Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 05:32 GMT+7

Những “cầu nối” hữu nghị trên tuyến biên giới Việt-Lào

Biên phòng - Trạm xá quân dân y kết hợp là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các địa bàn biên giới do các đồn Biên phòng đảm trách. Những năm qua, mô hình này đã giúp đồng bào được tiếp cận y tế, qua đó, thắt chặt hơn tình cảm quân dân nơi vùng phên dậu. Hoạt động của các trạm xá quân dân y kết hợp còn góp phần vun đắp tình hữu nghị với nhân dân các quốc gia láng giềng.

Cán bộ Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt-Lào ở Lóng Sập khám, chữa bệnh cho nhân dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Pha Luông

Trên cơ sở chủ trương lớn của Chính phủ hai nước, tháng 4/2007, Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ (huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào) được BĐBP Hà Tĩnh xây dựng, đầu tư trang thiết bị, lựa chọn những cán bộ quân y có trình độ, y đức giỏi để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bản địa. Từ đó đến nay, cơ sở y tế của BĐBP Hà Tĩnh trở thành địa chỉ tin cậy để nhân dân bản Thoọng Pẹ và các bản lân cận như Na Pê, Na Hạt, Na Hương, Noọng Ó đến khám, chữa bệnh. Không chỉ trực tại trạm xá, những quân y của BĐBP Hà Tĩnh cũng cơ động về địa bàn để phục vụ nhân dân.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ chia sẻ: “Với tinh thần “lương y như từ mẫu”, “giúp bạn cũng là giúp mình”, chỉ tính trong 10 năm gần đây, trạm xá đã tư vấn sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt người. Riêng trong 9 tháng của năm 2024, trạm xá đã khám, chữa bệnh tại trạm xá cho 3.950 lượt người; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.800 lượt người; cấp cứu 155 người, chuyển tuyến trên 188 bệnh nhân. Không chỉ có những bản giáp biên mà nhiều bà con ở trung tâm huyện lỵ hoặc cách xa trạm xá đến 150km vẫn tìm đến đây nhờ chúng tôi chữa trị".

Anh May Mì Kiêng Thà Vì (37 tuổi), ở bản Na Pê, huyện Khăm Cợt chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi ốm đau nhẹ, chúng tôi vào rừng lấy thuốc lá về dùng; bị bệnh nặng kéo dài thì mời thầy mo về cúng mãi không khỏi. Từ ngày có Trạm xá quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ, mọi chuyện đã khác hẳn. Mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật, chúng tôi đều đến đây chữa trị, không có tiền thì xin thuốc miễn phí về dùng. Bất kể lúc nào bà con đến trạm đều được các anh BĐBP Việt Nam chăm sóc tận tình”.

Không chỉ chữa bệnh cho người dân, Trạm xá quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ còn là địa chỉ tin cậy của những người lính Đại đội Biên phòng 253 (huyện Khăm Cợt). Là người nhiều lần được bác sĩ Nguyễn Việt Đức điều trị, Thiếu tá Khăm Pạ Sợt Luổng Lạt Pằn Đít, Phó Chủ nhiệm Chính trị Đại đội Biên phòng 253 chia sẻ: “Bác sĩ Đức là người tốt bụng, hỗ trợ bộ đội và người dân rất nhiều. Ngoài ra, anh còn phối hợp trong việc tuần tra biên giới thường xuyên, là người phiên dịch cho lực lượng bộ đội hai bên. Bác sĩ Đức được bà con tin yêu, kính trọng, là một trong những tấm gương trong việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ hai nước Việt Nam - Lào ngày thêm gắn bó, bền chặt”...

Tại huyện Lóng Sập, tỉnh Sơn La, trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt-Lào được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2017. Trạm được trang bị các thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, trạm đã thực hiện khám và điều trị cho gần 20.000 lượt người. Từ đầu năm 2024 đến nay, trạm đã khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 838 lượt người dân hai nước.

Thiếu tá Phạm Thiện Thuật, Trạm trưởng Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt-Lào cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng học tập nâng cao tay nghề, làm tốt công tác y tế dự phòng và phát huy tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men để chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân hai bên biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Được biết, cùng với việc khám, chữa bệnh tại trạm, cán bộ, chiến sĩ quân y của trạm còn thường xuyên trực tiếp xuống tận các gia đình thăm khám và cấp phát thuốc trị bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy, viêm nhiễm hô hấp khi thời tiết chuyển mùa... Đồng thời, tuyên truyền nhân dân đưa con đến cơ sở y tế tiêm chủng mở rộng, sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cách phòng tránh các loại dịch bệnh và loại bỏ các hủ tục...

Mới đây nhất, ngày 19/9, cán bộ trạm vừa cứu sống 4 cháu người Lào, gồm: V.T.X (10 tuổi), V.T.N (8 tuổi), V.T.L (5 tuổi) và V.T.D (2 tuổi), cùng trú tại bản Muống, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn bị ngộ độc nấm rừng. Trước đó, các cháu đã lấy nấm trên rừng về nướng ăn, sau đó xuất hiện các triệu chứng nôn, tiêu chảy cấp nên gia đình đã đưa xuống Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt-Lào để cấp cứu. Khi đến trạm, các cháu có biểu hiện da tái nhợt, mắt lờ đờ, môi khô, thở gấp, nôn nhiều. Các cán bộ quân y tại trạm và tổ quân y cơ động phục vụ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng Việt Nam - Lào lần thứ 2 chẩn đoán ban đầu các cháu bị ngộ độc nấm rừng và đã làm các bước sơ cứu, đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cấp cứu kịp thời.

Được biết, hiện nay, để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới nói chung, bà con các bản đối diện của nước bạn Lào nói riêng, đội ngũ quân y các đơn vị BĐBP thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao tay nghề. Đồng thời, khuyến khích cán bộ quân y trau dồi học tiếng Lào nhằm hỗ trợ công tác khám chữa bệnh thuận tiện hơn.

Theo số liệu của Phòng Quân y, Cục Hậu cần BĐBP, hiện nay, tuyến biên giới Việt-Lào, lực lượng BĐBP đã cử 36 cán bộ, nhân viên quân y tham gia tại 36 cơ sở kết hợp quân dân y. Từ đầu năm 2024 đến nay, quân y BĐBP các tỉnh biên giới Việt-Lào đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho 7.524 lượt người dân nước bạn Lào với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.

Có thể thấy, các trạm xá quân dân y của BĐBP thực sự là cánh tay nối dài về y tế đến tận thôn, bản, buôn, làng của đồng bào. Các y, bác sĩ mang quân hàm xanh không chỉ thực hiện chức năng y tế cơ sở, mà còn thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, thông qua việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO