Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 09:33 GMT+7

Những ngày Hè ý nghĩa của Danh Đa và Chăn Đi

Biên phòng - Những ngày không phải đến trường, hai con nuôi của Đồn Biên phòng Kà Tum, BĐBP Tây Ninh vẫn có khoảng thời gian thú vị cùng các bố, các chú và các anh nuôi. Cả hai đang trải qua những tháng năm đẹp đẽ, sống với tuổi thơ của một đứa trẻ: Được ăn no, mặc ấm, được đến trường, được yêu thương và được dạy những kỹ năng để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập.

Danh Đa thích thú với công việc chăn ngựa cùng các chiến sĩ trong đơn vị. Ảnh: Trúc Hà

Kẻng báo thức, Danh Đa nhanh chóng rời giường, làm vệ sinh cá nhân một cách khẩn trương vì hôm nay sẽ theo các anh chiến sĩ đi rẫy khi những đám cỏ mọc tốt um sau những cơn mưa đầu mùa. Binh nhì Phạm Văn Hiếu đã hứa, nếu ngoan sẽ cho Danh Đa cưỡi con ngựa to, lông bóng mượt vẫn hay ăn cỏ ở sau đồn. Thấy Danh Đa háo hức, ai cũng bật cười và rồi lại càng thương cậu bé hơn.

Danh Đa là người Khmer, nhà ở bản Suối Dầm (xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), có hoàn cảnh rất đáng thương. Ba mẹ ly hôn, Danh Đa ở với mẹ và bà ngoại. Nhà Danh Đa nghèo lắm, bữa cơm nhiều hay ít phụ thuộc vào công việc làm thuê của bà và mẹ. Dẫu biết rằng, chăm sóc sẽ rất vất vả, nhưng Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Kà Tum vẫn quyết định nhận và đưa Danh Đa về nuôi dưỡng khi em mới chỉ học lớp 2. Ngày đi, bà và mẹ dặn dò Danh Đa phải ngoan vì về ở với các cha nuôi sẽ không phải lo cái ăn, cái mặc, sẽ được đi học. Nhớ lời dặn nên dù những ngày đầu ở đồn rất nhớ nhà, Danh Đa nhiều lần khóc nhưng không để ai biết.

Cùng về Đồn Biên phòng Kà Tum với Danh Đa năm đó có anh Hố Chăn Đi (nhà ở bản Tầm Phô, xã Tân Đông). Anh cũng là người Khmer nên hai anh em nhanh chóng thân thiết với nhau. Hoàn cảnh của anh Chăn Đi cũng không khác Danh Đa là mấy. Mẹ mất, ba lấy vợ mới, anh Chăn Đi về ở với ông bà ngoại. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng vì không có đất sản xuất nên ông bà vẫn phải đi làm thuê lấy tiền nuôi cháu. Những người lính Biên phòng đã thuyết phục ông bà việc đưa Chăn Đi về đồn Biên phòng chăm sóc, nuôi dưỡng.

Nghe những lời người lính Biên phòng nói, ông bà ngoại hiểu rằng, về đồn Biên phòng ở, Chăn Đi sẽ có cuộc sống tốt hơn nên đã đồng ý. Thế rồi, sự quan tâm của mọi người khiến Danh Đa, Chăn Đi dần quen với cuộc sống mới. 4 năm trôi qua, từ cậu bé nhút nhát, cả hai đã mạnh dạn hơn, cười nói nhiều hơn, chủ động hỏi chuyện mọi người. Đồn Biên phòng Kà Tum thật sự đã trở thành gia đình của hai cậu bé người Khmer này.

Thiếu tá Lữ Thanh Hùng, y sĩ Đồn Biên phòng Kà Tum có nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương này. Là cán bộ quân y, anh không chỉ chăm sóc sức khỏe bộ đội, mà còn chữa bệnh cho người dân trên địa bàn quản lý. Với anh, đồn là nhà, biên giới là quê hương và đồng bào trên địa bàn đã trở thành anh em ruột thịt, bởi vậy, anh thương Danh Đa và Chăn Đi như một lẽ đương nhiên. Trời mưa hay trời nắng, Thiếu tá Lữ Thanh Hùng nhẫn nại ngày 4 lượt đưa đón hai cậu con nuôi của đơn vị đi học.

“Trộm vía, hai đứa nhỏ không mấy khi ốm đau. Được ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đúng giờ nên sức khỏe tốt. Chúng tôi chỉ mong có thế. Việc học hành, các cháu còn hạn chế nhưng có thể khắc phục dần dần. Quan trọng là các cháu được sống một cuộc sống có cơm no, áo mặc và tình yêu thương” - Thiếu tá Lữ Thanh Hùng chia sẻ.

Ở Đồn Biên phòng Kà Tum, không chỉ có Thiếu tá Lữ Thanh Hùng mà nhiều cán bộ, chiến sĩ khác luôn quan tâm đến hai cậu con nuôi của đơn vị. Vốn tính nhút nhát lại có hạn chế trong việc nói tiếng phổ thông, Danh Đa và Chăn Đi tiếp thu bài có phần chậm so với các bạn. Đại úy Nguyễn Đức Tây, Đội trưởng Đội Tham mưu - Hành chính và Đại úy Tạ Đức Hải, Đội trưởng Đội Vũ trang dành thời gian buổi tối “phụ đạo” thêm để hai cậu con nuôi của đơn vị không bị tụt lại. Cứ mỗi tháng một lần, Thiếu tá Lê Đình Thảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kà Tum lại trao đổi với giáo viên chủ nhiệm nắm tình hình học tập và rèn luyện của hai cậu con nuôi để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh.

Thiếu tá Lê Đình Thảo cho biết: “Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều xa gia đình, bởi vậy, sự xuất hiện của hai đứa trẻ ở đồn Biên phòng khiến mọi người trong đơn vị thấy được không khí gia đình. Cán bộ, chiến sĩ cũng chỉn chu hơn trong lời ăn tiếng nói, trở thành tấm gương cho hai đứa trẻ đang tuổi “bắt chước”. Ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm với hai đứa trẻ không chỉ vì là “nhiệm vụ”, mà còn là tình cảm cũng như sự cảm thương và sự quan tâm, chăm sóc đó như một phần bù đắp cho những thiệt thòi mà các con đã trải qua”.

Thực thế, không chỉ được quan tâm, chăm sóc, ăn uống đầy đủ, đi học, hai cậu con nuôi của đơn vị còn được dạy nhiều bài học về kỹ năng sống. Vì có những lúc bộ đội phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất, để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của các con, Danh Đa và Chăn Đi được bố trí ngủ riêng ở một phòng. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ nhắc nhở các cháu thức dậy gấp chăn màn, dọn dẹp, quét phòng. Vào giờ nghỉ, hai cậu bé theo các bố, các chú ra vườn để cùng nhổ cỏ, hái rau.

Chăn Đi rất vui khi được cùng các chiến sĩ lên chốt trên biên giới. Ảnh: Trúc Hà

Hôm trước, Chăn Đi hái được một rổ cà tím, hai chiến sĩ nuôi quân là Binh nhì Trần Hoàng Lê, Phạm Minh Tâm nói sẽ làm món “Danh Đa và Chăn Đi chưa được ăn bao giờ”. Nghe vậy, Chăn Đi thích lắm, cậu bé vào bếp phụ giúp rửa và khi món ăn được nấu xong xuôi, cậu nhỏ lại xăng xái phụ giúp hai anh bê thức ăn ra các bàn. Năm nay Chăn Đi đã vào lớp 8, chỉ còn 2 năm nữa là tốt nghiệp cấp 2. Lớp 10, Chăn Đi sẽ rời đồn vì phải đi học xa, thế nên thông qua nhiều việc, mọi người rèn cho cậu bé tính tự lập từ bây giờ, có như thế thì khi ra trường đời, ở hoàn cảnh nào cậu cũng có bản lĩnh, tự tin trong cuộc sống.

Những ngày Hè, Danh Đa và Chăn Đi đều ở lại Đồn Biên phòng Kà Tum. Chỉ khi mẹ hoặc ông bà nhớ quá lên đón về chơi nhà vài ngày rồi hai cậu bé lại trở về với các bố Biên phòng. Danh Đa bảo: “Mẹ đi làm thuê cả ngày, cháu ở nhà một mình buồn lắm. Về đồn có các bố, các chú, các anh nên vui hơn. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu phụ mọi người những việc lặt vặt vừa với sức của mình. Vì ở đồn, ngày nào cháu và anh Chăn Đi cũng tự mình quét dọn phòng, thậm chí quét sân nên ở trường, cô giáo khen cháu vệ sinh lớp sạch nhất”. Nói đoạn cậu bé cười đầy hồn nhiên, vô tư.

Còn Chăn Đi nói như biết lỗi: “Cháu học chưa được khá nên biết các bố, các chú buồn. Mọi người ở đồn lo lắng, chăm lo cho hai anh em từ miếng ăn, giấc ngủ và rất quan tâm đến việc học hành. Sắp vào năm học mới rồi, cháu và em Danh Đa bảo với nhau phải cố gắng hơn nữa để không phụ công của mọi người”. Nghe những lời Chăn Đi nói, chúng tôi hiểu, Chăn Đi đã trưởng thành rồi.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO