Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 08:50 GMT+7

Những hạt giống đỏ trên biên giới Cao Bằng

Biên phòng - Trưởng thành trong quân đội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trong 18 tháng quân ngũ, đó là giấc mơ có thật của những anh lính Biên phòng đóng quân ở biên giới Cao Bằng. Không ở đâu tuổi trẻ, niềm tin và tình yêu quê hương xứ sở lại được khơi dậy, khởi nguồn từ việc kết nạp đảng viên trẻ như ở đây.

6cta_10b-1.JPG
Triệu Văn Dắt trong buổi liên hoan 1- 6 tự tổ chức tại xóm sát biên.

Từ tảo hôn trở thành đảng viên trẻ

Những ngày đầu tháng 6-2014, tôi có mặt ở biên giới Cao Bằng, đi tìm một chiến sĩ Biên phòng vừa ra quân trở về địa phương, trú tại xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông, bởi anh là một trong số 17 chiến sĩ Biên phòng Cao Bằng đầu tiên được kết nạp Đảng trước khi ra quân, tên là Triệu Văn Dắt.

Đón tôi ở cửa nhà, anh chỉ tay sang biên giới, chỗ tập trung nhà cửa, ruộng vườn trong một thung lũng nhỏ xíu phía xa và bảo: "Bên ấy họ mới trồng cây tam thất, thấy mọc nhanh lắm, chỉ tuần trước tuần sau vườn đã thẫm màu lá tía rồi". Nhất cử nhất động ở khu vực biên giới này đều được chàng thanh niên người Dao để mắt tới.

Triệu Văn Dắt năm nay mới 21 tuổi, nhập ngũ tháng 2-2012, ra quân tháng 8-2013. Trong tháng 8 đáng nhớ ấy, Dắt được kết nạp Đảng sau quá trình rèn luyện và chấp hành nghiêm kỷ luật, trung thực, nghiêm túc trong quân ngũ. Dắt lấy vợ năm 12 tuổi, vừa đủ tuổi làm lễ trưởng thành đối với một cậu thiếu niên người Dao theo phong tục địa phương. Và chỉ đến khi nhập ngũ, cậu mới nhận thức được là mình tảo hôn.

Khi ấy, Dắt đã phải gánh trên vai một gia đình 4 người, 2 vợ chồng trẻ măng và 2 con nhỏ. Từ khi khoác màu áo lính Biên phòng, cuộc đời của Dắt mới bắt đầu thay đổi.

Vào BĐBP được kết nạp Đảng, Dắt mới thực sự trưởng thành. Ra quân, là đảng viên trẻ, tiếng nói của anh được bà con trong xóm lắng nghe, tôn trọng. Thấy gia đình nào trong xóm cho con cái tảo hôn, Dắt gặp gỡ thuyết phục, phân tích cặn kẽ, cụ thể để những người xung quanh hiểu, lấy vợ lấy chồng đâu phải lấy nhân công về nhà, mà phải cưới tảo hôn.

Dường như ở nơi biên cương xa xăm này, khái niệm đó không ai nhắc tới, nếu như không có một đảng viên người Dao trong xóm nói cho biết. Chú họ của Dắt nạt cháu mình: "Mày cãi lời tổ tiên à, tao xin phép tổ tiên rồi, chúng nó phải làm vợ chồng thôi". Anh biết không thể lay chuyển được người già cả đời không ra khỏi khu vực biên giới này, nên thường trao đổi với đám thanh niên, cùng trang lứa để ngăn chặn nạn tảo hôn.   
Sau các đề án đã từng được BĐBP thực hiện như: Nuôi dạy trẻ trong đồn Biên phòng, cán bộ Biên phòng tăng cường xã; đảng viên Biên phòng sinh hoạt tại các xóm sát biên thì việc kết nạp đảng viên chiến sĩ mới, lại là một sách lược dài hơi để củng cố vững chắc thế trận biên phòng. Muốn có được một “bóng mát tỏa rộng” và cắm rễ bền sâu ở khu vực biên giới, BĐBP lại lặng lẽ "gieo hạt" từ hôm nay.

Theo Dắt ra ngoài nhà văn hóa xóm, chỗ đám trẻ lau nhau đang ngồi chờ buổi liên hoan nho nhỏ mừng ngày 1 - 6, do anh và Bí thư chi bộ xóm Cam Văn Dào đứng ra tổ chức. Chi bộ xóm Nà Tềnh nhờ có Triệu Văn Dắt ra quân về đây mới xóa được xóm "trắng" chi bộ.

Cam Văn Dào bảo, chi bộ có thêm một đảng viên trẻ như Dắt, việc tập hợp đoàn kết bà con cũng dễ hơn. Xóm sát biên này có một cựu chiến sĩ Biên phòng như anh Dắt thông hiểu chính sách, xã hội, quy chế biên giới, thôn, bản không phải lo lắng gì nữa.

Để có kinh phí tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi 1 - 6, Dắt vận động quyên góp từ các gia đình. Dắt mua một ít bánh kẹo, dặn các bà mẹ đưa con đến nhà văn hóa xóm, xem hát, múa, liên hoan. Các thầy cô giáo cắm bản thì đã về xuôi nghỉ hè khi kết thúc năm học. Còn lại Dào và Dắt vụng về bắt nhịp cho bọn trẻ hát và khuyến khích chúng tổ chức trò chơi với nhau. Xóm sát biên chưa bao giờ vui vẻ thế.

Bồi dưỡng nhân tố mới từ ngày đầu nhập ngũ

Niềm vui ấy lan sang tôi cho đến khi xuống núi, đối diện với  Chính ủy BĐBP Cao Bằng Phùng Quốc Tuấn để tiếp tục câu chuyện về BĐBP tỉnh đột phá kết nạp đảng viên trẻ khi còn là chiến sĩ nghĩa vụ.

Từ tiền đề này, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra Chỉ thị số 53 (tháng 3-2014) về công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang. Đảng bộ tỉnh Cao Bằng cho rằng, trong thời gian 18 tháng quân ngũ ngắn ngủi, một quần chúng tốt hoàn toàn có cơ hội trở thành đảng viên.

"Nhưng không có nghĩa là, chúng tôi cố gò để cho “ra lò” những đảng viên chín ép" - Đại tá Phùng Quốc Tuấn nói. Ngay từ khi được trao tay các chiến sĩ từ Hội đồng tuyển quân của tỉnh, BĐBP Cao Bằng đã rà soát lý lịch, sát hạch sơ bộ tư tưởng, đạo đức của các anh lính trẻ.

Năm 2013, từ 300 chiến sĩ mới, chọn được 60 quần chúng tốt trong 3 tháng quân trường, thêm 1,5 tháng thử thách trong các bài huấn luyện nghiệp vụ biên phòng, mới định hình được nhóm các đoàn viên ưu tú trội hẳn lên. Lúc này, lớp dự bị đảng viên mới mở với các học viên đã được chọn lọc.

Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động của BĐBP Cao Bằng nhận thêm một nhiệm vụ không dễ là, chọn ra các cá nhân ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Nhưng có một điều đặc biệt, từ khi đề án này ra đời, Tiểu đoàn trải qua 2 khóa huấn luyện không có trường hợp nào bỏ ra ngoài doanh trại, trốn về thăm nhà hay vi phạm kỷ luật quân đội, anh em luôn ý thức gương mẫu rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Mỗi tuần, tháng đều bình xét thi đua để chọn ra quần chúng tốt tham gia các lớp học về Đảng.

aj63_10a-2.JPG
Chân dung một chiến sĩ trẻ người Nùng.

Thời gian hơn một năm theo quy định của Điều lệ Đảng dành để kèm cặp, bồi dưỡng quần chúng tốt là thời gian các chiến sĩ về phục vụ tại các đồn Biên phòng. Không đâu tốt hơn môi trường này với nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm, nghiệp vụ và giàu cả tình đồng chí, đồng đội. Các chiến sĩ trưởng thành rất nhanh với các bài học trong tất cả các mặt công tác biên phòng. Từ 60 quần chúng tốt đó, cuối cùng chỉ có 34 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng khi ra quân vào quý I năm 2014.

Điều vô cùng ý nghĩa là, BĐBP gieo các "hạt giống đỏ" này phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Toàn bộ 34 đảng viên trẻ vừa ra quân, hiện ở 17 xóm biên giới, đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên chính thức trên cương vị là cán bộ xóm, bí thư Đoàn hoặc chí ít cũng là những thành viên tích cực của đội tự quản đường biên, cột mốc.

Cầm trên tay tập đề án dày cộp về việc kết nạp đảng viên chiến sĩ, tôi tranh thủ đọc lướt qua các phần mục trên đường lên biên giới. Nhưng điều đọng lại mãi trong tôi là, khi đến từng nhà các đảng viên trẻ, tôi thấy họ cẩn thận lấy trong ngăn tủ của gia đình những tờ quyết định kết nạp Đảng cất cẩn thận trong túi ni lông, cho tôi xem.

Cần để mô hình này lan tỏa rộng hơn

Đại tá Phùng Quốc Tuấn khẳng định: "Mỗi năm chúng tôi chỉ mong làm được một việc. Đó là làm dày thêm, làm chắc thêm phên giậu của Tổ quốc". Lúc ngồi trò chuyện với chiến sĩ Lục Văn Nụ, ở Đồn BP Xuân Trường, trên tuyến biên giới Bảo Lạc, Cao Bằng, tôi hỏi Nụ: "Ra quân rồi Nụ tính làm gì để nuôi vợ con?". Nụ không ngần ngại trả lời: "Hai năm quân ngũ luồn rừng lội suối, cùng ở với đồng bào, giờ chả ngại việc gì nữa". Lục Văn Nụ 23 tuổi, người Nùng ở Hạ Lang.

Trong 60 ngày đêm thi đua cao điểm thực hiện lễ tiết tác phong quân nhân vừa kết thúc, Nụ tuyệt đối tuân thủ nội quy, góp phần xây dựng đơn vị như chính ngôi nhà của mình. Chàng trai người Nùng này hay lam hay làm, nhã nhặn, thương yêu đồng đội, ai cũng quý mến.

Tháng 8-2014, Nụ sẽ ra quân. Anh là cá nhân xuất sắc nhất trong số 12 chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đồn BP Xuân Trường, người duy nhất được kết nạp Đảng lần này. Lục Văn Nụ nói, anh sẽ tiếp bước con đường của mẹ mình, một cán bộ phụ nữ năng nổ của xóm biên giới. Nụ sẽ theo học một lớp chuyên môn thiết thực về phục vụ chính nơi anh sinh ra và lớn lên.
Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO