Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 11:47 GMT+7

Nhộn nhịp mùa thu hái cà phê ở Tây Nguyên

Biên phòng - Khi thời tiết vừa chớm bước vào mùa khô dịp cuối năm là người nông dân vùng đất Tây Nguyên lại nô nức bước vào mùa thu hái cà phê chín rộ. Vụ cà phê năm nay không chỉ trái đậu sai, được mùa, mà niềm vui của bà con nông dân còn được nhân lên gấp đôi, khi giá bán cà phê cao hơn những năm trước. Chính vì vậy mà tiếng nói, tiếng cười vang lên rộn ràng khắp buôn làng, nương rẫy…

Cà phê năm nay đậu trái rất sai, lại được giá, khiến bà con đều vui mừng. Ảnh: Nguyễn Việt Hưng

Cà phê được mùa...

Mặc dù thời tiết năm nay vẫn có chút thất thường và có một số ít rẫy cà phê cho trái không nhiều, nhưng nhìn chung, cà phê năm nay vẫn xem là được mùa, trái sai lúc lỉu. Qua khảo sát và trò chuyện cùng bà con nông dân trồng cà phê ở một số địa phương tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum, chúng tôi được biết, cà phê đậu trái của năm nay đều tăng khoảng từ 5-10% sản lượng so với vài năm trước. Ví dụ như vụ cà phê năm 2020, trung bình 1ha chỉ cho thu khoảng 3 tấn cà phê nhân, năm nay cũng với diện tích ấy thì sản lượng đạt từ 3,5-4 tấn cà phê nhân.

Bà Trần Thị Năm, 54 tuổi, nhà ở xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho chúng tôi biết, gia đình bà trồng 3ha cà phê, nhiều năm trở lại đây chưa năm nào cây cho trái sai như năm nay. Không chỉ chủng loại cà phê Rubusta, Arabica, mà hầu hết các chủng loại cà phê khác được gia đình bà trồng cũng đều cho trái sai trĩu cành. Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Tuân, nhà ở xã Lộc Thanh (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), trồng gần 4ha, mọi năm chỉ cho thu tổng cộng khoảng 10 tấn cà phê nhân, nhưng năm nay cà phê đậu trái sai, gia đình anh dự kiến sản lượng sẽ tăng hơn khoảng trên 2 tấn cà phê nhân, tương đương với khoảng 100 triệu đồng.

Không chỉ tỉnh Lâm Đồng, mà các địa phương Tây Nguyên khác chúng tôi đi qua trong dịp mùa thu hái cà phê này, như Đắk Nông, Gia Lai và nhất là “thủ phủ” của cà phê ngon nức tiếng của nước ta, cũng như trên thế giới, là thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đều thấy bà con nông dân phấn khởi vì cà phê được mùa.

Chị Lê Thị Hân, nhà ở xã Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột) kể rằng: “Nhà tôi trồng 2ha cà phê, 2 năm gần đây chỉ cho thu hoạch mỗi ha chưa đầy 3 tấn cà phê nhân, vậy nhưng năm nay trái rất sai. Với mức độ cây đậu trái nhiều như vậy, gia đình tôi dự kiến sẽ thu được khoảng hơn 3 tấn cà phê nhân/ha…”.

Cũng theo chị Hân, không riêng gì gia đình chị, mà rất nhiều hộ dân xã Ea Kao của chị, cũng như các xã Ea Tu, Hoà Khánh, Cư Êbur…, trong phạm vi thành phố Buôn Ma Thuột, đều vui mừng vì cà phê năm nay được mùa, trái nhiều, sản lượng tăng.

Được cả giá

Không chỉ được mùa, mà bà con nông dân vùng đất Tây Nguyên còn có niềm vui nhân đôi, khi giá cà phê được thu mua khá cao. Còn nhớ, vụ cà phê năm 2019, 2020, mức giá chỉ đạt từ 6.500 đến 6.900 đồng/kg cà phê tươi và cà phê nhân chỉ trong khoảng từ 31.000 đến 34.000 đồng/kg. Năm nay vào đầu vụ, giá cà phê trái tươi được các vựa thu mua trong khoảng từ 9.200 đến 9.500 đồng/kg và cà phê nhân là từ 41.000 đến 43.000 đồng/kg.

Bà con các dân tộc Tây Nguyên đang vào mùa thu hái cà phê với niềm vui rộn rã. Ảnh: Nguyễn Việt Hưng

Anh Lý Anh Tuấn, nhà ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), trồng 2,5ha cà phê, cho chúng tôi biết, năm ngoái, giá cà phê cũng đã tăng so với các năm trước, nhưng năm nay, giá cà phê còn tăng cao hơn và với mức giá cà phê tươi trong khoảng 9.000 đồng/kg, cà phê nhân trong khoảng 42.000 đồng/kg, được xem là mức giá “đỉnh” trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Cà phê vừa được mùa, lại vừa được giá nên bà con nông dân ai cũng vui, vì công sức, sự vất vả họ bỏ ra trong cả một năm dài được bù đắp xứng đáng. Chị Nguyễn Thị Hồng, nhà ở thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), trồng 3ha cà phê, tâm sự: “Trừ niên vụ cà phê năm 2021 ra, còn có lãi được chút xíu, chứ các năm 2018, 2019, khi giá cà phê xuống thấp, người trồng cà phê như chúng tôi vô cùng vất vả, mà lại không có lãi. Nếu giá cà phê nhân chỉ là 32.000 đồng/kg, 1ha thu 3 tấn thì bán cũng thu chưa nổi 100 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí như: Phân bón, công tưới nước, công chăm sóc, làm cỏ, rồi công hái, công phơi sấy…, chẳng còn lại được bao nhiêu. Nếu cà phê mất mùa thì coi như lỗ nặng. May mà vụ cà phê năm nay được mùa, giá tăng, vì thế, bà con nông dân trồng cà phê cũng mát mặt hơn đôi chút…”.

Được biết, vụ cà phê này, nhà chị Hồng thu được gần 60 tấn trái tươi, do nhà chị neo đơn, không có chỗ phơi phóng, lại muốn tiết kiệm tiền thuê nhân công phơi, sấy, nên chị đã bán luôn trái tươi, với mức giá 9.200 đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng. Theo chị Hồng tiết lộ, thì sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị có khoản tiền lời khoảng hơn 300 triệu đồng.

Cũng giống như gia đình chị Hồng, năm nay, rất nhiều bà con nông dân đều có kế hoạch bán luôn cà phê tươi, bởi như đã nói, giá trái tươi khá cao so với mọi năm, trong khi nếu đợi phơi sấy, chế biến để có thành phẩm cà phê nhân thì cần rất nhiều công sức, đầu tư tiền bạc. Đó còn chưa kể năm nay vào mùa khô còn có những cơn mưa trái mùa thất thường, nên việc phơi cà phê gặp khó khăn. Hơn nữa, nhiều người dân còn sợ khi họ làm ra thành phẩm cà phê nhân, lúc đó giá thị trường lại “trượt” xuống ngưỡng dưới 40.000 đồng/kg, thì lại thua thiệt, nên họ muốn bán trái tươi luôn cho… “chắc ăn”, bởi với mức giá khoảng hơn 9.000 đồng/kg, người trồng đã được xem là có lãi khá.

Chúng tôi chia tay vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió trong niềm vui chung với bà con các dân tộc nơi đây khi cà phê năm nay vừa được mùa lại được giá. Hy vọng đầu ra xuất khẩu của thị trường cà phê luôn ổn định, mức giá đạt cao, để bà con nông dân trồng cà phê ở nước ta có cuộc sống ngày một ấm no hơn.

Nguyễn Việt Hưng

Bình luận

ZALO