Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:19 GMT+7

Nhịp đập trên đảo tiền tiêu

Biên phòng - Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị vọng gác tiền tiêu thời chống Mỹ giờ thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt. Mỗi công trình, mỗi ngôi nhà, bến đá... trên đảo đều là những câu chuyện cảm động của một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.

Đầu tháng 8/2024, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ảnh: Minh Ngọc

Sống giữa trập trùng sóng

Hoàng hôn đổ xuống Cồn Cỏ một màu ráng vàng rực rỡ, trời xanh trong và sóng biển rì rào khiến cuộc sống thường nhật trên đảo bình yên đến lạ. Nơi mà ít người biết rằng, hơn 66 năm trước, đây cũng là một trong những chiến trường đánh phá trọng điểm của quân địch.

Mấy mươi năm từ khi chiến tranh kết thúc, giữa trong xanh biển trời Cồn Cỏ hiện lên như một hòn ngọc màu xanh lam hiên ngang giữa biển trời. Hơn thế, trong ký ức của những người đã từng chiến đấu để bảo vệ hòn đảo này, Cồn Cỏ luôn là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của đất liền. Giữ được đảo là cả một quá trình gian khó, nhưng xây dựng đảo ngày càng phát triển hơn cũng là không ít nỗ lực. Cồn Cỏ là một trong 12 huyện đảo của cả nước, nhưng huyện đảo này nhỏ bé hơn về diện tích, ít ỏi hơn về dân cư, khốn khó hơn về kinh tế, eo hẹp hơn về chi phí đầu tư. Nhưng chẳng vì thế mà người dân nơi này lại ít hơn sự nỗ lực.

Cách đây hơn 20 năm khởi đầu của quá trình dân sự hóa đảo, vào năm 2002, có 43 thanh niên xung phong từ các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang và Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lên tàu ra đảo xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ. Những con người ấy giữa đá và sóng nước, giữa cây rừng và mặt trời đã từng ngày một dựng xây cho đảo. Cùng với BĐBP, những người dân đầu tiên của đảo đã đưa vật liệu xây dựng lên bờ, rồi đưa lên xe công nông vận chuyển đến công trình xây dựng với khó khăn trăm bề. Ti vi không có, không có sóng di động, điện thoại cố định thì phải gọi qua tổng đài quân sự. Nỗi khó khăn về nước ngọt sinh hoạt cũng là điều không dễ khắc phục.

Từ 43 thanh niên ngày ấy, đảo đã dần dần mang thêm nhiều sức sống. Có rất nhiều người vẫn còn ở lại đảo cho đến tận bây giờ, như anh Trịnh Việt Cường, hay anh Hiền, chị Ái, chị Quyệt... Trong số gần 20 nữ thanh niên xung phong ngày đầu, giờ trên đảo chỉ còn chừng 7 chị em và có 19 hộ gia đình đã sinh sống tại đảo từ những ngày đầu như thế. Cùng với thời gian, một khu làng mới được xây dựng vào năm 2014. Thêm 10 gia đình với 34 nhân khẩu được UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định phê duyệt đưa ra định cư lâu dài tại đảo vào năm 2017. Như loài cây đã bám rễ với đất đảo này, họ đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của hòn đảo, họ không muốn về nữa, dù nhiều người cũng đã có nhà ở trong đất liền.

Trong ký ức về đảo, những người dân như anh Cường, anh Hiền, chị Ái, chị Quyệt đều nhớ về ngày đầu ra đảo với đầy rẫy những gian nan. Xây nhà, gây dựng cuộc sống mới, họ tăng gia sản xuất bằng trồng rau, nuôi gà, lợn... Đảo Cồn Cỏ đã được bồi đắp sức sống từ chính bàn tay, khối óc của nhiều thế hệ người dân trên đảo, trong đó có sự đóng góp không ít của các thế hệ thanh niên xung phong thời kỳ đầu. Và khi đã quen, cuộc sống đã trở nên bình yên hơn với sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền các cấp.

Hòn đảo phía bình minh

Trên đảo Cồn Cỏ bây giờ, một cuộc sống mới đã định hình và bắt đầu phát triển. Những cư dân đầu tiên của đảo ngoài những công việc cơ bản như hành chính, họ cũng tăng gia sản xuất bằng việc chăn nuôi gia súc, gia cầm như gà, vịt, dê... để cải thiện đời sống. Cứ thế, nhiều thêm những thế hệ cư dân đến đảo. Nhiều thế hệ thanh niên xung phong đã bám trụ đảo, làm hồi sinh nơi tiền tiêu Tổ quốc cũng đã tạo điều kiện đi học, về trở thành cán bộ như anh Thánh, chị Duyên, anh Nghĩa, anh Hiển, anh Long. Nhiều người cũng nỗ lực với công tác mặt trận, cán bộ Huyện ủy, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ... Nhiều người như chị Ái, chị Quyệt còn mở hàng quán phục vụ người dân và du khách trên đảo. Ngày qua ngày, họ đã từng bước xây dựng đảo sạch đẹp, khang trang. Những ngôi nhà mới được dựng lên, từng hàng cây được trồng thẳng tắp, được chăm chút từng ngày. Những đứa trẻ lần lượt ra đời, níu chân họ gắn bó với hòn đảo nhỏ này.

Cua đá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định với giá bán dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng. Ảnh: Minh Ngọc

Nhiều mô hình chăn nuôi mới như nuôi cua đá được cư dân trên đảo phát triển. Năm 2004, sau khi huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, để bảo tồn, cua đá đã bị cấm săn bắt và khai thác dưới mọi hình thức. Khi nguồn cung ngoài tự nhiên không được đáp ứng, người dân huyện đảo Cồn Cỏ đã mạnh dạn đưa giống cua đá về nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Năm 2016, lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức cho người dân ra Lý Sơn tham quan mô hình nuôi cua đá thương phẩm như gia đình chị Hoàng Thị Lam (35 tuổi). Nhiều cư dân trên đảo đã học tập và nuôi cua đá, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện tại, giá bán ra cho mỗi ký cua đá thành phẩm dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng. Với sản phẩm cua đá độc đáo, trở thành mặt hàng đặc trưng của đảo.

Ông Trịnh Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Cồn Cỏ chia sẻ, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2024, Cồn Cỏ phấn đấu thu hút khoảng 9.500 - 10.000 lượt khách du lịch. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 15 tỷ đồng. Thời gian qua, để tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động du lịch đến với Cồn Cỏ, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã chủ động bố trí kinh phí để xây dựng Nhà truyền thống (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp Bến Nghè và các điểm tham quan du lịch; phục dựng Đài quan sát Thái Văn A; trang trí đèn led khu vực cột cờ và các tuyến đường trung tâm tạo thêm điểm nhấn phục vụ khách tham quan, chụp ảnh. Hoàn thiện Khu trung tâm thể dục-thể thao đa chức năng huyện đảo Cồn Cỏ. Với số vốn gần 1.500 tỷ đồng, nhiều công trình thiếu yếu được đầu tư như cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở bảo vệ đảo, hệ thống điện, nước, giao thông, tàu cao tốc....

Với nhiều nỗ lực, đầu tháng 8/2024, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Kiên cường dưới mưa bom kẻ thù trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ hôm nay đang vươn mình, dần trở thành vùng động lực phát triển du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Bây giờ, khi hoàng hôn buông xuống, hòn đảo lung linh ánh điện như ngàn sao tỏa sáng giữa biển đêm. Ở đó, nhiều thế hệ cư dân của đảo và du khách tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên đáng mơ ước.

Minh Ngọc - Kim Nga

Bình luận

ZALO