Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 02:31 GMT+7

Nhịp sống Hòa Hiệp Trung

Biên phòng - Làng chài Hòa Hiệp Trung (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tuy không được thiên nhiên ưu đãi, có cảnh sắc non nước hữu tình, nhưng cuộc sống của người dân làng chài trên dải đất ven biển miền Trung này thật yên bình, giản dị. Vì sống ở vùng bãi ngang nên bên cạnh nghề lưới vây, thu mua cá, ngư dân mưu sinh bằng những nghề trông bề ngoài khá kỳ lạ, đó là mang cây ra biển làm nhà cho cá.

Vợ chồng ngư dân Lương Bá Sen kể về cuộc sống bình yên ở làng chài. Ảnh: Văn Chương

Những hình ảnh “lạ”

Làng chài phường Hòa Hiệp Trung nằm trên một quả đồi cát và người ta chỉ nhận ra điều này khi bước tới mép biển. Con dốc thoai thoải in bóng những người vợ ra bến ngóng chiếc thuyền trở về. Những chiếc tàu, thuyền nhỏ nhưng lại không giống ở các cửa biển khác là đều được gắn 2 chữ “đại lợi”, là từ thường được nhắc đến trong lễ cầu ngư trong dịp xuân mới. Những chiếc thúng ghi số và còn gắn thêm chữ “lò”, khiến tôi phải đi hỏi các ngư dân già vì lạ.

Tôi chỉ tay ra những chiếc thúng được lót composite màu xanh nằm rải rác trên bãi cát và hỏi tại sao tất cả những chiếc thúng nhựa đều được ghi từ “lò 1, lò 2, lò 3”. Ông Trà Chí Thu, một lão ngư ở địa phương và là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Hòa Hiệp Trung mỉm cười nhắc đến làng chài nhỏ bé này từng như một khu chế xuất hải sản từ mấy trăm năm trước. Thời chưa có đá lạnh, trong khi vận chuyển cá lên tới vùng thượng du xa xôi phải đi bộ, chèo thuyền dọc sông, nên người ta thường đánh cá chuồn, sau đó ướp muối mặn rồi gánh đi. Thời đó, cư dân địa phương giải quyết bài toán bảo quản bằng cách hấp chín cá để những đôi vai mang đưa quang gánh kẽo kẹt đi tới những miền xa.

Đầu tháng 10, trên bãi biển rải rác những đống lá dừa được buộc thành từng mảng như mái tranh để mang ra biển. Ở miền Trung thường có từ “nhà cá” thì những tấm lá dừa kia chính là những vật liệu để ngư dân mang lên tàu cá ra biển thả, tạo thành nơi để cá tập trung đến trú ngụ. Hai từ “nhà cá” nghe có vẻ phù hợp, nhưng ngư dân ở Hòa Hiệp Trung thường gọi ngắn gọn là chà, một cái tên mà chỉ nghe qua cũng khó hình dung cho tới khi được nhìn thấy tận mắt.

“Nghề thả chà này được ngư dân sáng tạo ra từ khi nào?” - Tôi hỏi. Ông Trà Chí Thu nói, không rõ xuất xứ của nghề chà, nhưng so sánh quy mô của nghề này đã được ngư dân ở một số địa phương khác nâng cấp bằng cách mang ra tận khu vực đảo An Bang, quần đảo Trường Sa để thả, tạo ra nhà cá. Có thời điểm, trong vòng 1 tháng, ngư dân chạy tới chạy lui ở khu vực thả chà cũng đã đánh bắt được 50 tấn cá. Còn chà thả ở sát bờ thì chỉ kiếm được vài trăm kg. Còn ở vùng biển Hòa Hiệp Trung, chà được thả cách bờ khoảng 3 hải lý, nên mỗi ngày, ngư dân chỉ thu được một lượng cá nhỏ.

Muốn giàu phải chịu “trắng tay”

Những nơi từng là thủ phủ ghe mê, thuyền buồm, thuyền bầu ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam… được bà con ngư dân nâng cấp tàu to máy lớn, rồi thanh niên làng chài theo những con tàu này rong ruổi khắp biển khơi, cả tháng mới quay trở về. Còn ở làng chài ở bãi ngang phường Hòa Hiệp Trung có một bộ phận ngư dân vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn là những chiếc tàu thuyền nhỏ và ngư dân hàng ngày bắt nhịp chiều đi, sáng vô.

Chàng ngư dân Lương Bá Sen (sinh năm 1978) ngồi trong căn lều phủ lá dừa trên bãi biển với vợ cho biết, thu nhập của nghề biển chiều đi, sáng vô rằng: “Em là chủ ghe, bạn đi với mình thì mỗi tháng có thu nhập cỡ 5-6 triệu đồng”. Tôi than trời, thu nhập nghề biển cỡ đó làm sao mà đủ sống. Nhưng vợ các ngư dân giải thích rằng: “lớn thuyền thì lớn sóng, nhỏ thuyền thì nhỏ sóng”, tức là làm lớn thì chi tiêu nhiều, làm nhỏ thì ăn tạm bợ qua ngày.

Chiếc tàu mang số PY 50346 TS là phương tiện làm ăn của gia đình anh Lương Bá Sen với vài phần hùn, trong đó có người cha già của anh Sen, ông đã gác lại nghề biển, nhưng vẫn “neo” lại trên con thuyền một góc hùn và xem như lương hưu để có tiền chi tiêu hàng ngày. Ở biển, người ta chỉ trông chờ gia đình có nhiều con trai, hoặc lúc buông chèo thì có chút phần hùn, xem như lương hưu là vậy.

Những tảng đá được buộc dây trông khá lạ mắt, được ngư dân sử dụng làm neo chà cá. Ảnh: Văn Chương

Lão ngư dân Trà Chí Thu, người luôn đi tiên phong trong việc phát triển nghề biển ở vùng biển này, hiện sở hữu 2 con tàu đánh bắt xa bờ, trong đó, có 1 tàu mới đóng trị giá gần 11 tỷ đồng, ông đứng cạnh chàng thuyền trưởng có chiếc tàu trị giá chỉ vài trăm triệu đồng và chia sẻ câu chuyện muốn thành đạt thì phải chịu đói. Ông Thu kể về cuộc đời trải qua 5 lần hoán đổi, nâng cấp tàu đánh cá rồi đúc kết rằng: “Nghề biển là phải đầu tư, có bao nhiêu tiền bạc, vàng đều phải bỏ hết xuống biển cho tới khi mình về già thì giao lại tài sản cho con, may ra mới giữ được nghề và không bị tụt hậu, vì hồi xưa, cá ở sát trong bờ, còn bây giờ thì phải vươn khơi, đi xa cả hàng trăm hải lý”.

Biển không bạc đãi

Những làng chài ở dọc miền Trung đều trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhất là từ các mốc năm 1995, 2001, khi sản lượng cá gần bờ gần cạn kiệt, ngư dân phải đi xa hơn. Hoặc những luồng cá lớn hàng năm kéo vô sát bờ để sinh sản, nhưng bây giờ cá không còn về nữa. Ở miền Trung, có rất nhiều nơi như làng chài Hòa Hiệp Trung, có những ngư dân bắt kịp, đầu tư vươn khơi, nhưng rồi, có những ngư dân thì chỉ làm ăn nhỏ, mong muốn kiếm sống qua ngày. Điều mà các ngư dân sống qua ngày, đánh bắt gần bờ thường xuyên khẩn thiết yêu cầu, đó là mỗi khi nhìn thấy có tàu làm nghề lưới giã cào và theo quy định là đánh cách xa bờ, nhưng tàu lại lén chạy sát bờ, cào sạch tôm, cá, có khi cuốn luôn cả lưới.

Tôi chia tay làng chài khi ngư dân Lương Bá Sen và vợ ngóng ra biển nói về cuộc đời 20 năm trên chiếc thuyền nhỏ và giờ đây gánh trách nhiệm mưu sinh kiếm tiền về lo toan cho gia đình, chia cổ tức mỗi chuyến đánh bắt cho người cha già. Thỉnh thoảng ra biển gặp cá, anh và ngư dân đi bạn lại gửi cá theo tàu khác, còn ngư dân nán lại thêm vài ngày để tiết kiệm nhiên liệu và cố gắng có dư thì mới quay về bờ.

Vài lão ngư dân ở làng chài bãi ngang này giúp tôi rút ra đôi điều về cuộc sống của ngư dân làng chài, đó là, nghề biển bằng tàu cá nhỏ vẫn sống được, hết mùa đông thì tới mùa hạ, mỗi mùa một nghề lưới, luân phiên đánh bắt, biển không bạc đãi khi ngư dân cần cù, quanh năm xuôi ngược với biển.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO