Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 11:54 GMT+7

Những người lính Biên phòng dưới bầu trời pháo hoa rực rỡ

Biên phòng - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2023 được xác định là sự kiện mang tính đột phá để đẩy mạnh chủ trương phát triển mọi mặt của thành phố Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Cũng như các đơn vị khác, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng nêu cao tinh thần chủ động, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm nên một mùa pháo hoa thành công rực rỡ cũng như hoàn thành mục tiêu thành phố đã đề ra.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đà Nẵng đưa du khách rời tàu vào bờ cấp cứu. Ảnh: Hồ Văn Toán

Mỗi kỳ tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế, UBND thành phố Đà Nẵng luôn tin tưởng giao cho BĐBP Đà Nẵng trọng trách đảm bảo an ninh, an toàn khu vực mặt nước. Theo đó, lực lượng BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn, trên biển cũng khu vực biên giới biển. BĐBP tổ chức kiểm soát, điều phối tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn và chốt chặn không để tàu cá, các loại phương tiện thủy vào mặt nước khu vực trình diễn pháo hoa. BĐBP chủ công trong việc tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm các quy định trong thời gian diễn ra lễ hội, đặc biệt là các chủ ghe, phương tiện chở khách xem pháo hoa. Lực lượng quân y được bố trí trên các tàu làm nhiệm vụ chốt chặn trên sông sẵn sàng tiến hành cấp cứu khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cử cán bộ tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên bờ trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2023 có sự tham gia của 8 đội, gồm: Việt Nam, Phần Lan, Canada, Pháp, Australia, Italia, Ba Lan và Anh, diễn ra trong các ngày 2/6, 10/6, 17/6, 24/6 và trận chung kết ngày 8/7/2023. Đến nay, lễ hội đã bước qua 3 đêm thi và được đánh giá gặt hái được nhiều thành công. Điểm chung của các đêm thi là màn pháo hoa mãn nhãn, khán giả như được ngồi trên chuyến tàu của cảm xúc, khi du dương, khi phấn khích bởi sự kết hợp hoàn hảo của âm nhạc và pháo hoa. “Vũ khí bí mật” năm nay chính là những chùm pháo có hiệu ứng ánh sáng độc đáo, đẹp đến siêu thực. Các đội thi đã mượn pháo hoa để “thay lời muốn nói” về các chủ đề do Ban tổ chức đưa ra, gồm: “Hòa bình cho nhân loại”, “Tình yêu không biên giới”, “Chinh phục những giấc mơ”, “Vũ điệu của thiên nhiên” và “Thế giới không khoảng cách”.

Tất cả các đêm thi, Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Đà Nẵng đều có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo. Đại tá Trần Công Thành, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cũng lên tàu kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ.

“Để thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch điều động 30 tàu, xuồng, ca nô và ô tô cùng 200 lượt cán bộ, chiến sĩ. Lần này thành phố tổ chức lễ hội pháo hoa với rất nhiều kỳ vọng nên chúng tôi không cho phép mình để xảy ra sai sót” - Đại tá Trần Công Thành cho biết.

Trong đêm thi thứ 3, khi đội tuyển Australia đang bắn những loạt pháo làm sáng cả khúc sông thì bộ đàm của Đại tá Hồ Sĩ Hậu vang lên: “X12 gọi B1”. Đại tá Hồ Sĩ Hậu bấm nút trả lời: “Nghe rõ”. Giọng nói phía bên kia bộ đàm nghiêm lại: “Báo cáo, trên tàu du lịch Tây Bắc có hành khách người Mỹ bị sốt, nôn mửa, cần đưa vào bờ gấp”. Đại tá Hồ Sĩ Hậu lập tức chỉ đạo lái xuồng đưa mình về phía tàu Tây Bắc đang neo đậu. Lúc này, Trung tá, bác sĩ Lê Gia Tân, cán bộ quân y BĐBP Đà Nẵng đã có mặt để hỗ trợ. Nữ phiên dịch của đoàn khách vô cùng bối rối vì bệnh nhân hoảng loạn, người nhà bệnh nhân liên tục yêu cầu đưa vào bờ. Đại tá Hồ Sĩ Hậu nói bằng tiếng Anh để trấn an du khách và người nhà rằng: “Tất cả hãy bình tĩnh, chúng tôi ở đây để giúp đỡ các bạn”.

Điều đặc biệt ở khán đài, sân khấu của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là có đường thoát hiểm - cầu phao nổi dài gần 100m do BĐBP Đà Nẵng lắp đặt. Có mặt trên cầu phao, Trung tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết: “Đây lối thoát hiểm trên đường sông khi khán đài xảy ra sự cố và cũng chính là đường đi của lãnh đạo các cấp khi đón bằng ca nô từ phía bên kia thành phố. Trên chiếc cầu phao thoát hiểm này luôn có lực lượng Biên phòng túc trực. Với đặc thù công việc là mở đường cứu nạn, bởi vậy, khi mọi người say sưa ngắm pháo hoa thì chúng tôi quay lưng lại, hướng mặt về phía khán đài theo dõi và sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp”.

Mỗi đêm thi của lễ hội pháo hoa thu hút hàng chục nghìn người xem trên khán đài và dọc hai bờ sông Hàn. Phần thi kết thúc, ai cũng tranh thủ ra về vì đêm đã muộn thì cán bộ, chiến sĩ BĐBP làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở bờ Đông sông Hàn nán lại thu gom rác vương vãi trên đất. Trước hành động này, nhiều bạn trẻ cũng cùng làm với những người lính Biên phòng.

Thiếu tá Dương Hữu Hưng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết: “Vào ngày thứ 7 hằng tuần, Đoàn thanh niên của đơn vị đều phối hợp với các Chi đoàn bạn tổ chức hoạt động dọn dẹp bãi biển hoặc khu dân cư trên địa bàn quản lý. Việc làm này dần hình thành ý thức trong mỗi đoàn viên, thanh niên, bởi vậy, khi thấy rác khắp nơi thế này, chúng tôi đã tự bảo nhau thu gom lại. Rất vui là việc làm này đã được nhiều khán giả ủng hộ bằng cách chung tay dọn dẹp”.

Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh những người lính Biên phòng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ là những câu chuyện rất riêng mà không phải ai cũng biết để hiểu và chia sẻ.

Hải đội 2, BĐBP Đà Nẵng là đơn vị chủ công việc điều động tàu, xuồng đảm bảo an ninh trật tự mặt nước trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Đơn vị trực 100% quân số để làm nhiệm vụ, điều đó có nghĩa là cán bộ, chiến sĩ sẽ không có điều kiện cùng cha mẹ, vợ con xem bắn pháo hoa như nhiều gia đình khác. Năm nay, Đại úy Nguyễn Tống Khiêm bàn với vợ mua vé xem pháo hoa trên thuyền du lịch cho các con để đỡ tủi thân vì không có ba đưa đi như các bạn. Tối hôm ấy, khi Đại úy Nguyễn Tống Khiêm làm nhiệm vụ trên xuồng thì nghe tiếng gọi: “Ba ơi, ba ơi”. Hóa ra con gái của anh đứng trên tàu gọi mình. Anh đã xin phép chỉ huy được cập mạn thuyền để gặp con gái. Hình ảnh người lính Biên phòng trong quân phục dã chiến ôm con gái dưới bầu trời pháo hoa thật đẹp biết bao.

Tôi gặp Binh nhất Trần Thanh Đức trên tàu trong đêm thi “Chinh phục những ước mơ”. Nhà của Binh nhất Trần Thanh Đức cách trung tâm thành phố 20km, nhưng chàng lính trẻ bộc bạch: “Em chưa khi nào xem bắn pháo hoa”. Tôi hỏi Đức ước mơ của em là gì? Đức trả lời: “Em muốn được cùng mẹ xem bắn pháo hoa”. Hỏi mẹ có Zalo không, em bảo có nhưng là chiến sĩ nên không được phép dùng điện thoại. Chúng tôi đã gọi về cho mẹ Đức và kết nối Zalo thành công. Và cuộc gọi video call đã hiện thực hóa giấc mơ “cùng mẹ xem bắn pháo hoa” của chàng lính trẻ.

Kết thúc cuộc gọi, Trần Thanh Đức nói chúng tôi nhưng như hứa với bản thân mình: “Nhất định mùa pháo hoa năm sau, em sẽ đưa mẹ đi xem trực tiếp những màn pháo hoa rực rỡ”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO