Biên phòng - Hơn 120 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích trong các trận lũ lụt và lở đất do bão số 6 (Trà Mi) ở Philippines. Đó là thông tin trước khi cơn bão này đổ bộ vào các tỉnh, thành miền Trung của Việt Nam. Rồi những đêm thấp thỏm trước khi bão vào đất liền, người dân miền Trung chia sẻ những hồi ức về bão, để rồi cùng BĐBP chèn chống nhà, giảm thiểu thiệt hại sau nhiều trận bão liên tiếp.
“Máy bay quân sự từ Singapore và Malaysia đã đến Philippines ngày 26/10 để hỗ trợ hoạt động cứu hộ. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã điều động 50 xe tải để gửi thực phẩm và hàng cứu trợ đến các gia đình bị ảnh hưởng, nhất là tại vùng Bicol...” - tiếng của biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam phát qua ti vi vang lên trong những ngôi nhà nằm sát biển ở làng chài thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trong đêm 26, rạng sáng 27/10, bà con sống ở các làng chài dọc miền Trung luôn theo sát tình hình di chuyển của bão. Trong đêm thấp thỏm chờ bão, những ngư dân ra đứng hóng dòng chảy trên sông Trường Giang để lo liệu việc neo đậu lại tàu thuyền.
Ông Nguyễn Văn Hòa, một ngư dân địa phương cho biết, BĐBP đã nhắc bà con từ 2 hôm trước nên tàu thuyền hiện nay neo áp sát nhau và đều sử dụng lốp cao su để chèn hông tàu, chống va đập mạnh. Tiếng mưa rơi ầm ĩ khiến ông Hòa và bà con nhắc lại trận bão cách đây chưa lâu là siêu bão Rai năm 2021 được dự báo gió giật cấp 16. Cả làng chài lo lắng và nhiều người cảm giác những con thuyền gỗ rồi sẽ va vào nhau ầm ầm, thành tàu sứt mẻ. Nỗi phập phồng đó rồi cũng trôi qua, vì may mắn là siêu bão Rai chỉ đi vòng ngoài biển và không tấn công vào bờ như dự báo.
Cơn bão Trà Mi có đường đi luôn thay đổi, nhưng sau đó, cơn bão này tiến về vùng biển 3 tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Trong đêm 26, rạng ngày 27/10, bóng các chiến sĩ BĐBP ở Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP thành phố Đà Nẵng thấp thoáng trong các khu dân cư và Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương tại phường Hòa Hiệp Nam. Nghe tin gió bão, anh em BĐBP vẫn bị ám ảnh bởi trận mưa lụt lịch sử vào đêm 17/10/2022. Vì vậy, trong phương án phòng, chống bão cũng kết hợp phòng, chống lụt, nước dâng.
Trong trận lụt bất thần ở thành phố biển cách đây 2 năm, tuyến đường Mẹ Suốt và khu vực gần đó bị ngập sâu bởi tổng lượng mưa kéo dài trong 16 giờ lên tới 795mm, cao hơn tổng lượng mưa của một tháng gộp lại. Có 3 người chết, nhiều cửa hàng bán linh kiện điện tử trắng tay vì nước ngập sâu và các con đường bất ngờ bị biến thành con sông nước chảy cuồn cuộn. Cụ Lê Quang Mỹ tới giờ vẫn nhắc tên Thượng úy Phan Hoài Bảo và Binh nhất Lê Ngọc Chinh đã bơi vào xóm để cứu bà con đang kêu cứu. “Rứa mà bão số 6 lại vô, nếu nước ngập lại thì bà con không bất ngờ nữa, nhiều người đã lên chỗ cao trước giờ bão tới rồi” - cụ Mỹ cho biết.
Đi dọc vùng biển miền Trung trước ngày cơn bão Trà Mi tấn công vào đất liền, có rất nhiều nơi, bà con ngư dân miền biển cứ nghe bão thì lập tức lại “kích hoạt” hầm tránh trú bão tại nhà. Đó là người dân tại làng chài thôn Châu Thuận Biển và thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Riêng bà con ngư dân ở các làng chài ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế thì phủ lưới trũ (lưới mắt nhỏ) lên toàn bộ mái nhà, sau đó buộc neo các góc lưới xuống đất để tránh bị tốc mái, bay tôn, ngói khi bão đổ bộ.
Ngày bão sắp đổ bộ, người dân làng chài và BĐBP lại nhắc đến những cơn bão từng gây thiệt hại cho Thừa Thiên Huế để sẵn sàng đối phó, hạn chế những thiệt hại lặp lại. Một trong những cơn bão gây thiệt hại nặng là bão số 5 ập vào đất liền ngày 18/9/2020 với sức gió giật cấp 9, cấp 10. Chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ quần đảo, cơn bão đã khiến 2 người chết, 92 người bị thương, quật đổ khoảng 15.000 cây xanh, gần 22.000 ngôi nhà bị tốc mái.
Khi bão Trà Mi tiến vào Biển Đông, BĐBP Quảng Nam đã sớm cùng chính quyền địa phương thông bão rộng rãi trong cộng đồng về việc chèn chống nhà cửa. Tại làng bích họa Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, do nằm sát biển và rất nhiều ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 40 năm nên bão trở thành nỗi lo của bà con. Ngày thường, những ngôi nhà cũ này trở thành điểm nhấn “làng chài ký ức”, vẽ tranh trên tường cho du khách tham quan. Nhưng khi bão đổ bộ, những ngôi nhà cũ rất dễ bị tổn thương. Siêu bão Molave năm 2020 đã từng gây thiệt hại cho ngôi làng này.
Chiều 26/10, khi đi qua làng bích họa Tam Thanh đã cảm nhận được không khí chống bão. Bà con đưa các khay nhựa lên mái nhà, sau đó bơm nước vào các túi nilon đặt vào khay để tạo sức nặng chèn lên các mép tôn. Việc sử dụng các bao cát để chèn mái theo phương pháp truyền thống được bà con chuyển thành bao nước. Vì sau khi bão đi qua thì việc tháo bao, xả nước sẽ thuận lợi hơn là bao cát.
Đêm 26, rạng sáng 27/10, tại thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi từng là tâm bão Malave (bão số 9) vào năm 2020, ánh đèn pin của những người lính Biên phòng quét dọc bờ kè ven biển để kiểm tra lại lần cuối trước khi bão đổ bộ. Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi đã phân công 25 cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn trọng điểm là xã Bình Hải và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn để tham gia phòng, chống bão.
Tiếng mưa rơi lộp độp trên những tấm áo mưa của những người lính đi dọc bờ biển. Âm thanh ầm ì của sóng dội vào đất liền và nước biển mặn bay tung tóe tạo thành một làn hơi mờ mờ như sương giá mùa Đông. Ở vùng biển Quảng Ngãi, có những nơi là “điểm cảnh báo đỏ” mỗi khi có bão, trong đó có thôn An Cường nằm gần Đồn Biên phòng Bình Hải. Vì cứ có bão là sóng lại ập vào bờ kéo nhà dân ra biển. Giờ đây, hệ thống kè chắn sóng đã hoàn thiện nên người dân đã yên tâm hơn, không còn lo chuyện sóng đánh vào bờ.
Ông Lê Văn Tám, một ngư dân ở địa phương nói to, át tiếng gió biển trong đêm: "Hồi trước thì lo sóng ập vô cuốn hết nhà dân ở sát biển, nhưng bây giờ, Nhà nước xây dựng kè chắn thì yên tâm rồi, không lo nước nữa nhưng lại lo gió, lo che chắn mái nhà, sau đó cùng BĐBP sẵn sàng tham gia phòng, chống bão, giúp các gia đình bị thiệt hại khi bão đổ bộ”.
Lê Văn Chương