Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:41 GMT+7

Những nghệ nhân của bản làng Pa Cô

Biên phòng - Trước nguy cơ giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, nhiều già làng người Pa Cô, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực giữ gìn và lưu truyền các làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ.

5lcb_9-1.JPG
Từ trái qua phải: Nghệ nhân Hồ Văn Xếp, Hồ Pưn, Lê Văn Yên - những người góp sức bảo tồn văn hóa dân gian của đồng bào Pa Cô. Ảnh: Châu An.

Khoảng 7 giờ tối một ngày đầu tháng 7, thời tiết vẫn còn rất oi bức nhưng tại trụ sở UBND xã Hồng Kim, không khí lại trở nên rộn rã khi hàng chục người dân Pa Cô tập trung đến để học dân ca, dân vũ. "Giáo viên" đứng lớp không ai khác là những người già trong xã.

Dù đã qua tuổi 70 nhưng ông Hồ Văn Xếp, trú tại thôn 5, xã Hồng Kim, người được dân bản nơi đây tôn vinh là "nghệ nhân cộng đồng" vẫn ngày đêm lặng lẽ sưu tầm và truyền dạy những lời ca, điệu múa cho bà con. Đối với nhiều người dân Pa Cô, ông Xếp như là người thầy bởi vốn hiểu biết văn hóa phong phú và một trái tim đầy nhiệt huyết.

Ông Xếp kể, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, để bảo vệ bản làng và căn cứ địa cách mạng, ông cùng nhiều thanh niên trong bản tham gia đội du kích địa phương, tổ chức nhiều trận đánh vào Đồn A Lưới, đồi A Bia, sân bay A So... Sau ngày đất nước giải phóng, ông được cha truyền dạy những làn điệu dân ca truyền thống như Siêng, Cha Chấp, Câr Lơi, Ru A Cay... rồi đem lòng đam mê, học thành thạo những lời ca tiếng hát từ đó. Như là một cơ duyên, đến tận bây giờ, ông vẫn miệt mài, tâm huyết truyền dạy cho bà con dân tộc mình những loại hình nghệ thuật của cha ông sáng tạo ra. Chỉ tính riêng lớp học của ông Xếp đã có trên 10 thanh niên theo học vào các buổi tối.

Chia sẻ về các làn điệu dân ca Pa Cô đang dần bị mai một, ông Xếp cho biết thêm: "Dân ca Pa Cô có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong những ngày lễ hội, người dân thường mang trang phục truyền thống dệt zèng để thể hiện những điệu múa, lời ca, tiếng hát hòa quyện với điệu cồng chiêng và tiếng trống rộn rã. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người Pa Cô mà hiếm dân tộc nào có được".

Nói rồi, ông Xếp cất lên tiếng hát của mình bằng chất giọng trầm ấm với ngôn ngữ của dân tộc Pa Cô. Ông Xếp lý giải cho chúng tôi hiểu thêm, những điệu dân ca Pa Cô không bó hẹp về nội dung mà ngược lại, rất đa dạng và phong phú. Trong đó, điệu Siêng là hát đối đáp nói lên những vấn đề xảy ra trong đời sống gia đình và xã hội; điệu Câr Lơi dùng để hát đối đáp khi uống rượu, hội hè với mục đích căn dặn con cháu; điệu Cha Chấp trữ tình dành cho tình yêu nam nữ...

Ngoài ông Xếp, hiện ở xã miền núi Hồng Kim còn có ông Hồ Pưn, 67 tuổi; ông Lê Văn Yên, 71 tuổi. Họ đều là những người thầy có công truyền dạy và chơi những loại nhạc cụ như cồng chiêng, tù và, khèn bè...

Nói về việc làm của các nghệ nhân cộng đồng, ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết: "Qua thời gian, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pa Cô đang bị mai một đi nhiều. Với sự tận tâm của ông Xếp, ông Hồ Pưn và ông Yên thì các lớp học dân ca, dân vũ đã thu hút hơn 50 người tham gia, trong đó, chủ yếu là các em học sinh và những người ở độ tuổi trung niên. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ quan tâm hơn nữa đến các lớp học này nhằm giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc".

Ngoài việc truyền dạy các làn điệu dân ca, những nghệ nhân cộng đồng này còn góp công vào việc sưu tầm và gìn giữ các hiện vật lịch sử. Đến nay, xã Hồng Kim đã xây dựng được phòng trưng bày truyền thống với trên 50 hiện vật về nhạc cụ. Ngoài xã Hồng Kim thì xã Hồng Hạ, A Ngo... cũng đang tích cực mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ.

Theo các nghệ nhân, việc lưu giữ và truyền bá những giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số đến nay vẫn còn là một bài toán khó. Trong khi những người nắm rõ, hiểu biết và thông thuộc các thể loại dân ca, dân vũ Pa Cô đều đang ở tuổi xế chiều và họ luôn đau đáu với nỗi lo thất truyền những giá trị truyền thống.

"Mình đã già, rồi cũng phải về với Giàng mà những người biết dân ca Pa Cô, biết chơi nhạc cụ truyền thống lại rất ít nên không biết mai này, liệu những bài dân ca, dân vũ Pa Cô còn được lưu truyền nữa hay không..." - Nghệ nhân Hồ Pưn bày tỏ lo lắng.

Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, từ khát khao giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những nghệ nhân cộng đồng vẫn miệt mài tập luyện và truyền dạy cho thế hệ mai sau. Mong muốn của họ là có thể gieo vào lòng thế hệ trẻ một tình yêu sâu sắc về văn hóa truyền thống của dân tộc. Có như vậy, hôm nay và mai sau, những lời ca, tiếng hát của dân tộc Pa Cô vẫn không ngừng cất lên trên vùng đại ngàn Trường Sơn.
Châu An

Bình luận

ZALO