Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 07:07 GMT+7

Những triệu phú ở vùng biên từ cây sắn

Biên phòng - Những triệu phú trẻ ở vùng biên với “Câu lạc bộ 100 triệu” đã thúc đẩy phong trào làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương với loại cây lương thực phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, trở thành cây trồng chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng biên Hướng Hóa thoát nghèo.

Anh Hồ Văn Pường (bên trái) thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ cây sắn. Ảnh: Tiêu Dao

Thu nhập hàng trăm triệu từ cây sắn

Những năm qua, cây sắn trên miền biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã cùng với các cây trồng: Cà phê, hồ tiêu, chuối..., trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt là nông dân dân tộc Vân kiều, Pa Kô ở các bản làng, huyện vùng cao. Từ bao đời nay, sắn vốn là cây trồng quen thuộc, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện vùng cao Hướng Hóa, Quảng Trị, đặc biệt ở vùng Lìa gồm những xã biên giới xưa nay vẫn được xem là vùng trồng sắn lớn của địa phương.

Trước đây, sắn được xem là cây lương thực cứu đói của người dân. Nhưng bây giờ, cây sắn đã trở thành cây chủ lực để người dân miền biên giới này làm giàu. Hiện nay, tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) có khoảng gần 30.000 hộ đồng bào Vân Kiều, Pa Kô tham gia trồng sắn, với tổng diện tích ước đạt khoảng gần 10.000ha. Riêng huyện Hướng Hóa, năm 2022 có trên 5.000 ha sắn, với sản lượng hơn 72 nghìn tấn sắn củ tươi, doanh thu trên 150 tỉ đồng.

Ông Pả Dỏ, người Vân Kiều ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa là nông dân đầu tiên thu được 100 triệu từ trồng sắn trên vùng đất này. Từng có cuộc sống khó khăn, sau nhiều năm nghèo khó với cây lúa rẫy, năm 2006, Pả Dỏ bắt đầu trồng 2ha sắn. Trong vụ mùa đầu tiên, Pả Dỏ thu được gần 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ cây sắn mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, Pả Dỏ dần mở rộng diện tích canh tác lên 7ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 140 tấn sắn củ. Một thời gian sau, ông đã thu được hàng trăm triệu.

Nông dân Hồ Ăm Thăng ở xã Pa Tầng cho biết, lần đầu tiên sở hữu 100 triệu đồng từ việc bán củ sắn cho nhà máy mà người run rẩy vì sung sướng. Bao nhiêu năm trồng sắn đã lần nào Hồ Ăm Thăng có được nhiều tiền vậy đâu nên khi cầm những đồng tiền từ mồ hôi công sức của mình, anh Thăng sung sướng như người đi trên mây.

Không chỉ Hồ Ăm Thăng, hàng ngàn gia đình bà con người dân tộc khi vụ thu hoạch sắn đến, mỗi ngày chỉ việc đếm tiền bán củ sắn. Từ việc trồng cây sắn mà mỗi năm mỗi gia đình thu về được vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.

Anh Hồ Măm ở xã A Dơi không giấu được nỗi vui sướng, ngày nào cũng có tiền nhờ sắn. “Trước đây trồng sắn chỉ để lo cái ăn mà vẫn chưa đủ. Mấy năm trở lại đây, mỗi năm gia đình tui thu hoạch đến 140 tấn sắn, bán cho nhà máy được 280 triệu đồng, tha hồ mà xây nhà, mua sắm đồ dùng”, anh Măm nói.

Cũng như thế, gia đình anh Hồ Văn Pường ở bản 10 (xã Thanh) trước đây canh tác cây sắn theo lối truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao. Khi thấy nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng sắn theo phương pháp mới nên anh đã mạnh dạn thử sức.

Từ kinh nghiệm được hỗ trợ của bà con, cách trồng sắn của anh Pường đã thay đổi và cho kết quả. Năm 2014 từ gần 4 ha sắn đã cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, anh Pường có thêm nguồn kinh phí để đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy cày, vừa phục vụ cho gia đình và kết hợp làm dịch vụ. Anh Pường chia sẻ: “Trồng sắn theo phương cách mới, lại được Nhà máy hỗ trợ phân bón, cây trồng. Nên thu nhập của gia đình tôi cũng như nhiều người khác đã tăng đáng kể”.

Tại vùng biên giới Hướng Hóa, những gia đình bà con đồng bào DTTS có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng sắn là không ít. Hàng năm những những bà con này vẫn được đi các địa phương khác để để học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng sắn. Câu chuyện lần đầu tiên hàng ngàn hộ gia đình người Vân Kiều, Pa Cô sống ở 7 xã vùng biên được dạy cho cách học trồng sắn và đổi đời nhớ trồng sắn, thực sự đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhận thức để bà con mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Những năm gần đây, phần lớn nông dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo và vươn lên khá giàu nhờ thu nhập chính từ cây sắn.

Khi những niên vụ thu hoạch sắn bắt đầu, người trồng sắn rất phấn khởi vì không chỉ được mùa mà giá sắn củ tươi hiện đang được nhà máy thu mua khá cao, với mức giá dao động từ 2.000 - 2.700 đồng/kg, cao hơn vụ trước từ 100 - 300 đồng/kg. Mô hình “Câu lạc bộ 100 triệu” là ý tưởng được Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa triển khai từ năm 2010. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút 77 hội viên là các hộ gia đình trồng sắn tiêu biểu trong vùng tham gia.

Hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật

Từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng tại xã Thuận đưa vào hoạt động, sắn trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà vươn lên khá, giàu. Hiện nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã đưa vào hoạt động 3 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất tiêu thụ 1.500 tấn sắn tươi/ngày. Bình quân hàng năm nhà máy nhập 180.000 tấn sắn tươi của huyện Hướng Hóa, Đakrông, các huyện bạn Lào và phần nhiều trong số đó là sắn của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã biên.

Cán bộ hướng dẫn người dân cách trồng cây sắn theo phương cách mới. Ảnh: Tiêu Dao

Để trồng sắn có năng suất cao, đất ít bạc màu, giúp bà con có phân bón, cũng như tận dụng 100% phế thải của quá trình chế biến sắn củ tươi. Nhờ đó, giá xuất bán sắn tươi cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng cao hơn hẳn so với các xã khác cùng địa bàn. Bà con các xã vùng biên bên cạnh mở rộng diện tích sắn theo quy hoạch, được sự hỗ trợ của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hướng dẫn về kỹ thuật và phân bón, bà con còn tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng.

Doanh nghiệp cũng đã đầu tư một dây chuyền chế biến phân vi sinh với công suất 5.000 tấn/năm để tận dụng 100% phế thải từ hoạt động sản xuất tinh bột, góp phần nâng cao doanh thu cho nhà máy và giúp cho nông dân có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây sắn bằng loại phân giá rẻ, thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững ở huyện Hướng Hóa.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa khẳng định, từ hàng chục năm nay sắn vẫn là cây chủ lực ở huyện Hướng Hóa. Nhờ trồng sắn nhiều bà con đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vùng biên đang được xây dựng thành vùng nguyên liệu sắn tập trung quy mô lớn theo mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều người dân Vân Kiều, Pa Kô nay đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ bán sắn cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, trở thành những điển hình nông dân sản xuất giỏi của huyện, tỉnh.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO