Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:09 GMT+7

Nhức nhối cuộc đảo chính ở Niger

Biên phòng - Sau đảo chính Niger vào ngày 27/7 vừa qua, các quốc gia và tổ chức quốc tế liên tục áp dụng biện pháp cứng rắn đối với nhóm binh sĩ nổi dậy. Căng thẳng càng gia tăng khi nhóm đảo chính thẳng thừng bác bỏ hoặc bất chấp “sức ép” từ cộng đồng quốc tế.

Những ngày sau cuộc đảo chính, Thủ đô Niamey và nhiều thành phố lớn của Niger chứng kiến các cuộc biểu tình hỗn loạn. Ảnh: Reuters

Điển hình, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu phe đảo chính trong vòng 1 tuần phải từ bỏ quyền lực và tái lập trật tự Hiến pháp cùng quyền lực của Tổng thống Niger hợp hiến Bazoum Mohamed được bầu năm 2021.

Tương tự, Liên minh châu Phi (AU) ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng đảo chính trở lại doanh trại và khôi phục quyền hiến pháp trong 15 ngày. AU lên án ở mức độ mạnh mẽ nhất việc lật đổ một chính phủ do dân bầu, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự gia tăng đáng báo động các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án các nỗ lực thay đổi Chính phủ Niger một cách bất hợp pháp và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Bazoum.

Ở phương Tây, Liên minh châu Âu (EU) đã dừng mọi hợp tác an ninh và viện trợ với Niger. Trong đó, Pháp yêu cầu khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger, nhấn mạnh rằng, ông Bazoum là tổng thống duy nhất của nước này, không công nhận những người đảo chính.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên tiếng khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Bazoum, đồng thời cho biết, hợp tác an ninh và kinh tế giữa Mỹ với Niger trị giá hàng trăm triệu USD tùy thuộc vào trật tự hiến định ở Niger. Việc chấm dứt cuộc đảo chính là vô cùng cần thiết để không ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cũng khẳng định, những gì đang diễn ra ở Niger ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác Mỹ - Niger và có thể khiến Mỹ ngừng hợp tác với Niger.

Cuộc đảo chính diễn ra chóng vánh khi được thực hiện bởi lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger. Nhóm binh lính này thuận lợi bắt ông Bazoum vào sáng ngày 27/7 và yêu cầu ông ký đơn từ chức. Tuy nhiên, ông Bazoum đã từ chối. Cùng ngày, một nhóm quân nhân tuyên bố trên truyền hình rằng, ông Bazoum đã bị phế truất, biên giới đã bị đóng và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Niger khẳng định, quân đội nước này không ủng hộ cuộc nổi dậy của một số quân nhân. Một ngày sau, Tướng Abdourahamane Tchiani - người đứng đầu lực lượng bảo vệ Tổng thống từ năm 2011 tự xưng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia bảo vệ Tổ quốc, là lãnh đạo mới của quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới này.

Dư luận Niger cho rằng, cuộc đảo chính dường như bắt nguồn từ việc ông Bazoum có ý định cắt chức Tướng Omar Tchiani - chỉ huy Đội cận vệ Tổng thống. Song, nguồn cơn sâu xa có thể do sự bất đồng giữa các lực lượng chính trị Niger liên quan đến cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực của các cường quốc.

Theo giới quan sát, một trong những nguồn lực khiến phe đảo chính tự tin bất chấp cộng đồng quốc tế là bởi sự ủng hộ của một số quốc gia trong khu vực. Nổi bật như Mali và Burkina Faso đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh việc coi mọi hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Niger là sự tuyên chiến với hai quốc gia này. Cùng với đó, Guinea tuyên bố phản đối các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Niger, bao gồm việc đe dọa sử dụng biện pháp quân sự.

Bên cạnh đó, Niger nói riêng và khu vực nói chung lâu nay nhức nhối vấn nạn khủng bố với hàng loạt tổ chức “cộm cán” như: Boko Haram náo loạn hai nước láng giềng của Niger là Nigeria và Chad; tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực sa mạc Sahara; nhánh Al-Qaeda là Jama'at Nusrat Al-Islam Wal-Muslimin (JNIM)...

Điều đáng lo ngại hơn hết là cuộc đảo chính ở Niger có thể “tiếp sức” cho các tổ chức cực đoan bạo lực, phá hoại sự ổn định và làm trầm trọng hơn tình trạng mất an ninh và bạo lực ở khu vực. Dễ thấy là các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động tại khu vực sẽ có thời cơ thích hợp để trỗi dậy.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO