Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 03:42 GMT+7

Những nét văn hóa truyền thống của bộ tộc Rashaida

Biên phòng - Bộ tộc Rashaida (tên gọi khác là Rashaayda hoặc Bani Rashid) là bộ tộc có nguồn gốc Arab từ vùng Hejaz của Arab Saudi. Bộ tộc sinh sống chủ yếu tại Arab Saudi, Eritrea, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman, Yemen, Jordan, Sudan và Libya. Năm 1846, nhiều người Rashaida đã di cư từ vùng Hejaz đến các vùng đất ngày nay là Sudan, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Đến nay, người Rashaida vẫn duy trì nét truyền thống, văn hóa và phong tục đặc sắc của bộ tộc.

Phụ nữ Rashaida trong trang phục truyền thống. Ảnh: KANAGA AFRICA

Người Rashaida thường sống trong những chiếc lều làm bằng da dê. Giống như các nhóm bộ tộc Arab, người Rashaida có tập quán hiếu khách và hào phóng đối với người thân và bạn bè. Khi khách đến chơi nhà, người Rashaida thường chào đón rất nhiệt tình và tổ chức tiệc chiêu đãi.

Bên cạnh việc chăn gia súc, người Rashaida còn kiếm thêm thu nhập nhờ làm đồ trang sức. Phụ nữ Rashaida đảm nhiệm việc chế tác các đồ trang sức bằng bạc và bán tại các chợ sầm uất ở Sudan và Eritrea. Chợ Kassala tại Sudan là địa điểm nổi tiếng đối với khách du lịch nhờ vẻ đẹp của phong cảnh và cũng là nơi người Rashaida tới buôn bán hàng hóa truyền thống.

Người Rashaida phần lớn theo đạo Hồi dòng Sunni. Phụ nữ Rashaida thường đeo những chiếc khăn trùm đầu màu đen hoặc đỏ. Các loại khăn trùm được thêu các hình vẽ công phu bằng chỉ bạc và hạt cườm, ngọc trai. Phụ nữ phải đeo khăn che mặt từ khi lên 5 tuổi. Trang phục chính của phụ nữ Rashaida là những chiếc váy dài có màu sắc tươi sáng và họa tiết đính đá mang hơi hướng văn hóa Arab. Đàn ông Rashaida thường mặc áo choàng và đội khăn màu trắng. Đàn ông Rashaida nổi tiếng với các điệu múa kiếm điệu nghệ tại các buổi lễ và tụ họp. Trong các dịp lễ hội, đàn ông Rashaida choàng áo khoác dày hơn, buộc thắt lưng thêu và đội khăn xếp.

Người Rashaida thường chỉ sinh sống trong cộng đồng thuộc bộ tộc mình và không sống với người thuộc bộ tộc khác. Rất hiếm khi người Rashaida kết hôn với người khác bộ tộc, do họ không muốn dòng dõi bị pha trộn với các bộ tộc khác. Các cuộc hôn nhân của phụ nữ và đàn ông Rashaida thường do gia đình sắp đặt.

Tuy nhiên, nếu một cô gái Rashaida mong muốn được kết hôn, cô ấy sẽ vén khăn che mặt để người mình yêu nhìn thấy cằm, sau đó thách cưới 100 con lạc đà. Đám cưới truyền thống của người Rashaida sẽ kéo dài 7 ngày với một số hoạt động lễ hội như đánh trống, khiêu vũ và đua lạc đà. Trong các sự kiện của đám cưới, cô dâu không được gặp bất kỳ ai, ngoại trừ mẹ ruột và các chị gái; đồng thời, cô dâu phải có mạng che mặt khi về nhà chồng.

Bộ tộc Rashaida theo lối sống du mục có nhiều đàn gia súc, chủ yếu là dê, cừu và lạc đà ở các khu vực. Ở Sudan, người Rashaida có khoảng 68.000 gia súc, tập trung chủ yếu ở phía Đông Bắc Sudan - một trong những địa điểm được ghé thăm thường xuyên ở Sudan. Người Rashaida nổi tiếng ở khu vực Trung Đông vì đã lai tạo thành công giống lạc đà có thể chạy tốc độ nhanh hơn các giống lạc đà khác. Sữa lạc đà đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống hằng ngày của người Rashaida, bởi nguồn sữa này cung cấp đủ vitamin và protein cơ bản. Ở những khu vực có thời tiết khắc nghiệt hay xảy ra hạn hán, người Rashaida thường đi du mục theo mùa.

Từ giữa tháng 7 hằng năm, người Rashaida sẽ di chuyển liên tục cùng đàn gia súc đến những nơi vừa có mưa. Từ tháng 8 đến cuối tháng 9, người Rashaida sẽ ít di chuyển hơn và để đàn gia súc ăn cỏ tại khu vực cắm lều của họ. Khi đến mùa khô cạn, người Rashaida sẽ dừng du mục và cắm lều tại nơi có nguồn nước sông, suối.

Hiện nay, do tình trạng hạn hán xảy ra ngày càng nhiều, phần lớn các hộ gia đình người Rashaida đã di cư đến các thành phố lớn để sinh sống. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống vẫn được người Rashaida lưu truyền, đặc biệt là thông qua các đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo bằng bạc của bộ tộc.

Thu Minh

Bình luận

ZALO