồng chính là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Khi kinh tế - xã hội của vùng DTTS và miền núi phát triển toàn diện sẽ tác động ngược trở lại đến sự phát triển của mỗi gia đình người DTTS theo các tiêu chí: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, tạo điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với các vùng phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội - yếu tố nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phương Liên

Bình luận

ZALO