Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 01:05 GMT+7

Những "nhà thuốc" ở chợ vùng cao

Biên phòng - Do đặc thù đời sống kinh tế-xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nên thị trường dược phẩm những vùng này vẫn còn nhiều bất cập. Việc thiếu các cửa hàng, đại lý đủ tiêu chuẩn cung ứng thuốc chữa bệnh đã làm cho tình hình sử dụng thuốc của đồng bào các dân tộc vốn dĩ thiếu kiến thức, thông tin càng thêm đáng lo ngại…

6dql_14c-1.jpg
Lẫn trong các mặt hàng tạp hóa là thuốc tây, trong đó, có nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kê đơn bằng… mồm

Hiện nay, ở nhiều vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có một thực trạng là các công ty dược, các nhà thuốc chữa bệnh tây y thường tập trung ở các trung tâm đô thị, tỉnh lỵ, huyện lỵ, còn lại rất ít các đại lý ở xã. Tại vùng miền núi, biên giới thuộc huyện vùng cao Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chẳng hạn, có nhiều xã, có đi mỏi chân cũng không "bói" đâu ra quầy thuốc gọi là đại lý dược phẩm. Ngay cả ở các Trung tâm Y tế xã, dù có đủ các cơ số thuốc dự trữ theo quy định của ngành Y tế, nhưng chủ yếu vẫn là các sản phẩm nghèo nàn của các xí nghiệp dược trong nước.

Chính vì vậy, có một thực tế bi hài đã và đang hiện hữu ở đây là, tại các chợ phiên xuất hiện rất nhiều người làm nghề bán thuốc tây y, nhưng chủ các "nhà thuốc" này không hề biết mảy may những kiến thức về dược học. Giao dịch với khách hàng là đồng bào các dân tộc thiểu số, họ chỉ "kê đơn mồm", kiểu như: "Thuốc màu đỏ uống hai viên một ngày sau bữa ăn, còn vỉ màu xanh thì 3 viên trước bữa cơm…". 

Trao đổi với chúng tôi, một chủ sạp thuốc đông y kiêm cả việc bán dược phẩm tây y ở chợ phiên Lũng Phìn, thuộc xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn (đề nghị được giấu tên) cho biết, ở các địa phương lân cận, do địa bàn cách trở, dân cư rải rác không tập trung, việc đến các Trung tâm Y tế xã có khi mất cả nửa ngày đường, nên đồng bào đi chợ, tiện thể mua thuốc chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình cũng là điều dễ hiểu.

Khi được hỏi việc kinh doanh thuốc có giấy phép hay không và nhận thức về việc "kê đơn mồm" như thế nào, chủ "nhà thuốc" này không giấu giếm: "Không chỉ ở Lũng Phìn, người dân ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đồng Văn này, khi có người thân ốm thường đến chợ mua thuốc để uống. Tôi tuy không được đào tạo về tây y, nhưng nhà có nghề thuốc đông y gia truyền cũng hiểu đôi chút về một số bệnh phổ thông, nên cũng cố gắng phục vụ bà con, dù biết rằng việc bán thuốc tây y không có giấy phép là sai quy định…".

Cũng tại chợ Lũng Phìn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhỏ đối với chị Thào Thị Mỷ, nhà ở bản Tả Cồ Ván, khi chị vừa kết thúc việc "kể bệnh" với chủ một "mẹt thuốc", đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về lý do đi mua thuốc, chị Mỷ cho biết: "Đứa lớn nhà mình bị cảm sốt nên phải mua thuốc cho nó uống…". Hỏi: "Người bán thuốc có kê đơn thuốc không?". Đáp: "Mình không biết đơn thuốc là cái gì đâu. Chỉ kể bệnh cho người bán rồi trả 20 nghìn cho 2 vỉ thuốc này. Tháng trước, chồng mình bị đau đầu, mình cũng sang chợ Lũng Phìn mua thuốc hết cả số tiền bán một thúng ngô, vậy mà cũng không khỏi. Sau đó ít ngày, có người cùng bản đi chợ phiên, mình lại phải gửi tiền nhờ mua một loại thuốc khác, nó mới đỡ đấy…".

Cái khó bó cái… quy định

Tại chợ Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, chúng tôi cũng đã được "mục sở thị" khá nhiều chủ hàng tạp hóa kiêm "dược sĩ" bán thuốc tây y cho khách đi chợ phiên. Các mặt hàng của họ gồm khá nhiều chủng loại, với đầy đủ màu sắc, từ dạng rắn, lỏng, đóng hộp, đựng trong túi bóng hay trong lọ thủy tinh, trong đó, phần lớn nhãn đều ghi bằng chữ  Trung Quốc. Họ rất vô tư, không cần biết (hoặc biết nhưng vẫn phớt lờ) rằng thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, nhiều loại phải được bán theo chỉ định của y, bác sĩ, chưa kể có loại phải bảo quản theo quy cách nhiệt độ, ánh sáng.

Về phía người mua, dường như đã quá quen với việc mua bán thuốc chữa bệnh dễ như mua hàng tạp phẩm ở chợ nên cứ có nhu cầu là nghĩ tới các "hiệu thuốc" này. Đến đây, họ chỉ cần nói triệu chứng, người bán sẽ "tự kê đơn", rồi bán thuốc. Anh Vừ A Sáng, một nông dân ở xã Lũng Pù cho chúng tôi biết, với gia đình anh, những khi trái gió trở trời, nếu nhẹ thì "cố cho qua", còn "mệt quá" thì người nhà đi chợ mua thuốc về uống mà không hề biết gì về quy định của ngành Y, mỗi cơ sở bán thuốc chữa bệnh đều phải có một dược sĩ,  hoặc dược sĩ trung cấp nếu là cửa hàng đại lý cho một công ty dược nào đó trực tiếp phụ trách. Đây là chuyện không lạ vì đến cả những người bán mà chúng tôi đã tiếp xúc, hầu như chẳng ai biết - hoặc chẳng cần để ý đến những quy định này.

spag_14b-1.jpg
Mua thuốc dễ như mua hàng tạp hóa. 

Công bằng mà nói, nhìn ở góc độ tích cực, thì những "nhà thuốc" ở chợ vùng cao cũng có phần đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe, cả cung ứng thuốc cho người dân ở đây, khi mạng lưới phân phối dược phẩm chưa vươn tới được. Tuy nhiên, khi thuốc chữa bệnh có bán cả trong các mẹt hàng tạp hóa và người mua và người bán đều rất dễ dãi, vô tư là một nỗi lo hiện hữu. Có lẽ, do đã thấy rõ mối nguy này mà thời gian qua, cơ quan chức năng thuộc các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đã ráo riết vào cuộc.

Mới đây, đầu tháng 9-2014, Đội Kiểm tra liên ngành huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã liên tục tổ chức các "chiến dịch" nhằm phát hiện, xử lý các quầy hàng kinh doanh thuốc tân dược không có giấy phép trên địa bàn. Chỉ trong một cuộc "ra quân" tại chợ Lũng Pù, lực lượng này đã thu giữ hơn 30kg thuốc tân dược không rõ nguồn gốc. Nếu gộp cả số lượng thuốc tân dược "có vấn đề" mà lực lượng chức năng thu được trong toàn "chiến dịch", con số đã lên tới hơn 100kg.

Trước đó không lâu, tại huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), thực hiện kế hoạch ngăn chặn tình trạng thuốc tân dược không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan tại các chợ phiên trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện gần 200kg thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng đang được lưu giữ tại một đầu mối phân phối ở thị trấn Yên Cát. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số tang vật này, có tới 160 loại thuốc tân dược hết hạn sử dụng từ 1 đến 3 năm…

Theo quan điểm của chúng tôi, việc áp dụng các biện pháp mạnh, làm trong sạch thị trường thuốc chữa bệnh tại các địa bàn vùng cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, đi cùng với nó, các địa phương cần có giải pháp triển khai mạng lưới phân phối thuốc chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân được mua thuốc có chất lượng, có nguồn gốc và được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Việc chấm dứt tình trạng mua bán thuốc tân dược tràn lan như lâu nay ở nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa phải đi kèm với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về các quy định của ngành Y tế, các kiến thức về bảo đảm an toàn trong sử dụng thuốc chữa bệnh, không mua và sử dụng các loại thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…
Phan Hưng

Bình luận

ZALO