Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 07:05 GMT+7

Nhịp sống Côn Đảo (bài 4)

Biên phòng - Quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định rõ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên của quốc gia, Côn Đảo không giảm diện tích không gian bảo tồn biển và mặt đất. Như vậy, diện tích đất ở, đất thương mại giữ nguyên như hiện trạng, không xâm lấn vào đất của vườn quốc gia.

Bài 4: Phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, phát triển huyện Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Biên phòng, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết:

Ông Nguyễn Khắc Pho. Ảnh: Hải Luận

- Diện tích các đảo Vườn Quốc gia Côn Đảo chiếm gần 80% tổng diện tích tự nhiên huyện Côn Đảo, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, du lịch, khai thác thủy sản... đều có liên quan đến vườn quốc gia. Hiện nay, mỗi năm, Côn Đảo đón lượng lớn khách nội địa và quốc tế đến tham quan du lịch, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học về một số lĩnh vực môi trường sinh thái biển, đảo rất đặc biệt.

Cần học tập Singapore về phát triển du lịch xanh

- Nước ta có các vườn quốc gia nằm trên đảo (Phú Quốc, Cát Bà và Côn Đảo), ông vừa nói môi trường sinh thái biển, đảo rất đặc biệt. Sự nổi trội ở Côn Đảo như thế nào?

- Vườn Quốc gia Côn Đảo coi như ôm trọn 14 hòn đảo lớn nhỏ (toàn huyện có 16 đảo) nó có những đặc điểm riêng: Thứ nhất, là vườn quốc gia vừa có hệ sinh thái rừng, vừa có hệ sinh thái biển, điều này cũng rất ít có vườn quốc gia nào như Vườn Quốc gia Côn Đảo. Thứ hai, đặc trưng hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn... nhiều kiểu thực vật giống như rừng sinh thái Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Bộ. Thứ ba, vùng biển Vườn Quốc gia Côn Đảo có các hệ sinh thái như: Rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển..., có tính đa dạng sinh học rất cao.

Năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã thành lập Khu rừng cấm Côn Đảo. Đến năm 1993, Thủ tướng Chính phủ thành lập Vườn Quốc gia Côn Đảo, với nhiệm vụ là: Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ lưu giữ nguồn gen quý hiếm của nhiều loài sinh vật rừng, sinh vật biển gắn với việc bảo vệ khu di tích lịch sử cách mạng của Côn Đảo. Tôi dẫn ra thông tin như vậy, để thấy tầm nhìn chiến lược của Chính phủ cách đây đã 40 năm, sớm đưa ra một quyết định hết sức đúng đắn để phát triển Côn Đảo đến ngày nay.

- Hiện nay, mỗi ngày có mấy nghìn lượt khách du lịch đến Côn Đảo, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng rất nhanh, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sự “yên tĩnh” của Côn Đảo. Ông đánh giá như thế nào về xu thế này?

- Chính phủ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; bảo vệ rừng, môi trường sinh thái biển và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đây là hai nhiệm vụ then chốt và có mối quan hệ đan xen với nhau.

Quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định rõ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên của quốc gia, Côn Đảo không giảm diện tích không gian bảo tồn biển và mặt đất. Như vậy, diện tích đất ở, đất thương mại giữ nguyên như hiện trạng, không xâm lấn vào đất của vườn quốc gia. Đề án cho thuê diện tích rừng để phát triển du lịch cũng được tính toán kỹ lưỡng, cần có phương án quản lý, bảo vệ và sử dụng một cách hợp lý, khôn khéo. Những nơi đất trống, trảng cỏ, không có khả năng phục hồi rừng... đưa vào địa điểm cho thuê môi trường rừng, để thu hút đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng theo hướng bền vững. Cách làm này vừa phát triển kinh tế du lịch, vừa phải bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuyến đường chạy xuyên qua Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Hải Luận

Ở Vườn Quốc gia Côn Đảo có nhiều bãi rùa đến đẻ trứng theo mùa, trong nhiều năm qua, chúng tôi kiểm soát thường xuyên. Chẳng hạn ở hòn Bảy Cạnh, từ ngày 1/4 hằng năm, chúng tôi đều có kế hoạch hạn chế hoặc không cho các phương tiện tàu, ca nô du lịch vào các bãi đẻ của rùa biển để duy trì sinh cảnh của quần thể rùa biển về đây làm tổ, sinh sản. Nhờ làm tốt công tác này, mà những năm qua, lượng rùa mẹ về làm tổ, rùa con được nở và thả về biển ngày càng tăng cao.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt đề án kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo, bao gồm rất nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó: Nguồn nước ngọt trên đảo cũng được thu gom về các hồ chứa sử dụng triệt để; nước thải của người dân được thu gom xử lý đạt chất lượng và có thể tái sử dụng trong tương lai. Sử dụng năng lượng sạch, nhân giống những loại cây trồng chịu đựng được môi trường biển, đảo; thu gom, xử lý rác thải đại dương...

Tôi nghĩ rằng, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo cần phải học tập cách quản lý xã hội, quản lý môi trường của đất nước Singapore để Côn Đảo mãi mãi là điểm đến hấp dẫn cho khu khách trong nước và quốc tế. Chính quyền và người dân huyện Côn Đảo cần phải có hành động cụ thể, thiết thực như: hạn chế và không dùng đồ nhựa sử dụng một lần, từng con đường, góc phố, khu dân cư cần phải được người dân chăm sóc, dọn dẹp, thu gom rác sạch sẽ. Triển khai ngay việc xử phạt nếu ai vứt, xả rác ra đường bừa bãi.

Xử lý hình sự những ai phá hoại môi trường

- Trên thị trấn Côn Đảo thi thoảng nhìn thấy những tấm bảng trích dẫn một số quy định xử phạt về phá hoại môi trường. Điều cốt lõi thực thi vào thực tiễn như thế nào?

- Treo bảng ghi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng là hình thức tuyên truyền rộng rãi cho người dân và du khách biết để nâng cao ý thức. Tôi đã trực tiếp gặp gỡ người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch ở Côn Đảo, cùng trao đổi, cùng thảo luận phương pháp bảo vệ môi trường tốt hơn. Suy cho cùng, Côn Đảo là mảnh đất của dân mình, nhà của mình, “nồi cơm” của dân mình, tất cả ai cũng có trách nhiệm bảo vệ lâu dài, là tương lai của người dân Côn Đảo.

Tàu du lịch hoạt động ở Côn Đảo. Ảnh: Hải Luận

Chính quyền đã tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động rồi, mà còn vi phạm thì phải xử phạt, thậm chí phải xử lý hình sự những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo tuyên phạt 10 tháng tù đối với một người vận chuyển 116 quả trứng rùa biển. Năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo tuyên phạt hai người, tổng cộng 5 năm tù, về tội tàng trữ thịt rùa biển. Năm 2022 và 2023, cơ quan điều tra Công an huyện Côn Đảo đã khởi tố điều tra thêm mấy vụ tàng trữ trứng rùa biển. Tôi chỉ đưa ra những vụ việc điển hình, còn xử lý vi phạm hành chính thì nhiều.

- Vùng biển, đảo này là 100% thuộc địa bàn quản lý an ninh trật tự của Đồn Biên phòng Côn Đảo, công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm vườn quốc gia và Biên phòng trong bảo vệ an ninh, môi trường như thế nào?

- Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ký kết với Đồn Biên phòng Côn Đảo, Công an huyện Côn Đảo về phối hợp tuần tra, kiểm soát toàn bộ vùng biển, đảo của huyện Côn Đảo nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn cho vùng biển Côn Đảo. Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều tàu thuyền vào đánh bắt cá trái phép ở khu bảo tồn, yêu cầu tàu đánh cá vào neo đậu tránh gió ở những vị trí không có rạn san hô. Lực lượng Đồn Biên phòng Côn Đảo tham gia tích cực làm sạch môi trường đại dương.

- Xin cảm ơn ông!

Hải Luận (thực hiện)

Bình luận

ZALO